Tranh cãi việc bố mẹ có con bị xâm hại nên im lặng hay lên tiếng

18/04/2019 - 21:28
Khi bé gái bị ông Nguyễn Hữu Linh dâm ô trong thang máy ở chung cư TPHCM, gia đình bé chọn cách im lặng. Liên quan đến vụ việc này, tài khoản Thư Đỗ viết trên facebook, nếu có con trong trường hợp đó, chị cũng chọn cách im lặng. Tại cuộc tọa đàm ''Im lặng hay lên tiếng'', có chuyên gia cho rằng, không nên thóa mạ khi cha mẹ chọn cách im lặng.

Với quan điểm sẽ im lặng khi con bị xâm hại, tài khoản Thư Đỗ đã nhận “mưa gạch đá” từ cộng đồng mạng. Trong talkshow “Con bị xâm hại, mẹ phải làm sao” do Trung tâm Nghiên cứu và ứng dụng về Giới - Gia đình - Phụ nữ và Vị thành niên (CSAGA) tổ chức, nhà báo Phạm Gia Hiền cho biết, nếu con bị tấn công bởi một kẻ bệnh hoạn, anh sẽ chọn giải pháp không im lặng. Dù cuộc đấu tranh diễn ra thế nào thì mục tiêu lớn nhất là đứa con phải được bảo vệ. “Bởi, nếu có lên tiếng, có đấu tranh, có động thái đánh động dư luận thế nào thì tương lai của trẻ bị xâm hại cũng không thể nào trả được”, nhà báo Phạm Gia Hiền cho biết.

 

cuong-hon.jpg
Hình ảnh Nguyễn Hữu Linh có hành vi sàm sỡ bé gái trong thang máy. Ảnh cắt từ clip

 

Nhà thơ, nhà báo Lữ Mai cũng có con gái tuổi tiền dậy thì cho biết, nếu con không may là nạn nhân thì trước hành lang pháp lý của nhà nước mình, chị cũng băn khoăn, nghi ngại. “Tôi sẽ chọn con đường đấu tranh, lên tiếng nhưng không lên tiếng kiểu lu loa rằng con tôi bị như thế. Điều quan trọng là cần xem tính cách của đứa trẻ thế nào để có những ứng xử phù hợp”, chị Lữ Mai chia sẻ.

 

cg.jpg
Các chuyên gia cho biết, sẽ không im lặng nhưng cuộc đấu tranh diễn ra thế nào thì phải bảo vệ quyền lợi đứa trẻ lên trên hết

  

Từng có 20 năm làm việc với các trẻ, các bố mẹ có con bị xâm hại tình dục, chị Nguyễn Vân Anh, Giám đốc CSAGA, cho biết, nhiều người đã lựa chọn im lặng và chị tôn trọng cách họ lựa chọn. Chi chia sẻ về việc đứa trẻ bị ảnh hưởng khi không chỉ là nạn nhân của xâm hại mà khi “dính” vào việc điều tra ở nước ta, bé đã “không được bảo vệ” một cách tốt nhất. “Cháu bé 8 tuổi bị bạn của bố xâm hại, ngay buổi tối nghi phạm bị bắt. Em bé được đưa đi lấy lời khai. Đúng như lời khai của em, âm đạo có vết bầm dập. Tuy nhiên, tối hôm đó, nghi phạm đã được tha. Mẹ của bé đã gửi rất nhiều đơn cầu cứu. Câu chuyện của bé đã bị nhắc đi nhắc lại nhiều lần, bé phải diễn đi diễn lại với cơ quan điều tra, luật sư, người giám hộ, diễn lại bằng búp bê rất nhiều lần câu chuyện mà em muốn quên”. Chị Nguyễn Vân Anh cho biết, trong bối cảnh này, việc cha mẹ của trẻ bị xâm hại không nói ra thì đó là quyền của họ. Mọi người không nên thóa mạ khi họ chọn cách im lặng.

 

xam-hai.jpg
Ảnh minh họa

 

Điều đáng lo là khi nạn nhân không tố cáo, thậm chí có thỏa thuận dân sự mà cộng đồng không biết được thì không khác gì tạo điều kiện màu mỡ cho những kẻ biến thái tiếp tục xâm hại trẻ em. Nhà thơ, nhà báo Lữ Mai cho rằng, việc bên xâm hại và bị xâm hại đạt thỏa thuận rất dễ dàng bằng lời đe dọa. Gia đình của trẻ bị xâm hại bị lời đe dọa, lời khuyên nhủ tác động quá nhiều và quan trọng nhất, họ lo việc tố cáo ảnh hưởng đến tâm lý đứa trẻ. Bởi, không phải người dân nào cũng hiểu biết về pháp luật, những thỏa thuận đó chính là những tồn tại chứa nhiều bức xúc, xót xa chưa được giải quyết

Khi con bị xâm hại, im lặng hay lên tiếng? Là người ngoài cuộc thì rất dễ quyết định, thế nhưng người trong cuộc thì có vô vàn thứ phải cân lên đặt xuống, xung đột lợi ích giữa được và mất. Chính ý thức của cộng đồng chưa được đầy đủ, văn hóa Á Đông dễ dãi trong việc âu yếm, cưng nựng trẻ em, một số kẻ biến thái đã lạm dụng và nhân sự cả nể không muốn làm lớn chuyện, kẻ biến thái càng có cơ hội lấn tới. 

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm