Một nghệ sĩ trong tuổi thơ của các trẻ em cũng chính là tác giả của cuốn tiểu thuyết nổi tiếng “Tấm ván phóng dao” – nghệ sĩ Mạc Can giản dị đến với Gương Hai Chiều cùng với những trải lòng đầy tự sự nhưng cũng không kém phần dí dỏm.
Nghệ sĩ Mạc Can ngày bé sống cùng gia đình trên một chiếc thuyền nghệ thuật, cuộc sống nay đây mai đó, thuyền đi đến đâu sẽ biểu diễn nghệ thuật ở đấy với nhiều tiết mục hát hò và đặc biệt là “ảo thuật”. Từ bé, Mạc Can đã được phân bố cho 1 vai Chú Hề với lý do ngộ nghĩnh của mẹ “mặt thằng này buồn nên làm chú hề rất hợp?!”.
Cùng xem trailer giới thiệu tập 2 của Gương hai chiều, sẽ phát sóng vào tối chủ nhật, 22/10:Tuổi thơ sống “trôi nổi” trên sông nước cùng với gia đình, cậu bé Mạc Can ngày ấy tìm đến con chữ từ những lần học lén ở trường học, những nơi mà chiếc thuyền cập bến. Bén duyên với con chữ là vậy nhưng chưa bao giờ suy nghĩ đến việc mình sẽ trở thành nhà văn, tâm sự với Trấn Thành, nghệ sĩ Mạc Can bộc bạch cho ra đời cuốn tiểu thuyết “Tấm ván phóng dao” cũng vì màn ảo thuật phóng dao đầy nguy hiểm mà bản thân đã trải nghiệm từ bé khi phải đỡ ván cho anh trai thực hành.
Chia sẻ về những mối tình của chính bản thân mình, Mạc Can bật mí về mối tình giữa ông và người phụ nữ người Nhật, dù có với nhau một đứa con nhưng người phụ nữ ấy quả quyết rằng “Ông là cha của con tôi nhưng ông không phải là chồng tôi” vì không muốn lập gia đình. Trong một lần được bảo lãnh sang Mỹ thăm con, cuốn tiểu thuyết “Tấm ván phóng dao” lại là thứ giúp Mạc Can có được tấm vé máy bay để trở về lại Việt Nam vì không chịu nổi sự buồn tẻ nơi đất Mỹ.
Tâm sự với Trấn Thành về tuổi thơ không được hạnh phúc, nghệ sĩ Thiên Kim chua xót khi hồi tưởng lại những ký ức tưởng chừng như chỉ xuất hiện trên phim ảnh. Ba mẹ chia tay nhau khi cô chưa đầy 3 tuổi cũng chỉ với lý do “nhà toàn sinh con gái chẳng có nổi một đứa con trai”, mẹ cô quyết định “đi thêm bước nữa” với một người đàn ông mới nhưng cuộc sống lại tiếp tục đẩy đưa, nghệ sĩ Thiên Kim lại bị cha dượng dẫn về sống chung với vợ mới của mình và những bất hạnh bắt đầu từ đấy đến với cô.
Rùng mình nhớ lại những ký ức đau buồn ấy, nghệ sĩ Thiên Kim buộc phải làm lụng vất vả và chịu những trận đòn roi vô cớ từ người mẹ kế. Có lần vì quá thèm ăn một tô mỳ nên vô tình hỏi mẹ kế, một trận đòn “thừa sống thiếu chết” của bà ấy liền giáng lên người của cô gái bé nhỏ mặc cho cô van xin hết lời vẫn không thể nào được tha lỗi.
Câu nói “Mấy đời bánh đúc có xương, mấy đời mẹ ghẻ mà thương con chồng” sao mà đúng với hoàn cảnh của cô bé Thiên Kim ngày đó, còn gì đau đớn hơn mỗi lần mẹ ruột về thăm thì lại không được chạy đến bên cạnh và ôm mẹ vì câu răn đe cay nghiệt của mẹ kế “nhìn là sẽ bị đòn”. Những hồi ức khổ cực ấy khiến Trấn Thành phải thốt lên đầy đau lòng “tuổi thơ cô còn hơn trên phim ảnh”.
Không thể nhìn thấy con mình sống trong cảnh “địa ngục” như vậy, cô bé Thiên Kim được mẹ ruột đón về và bắt đầu bén duyên với sân khấu cải lương khi chỉ vừa 8 tuổi và được diễn đào chánh ở tuổi 16. Cuộc sống chưa từng thôi thử thách người con gái nhỏ bé này, trong một vở kịch “Lấp Sông Gianh” tại rạp Nguyễn Văn Hảo (nay là rạp Công Nhân), một quả lựu đạn bất ngờ bị ném lên sân khấu và những mảnh vở của viên đạn giờ vẫn còn trong cơ thể của nghê sĩ Thiên Kim.
Phía sau những hào quang, những vai diễn lộng lẫy trên sân khấu, trên phim ảnh là những câu chuyện buồn không hồi kết mấy ai hiểu thấu cho cuộc sống những nghệ sĩ đang cống hiến cho môn nghệ thuật thứ 7 này. Liệu rằng sóng gió cuộc đời có làm tắt được ngọn lửa yêu nghề của họ không, có khiến họ oán trách cuộc sống hay không?