Trăn trở với “Người đàn bà trong cồn cát”

Đào Thu Hằng
09/06/2020 - 11:43
Trăn trở với “Người đàn bà trong cồn cát”

trăn trở với “Người đàn bà trong cồn cát"

“Người đàn bà trong cồn cát” vừa tái bản lần thứ 3 ở Nhật Bản, được dịch sang tiếng Việt, nhưng cả vạn bản vẫn hết veo chỉ trong vài giờ. Cái đẹp lấp lánh, hư ảo và những hình ảnh ẩn dụ đầy trắc ẩn, yêu thương mang tính định mệnh của Abe Kobo khiến cả ngàn độc giả đã gấp cuốn sách lại nhiều giờ vẫn thổn thức, trăn trở.

"Người đàn bà trong cồn cát" có chuỗi sự kiện hết sức đơn giản, kể về Niki Jumpei, một giáo viên kiêm nhà côn trùng học nghiệp dư, trong lúc đi tìm côn trùng đã lạc bước vào xứ cát. Mải mê với việc tìm kiếm côn trùng, anh không để ý là đã lỡ chuyến xe buýt cuối cùng quay về thành phố. Khi ngỏ ý với ba người đàn ông anh gặp trên đụn cát là liệu anh có thể nghỉ qua đêm tại nhà một dân làng nào đó để sáng mai trở về không, họ liền tỏ ra sẵn sàng giúp và đưa anh tới một căn nhà xiêu vẹo ở dưới sâu trong lòng một hố cát, phải leo xuống bằng thang dây. Tại căn nhà đó, một người đàn bà còn trẻ đã đón tiếp và cơm nước cho anh. Jumpei không ngờ đấy là một cái bẫy mà định mệnh đã dành cho anh.

Trăn trở với “Người đàn bà trong cồn cát”  - Ảnh 1.

Khi chồng và con của người đàn bà bị bão cát chôn sống, chị làm việc một mình không xuể

Nguyên là ngôi làng này bị nạn bão cát đe dọa chôn vùi. Ngôi nhà của người đàn bà ở bìa làng sát biển, như một thứ tiền đồn, luôn phải giữ cho không bị ngập cát, vì nếu một khi cát chôn căn nhà đó thì sẽ tiến tới căn nhà kế tiếp và rồi dần dần cả làng sẽ bị xóa sổ. Xúc cát là công việc hàng đêm - liên tục và nặng nhọc. Sở dĩ phải thức đêm làm việc vì lúc đó cát ẩm, dễ xúc vào xô. Chỉ cần xúc vào xô, sẽ có người ở bên trên kéo những xô cát này lên và đem đi. 

Ngoài sứ mệnh bảo vệ làng, qua tinh thần "hãy yêu quý ngôi nhà của bạn", khẩu hiệu của làng, người đàn bà trong ngôi nhà dưới hố sâu còn được trả công bằng thực phẩm, nước và những thứ cần thiết khác. Từ năm ngoái, khi chồng và con của người đàn bà bị bão cát chôn sống, chị làm việc một mình không xuể. Chính vì vậy, khi vớ được Jumpei, người làng đã lừa bắt cóc anh để ép làm việc thế chỗ.

Khi biết chuyện, Jumpei đã tìm mọi cách để thoát thân. Thoạt đầu, anh chống cự, không làm việc và trói người đàn bà lại để gây áp lực với dân làng. Ngay lập tức, dân làng ngưng cung cấp nước và thực phẩm cho hai người. Thiếu nước giữa vùng cát bỏng là điều khủng khiếp. Jumpei đành phải làm việc và lên kế hoạch trong đầu. Một lần, anh đã leo lên được miệng hố và tìm cách thoát khỏi ngôi làng, nhưng bị bắt lại và buộc phải tiếp tục xúc cát, lầm lũi, như Sisyphe lăn ngược hòn đá lên đỉnh dốc.

Trăn trở với “Người đàn bà trong cồn cát”  - Ảnh 2.

Một cảnh trong phim "Người đàn bà trong cồn cát"

Dù vậy, Jumpei cũng vẫn chưa bỏ cuộc. Biết rằng nước là vũ khí dân làng dùng để khuất phục anh, Jumpei tìm cách chiết nước từ cát ẩm. Cũng trong thời gian âm thầm nghiên cứu việc này, Jumpei và người đàn bà, như lửa gần rơm, trở nên gần gũi hơn, sống với nhau như vợ chồng. Kết quả là đàn bà mang bầu và phát hiện ra mình có thai ngoài dạ con, dân làng phải thả cái thang dây xuống để kéo chị lên đưa đi cấp cứu. Jumpei ở lại cái hố. Anh ta đã không tin ở mắt mình khi thấy dân làng sau khi đưa người đàn bà đi bệnh viện đã không rút cái thang lên. Anh tiến lại cái thang, leo lên mà không gặp một trở ngại nào. 

Lần đầu tiên từ khi bị bắt cóc bỏ xuống hố cát, anh đã nhìn thấy biển. Jumpei đi lang thang trên miệng hố, rồi lại… leo trở xuống hố cát. Anh xem xét công trình chiết nước và thấy nước uống được giữ lại trong thùng chứa, như vậy dự án chiết và trữ nước của anh đã thành công. Anh cảm thấy không có nhu cầu phải thoát thân ngay. Anh nghĩ anh sẽ ở lại để cho dân làng biết về việc này.

Cuốn truyện kết thúc bằng một công bố của tòa án về người đàn ông đã chết sau bảy năm có tên trong danh sách người bị mất tích, để lại cho người đọc một câu hỏi Jumpei chọn ở lại hay sẽ ra đi, nếu đi thì anh đi đâu mà không trở lại nhà?

Câu chuyện chỉ có vậy, nhưng những tình tiết ngỡ như đơn giản lại mở ra vô vàn khả năng suy tưởng của độc giả. Bằng lối kể chuyện dung dị, có phần khô khan - nhưng rất thong thả và cuốn hút, tác giả đã đưa người đọc đến với một thế giới khác, một thế giới hầu như chỉ có trong tưởng tượng, cùng những thông điệp nhân văn về con người mang tầm triết học, bởi Abe Kobo đã cho nhân vật của ông trải qua đủ thứ tình cảm, từ lòng tự hào, sự sợ hãi cho đến dục vọng, hy vọng và thất vọng, để thấm thía sự phi lý đến kinh hoàng của thân phận con người.

"Người đàn bà trong cồn cát" của Abe Kobo (1924 - 1993) - nhà văn Nhật Bản hiện đại, tên thật là Abe Kimifusa, xuất bản năm 1962. Ngay sau khi xuất bản, "Người đàn bà trong cồn cát" đã được giải thưởng văn học Yomiuri Nhật Bản. Tác phẩm đã được dịch ra hơn 20 thứ tiếng (một con số kỷ lục), được trao giải thưởng Văn học Nước ngoài của Pháp, sau một năm xuất bản thì được dựng thành phim và được giải thưởng ở Liên hoan điện ảnh Cannes.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm