Nữ sĩ Trần Ngọc Lầu (SN 1863, còn gọi là Trần Thị Ngọc Lầu, Ngọc Dung, Ngọc Bích), tục danh là cô Ba Lào, nguyên quán ở Vĩnh Long, là con gái duy nhất của ông Trần Xuân Sanh, một nhà nho hay chữ.
Sớm mất mẹ, cha bà đi bước nữa nhưng cuộc sống không hạnh phúc nên ông Trần Xuân Sanh dẫn con gái đến tỉnh lỵ Mỹ Tho làm nghề dạy học. Bà Trần Ngọc Lầu được cha dốc lòng dạy dỗ nên từ nhỏ đã văn tài lưu loát, mới 16 tuổi đã nổi tiếng hay chữ trong vùng, lại thêm có nhan sắc nên được nhiều người yêu mến. Trong số đó, nữ sĩ đem lòng yêu mến chàng thanh niên Nguyễn Hữu Đức, người đồng quê xứ Vĩnh Long, là một học trò nghèo hiếu học, có tài thi họa với bút danh Phụng Lãm. Hai người thường xướng họa thi ca cùng nhau. Mối nhân duyên trai tài gái sắc này không có được một kết thúc tốt đẹp vì ông Nguyễn Hữu Đức sớm qua đời ở tuổi 26.
Sau đó ít lâu, ông Trần Xuân Sanh lại chuyển về Phong Điền, Cần Thơ làm nghề dạy học, bà Trần Ngọc Lầu cũng theo cha. Tiếng tăm về nhan sắc và thi tài của bà ngày càng vang xa. Bà xướng họa đề thơ với nhiều văn nhân thi sĩ. Nhiều vần thơ của bà thể hiện niềm xúc động trước cảnh nước mất nhà tan.
Trong số những người thường xướng họa với bà có ông Cai tổng Lê Quang Chiểu, người làng Nhơn Ái, huyện Phong Điền, tỉnh Cần Thơ. Tuy làm cai tổng nhưng ông không dốc lòng phục vụ cho Pháp mà ngược lại rất nặng tình dân tộc, về sau đã dứt áo từ bỏ chính quyền. Ông là soạn giả của công trình Quốc âm thi hợp tuyển, được xác định là tập thơ Quốc ngữ xuất bản đầu tiên ở Việt Nam.
Mến tài, mến đức lẫn nhau, ông Lê Quang Chiểu và bà Trần Ngọc Lầu trước là bạn thơ văn, sau kết tình tri kỷ. Ông Lê Quang Chiều và bà Trần Ngọc Lầu chung sống với nhau một thời gian nhưng rồi mối nhân duyên này cũng không đi đến kết quả vì nằm ngoài lễ giáo. Ông Chiểu đã có vợ, bà Lầu ở bên ông không có chút danh phận gì, lại thêm những lời bàn tán bên ngoài nên bà đau lòng bỏ đi khi đã mang thai 4 tháng.
Thế là bà Trần Ngọc Lầu lại lâm vào cảnh khốn khó cả về vật chất lẫn tinh thần. Trở về quê nhà Vĩnh Long, bà phải bán bớt đất hương hỏa để tính cách mưu sinh. Trong những ngày sóng gió ấy, bà gặp một biện lý người Pháp là Des Hameaux hào hiệp giúp đỡ. Không rõ vì cảm động trước nghĩa cử của biện lý hay vì muốn đáp trả món nợ ân tình mà bà Lầu đã nhận lời cầu hôn của ông quan Pháp. Cũng không rõ bà hạnh phúc được đến đâu nhưng chắc hẳn không tránh khỏi miệng đời xô lệch vì phụ nữ Việt Nam lấy chồng Tây thời đó không được nhìn bằng ánh mắt thiện cảm. Cuộc hôn nhân này kéo dài đến năm 1890 thì biện lý Hameaux về Pháp. Bà Trần Ngọc Lầu từ đó cũng tắt mọi đường trần duyên, trông cậy vào người con trai duy nhất làm niềm an ủi. Bà lâm bệnh rồi mất năm 1937, thọ 74 tuổi.
Cuộc đời bà Trần Ngọc Lầu nhiều lận đận thế nhưng thơ bà không chỉ dành cho những nỗi đau riêng mà còn nặng ưu tư thời thế. Là trang nữ lưu cá tính, bà mạnh mẽ trên con đường tìm kiếm hạnh phúc, dù không phải lúc nào số phận cũng mỉm cười với bà và cá tính ấy cũng thể hiện qua việc bà không chỉ để lòng ở chốn phòng the mà còn góp lời vào bàn bạc vận mệnh non sông. Đó chính là điều khiến cho các danh sĩ đương thời cảm phục và quý mến bà. Cái tên Trần Ngọc Lầu xứng đáng có một vị trí trang trong trong lịch sử thi ca đất phương Nam.
Non sông không thoát cơn mơ mộng
Sóng gió như khêu nỗi bất bằng…
Ai ơi, vì nước không lo liệu
Kẻo đến chân rồi hết nói năng.
(Qua Ba Bèo cảm tác)
Tên bà thường được người đời sau nhắc đến cùng với 2 nữ sĩ phương Nam khác cùng thời là Sương Nguyệt Anh và Trần Kim Phụng vì sự tương đồng của họ trong tài sắc, số phận và trước tác văn chương.