Trao quyền kinh tế cho phụ nữ Mông: Cần sự đồng hành từ cộng đồng và chính sách

Trường Lê (thực hiện)
16/07/2025 - 17:26
Trao quyền kinh tế cho phụ nữ Mông: Cần sự đồng hành từ cộng đồng và chính sách

Ảnh minh họa

Phóng viên Báo Phụ nữ Việt Nam đã có trao đổi với Thạc sĩ Nguyễn Vũ Huy Hoàng, đồng tác giả nghiên cứu tại Tham luận “Nghiên cứu yếu tố tác động đến quyền năng kinh tế của phụ nữ dân tộc thiểu số Mông”.

PV: Thưa Thạc sĩ Nguyễn Vũ Huy Hoàng, xuất phát từ thực tiễn nào mà anh lựa chọn nghiên cứu về các yếu tố tác động đến quyền năng kinh tế của phụ nữ dân tộc thiểu số, cụ thể là phụ nữ dân tộc Mông?

Thạc sĩ Nguyễn Vũ Huy Hoàng: Phụ nữ dân tộc thiểu số tại Việt Nam thường đối mặt với nhiều thách thức trong việc tiếp cận các cơ hội và nguồn lực kinh tế. Những rào cản này không chỉ đến từ hạn chế về ngôn ngữ và trình độ học vấn, mà còn từ các yếu tố xã hội và văn hóa truyền thống.

Trong nhiều cộng đồng, phụ nữ dân tộc thiểu số thường phải gánh vác trách nhiệm gia đình và chăm sóc con cái, khiến họ ít có thời gian và cơ hội để tham gia vào các hoạt động kinh tế. Điều này làm gia tăng khoảng cách về kinh tế giữa họ và các nhóm phụ nữ khác trong xã hội.

Điều tra Lao động-Việc làm năm 2014 cho thấy, tỷ lệ nữ dân tộc thiểu số có công việc làm công ăn lương là 37,9%, thấp hơn so với tỷ lệ 43% của nữ Kinh-Hoa. Trong đó, nhóm nữ dân tộc Mông có tỷ lệ thấp nhất với chỉ 23,7%. 

Tại hội thảo phát huy vai trò của phụ nữ dân tộc Mông trong phát triển du lịch, kinh tế, xã hội tại Hà Giang, các ý kiến đã chỉ rõ, phụ nữ dân tộc Mông giữ vai trò quan trọng trong tổ chức cuộc sống gia đình, lao động sản xuất, sinh đẻ và nuôi dạy con cái. Bên cạnh đó, họ còn gìn giữ những giá trị văn hóa đặc sắc của dân tộc để lưu truyền qua các thế hệ.

Chính vì vậy, việc nghiên cứu các yếu tố tác động đến quyền năng kinh tế của phụ nữ dân tộc thiểu số, mà cụ thể là dân tộc H’Mông không chỉ giúp chúng ta hiểu rõ hơn về những thách thức mà họ đang đối mặt, mà còn mở ra các giải pháp cụ thể nhằm cải thiện tình hình. 

Trao quyền kinh tế cho phụ nữ H’Mông: Cần sự đồng hành từ cộng đồng và chính sách- Ảnh 1.

Thạc sĩ Nguyễn Vũ Huy Hoàng trong một giờ lên lớp

Nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ dân tộc thiểu số có ý nghĩa quan trọng đối với bản thân họ, gia đình và góp phần thúc đẩy sự phát triển bền vững của toàn xã hội.

PV: Anh có thể chia sẻ cụ thể những yếu tố nào đang ảnh hưởng đến quyền năng kinh tế của phụ nữ dân tộc Mông theo kết quả nghiên cứu mà anh thực hiện?

ThS Nguyễn Vũ Huy Hoàng: Qua quá trình khảo sát và phân tích dữ liệu từ 192 mẫu khảo sát hợp lệ và phỏng vấn trực tiếp các đối tượng là phụ nữ dân tộc Mông trong độ tuổi lao động, tôi nhận thấy có bốn nhóm yếu tố chính ảnh hưởng đến quyền năng kinh tế của phụ nữ dân tộc thiểu số Mông:

Thứ nhất là Trình độ học vấn. Kết quả kiểm định Cronbach’s Alpha cho thấy nhân tố này có độ tin cậy cao (0,746), các biến quan sát đều có hệ số tương quan biến-tổng lớn hơn 0,3. Phụ nữ dân tộc Mông có trình độ học vấn cao hơn thì càng dễ tiếp cận các hoạt động kinh tế, tăng thu nhập và nâng cao điều kiện sống.

Thứ hai là Cơ hội tham gia hoạt động kinh tế. Các khảo sát cho thấy phụ nữ có cơ hội tiếp cận thông tin việc làm, các chương trình khởi nghiệp, được vay vốn hoặc tham gia hội nhóm phụ nữ sẽ gia tăng khả năng tham gia kinh tế và cải thiện thu nhập. Nhân tố này có độ tin cậy Cronbach’s Alpha đạt 0,770, chứng tỏ mức tác động đáng kể.

Thứ ba là Sự quan tâm từ Chính phủ và cộng đồng. Nhân tố này có hệ số Cronbach’s Alpha rất cao (0,815). Sự hỗ trợ về chính sách, tổ chức các khóa đào tạo, chương trình hỗ trợ vốn và truyền thông giúp nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ dân tộc thiểu số.

Thứ tư là Định kiến xã hội. Tuy nhiên, qua kiểm định thực tế, yếu tố này không có tác động đáng kể đến quyền năng kinh tế của phụ nữ dân tộc Mông trong khảo sát lần này, có thể do tác động từ chính sách của Chính phủ đã dần giảm bớt phân biệt đối xử giới ở cộng đồng dân tộc.

Như vậy, có thể khẳng định ba yếu tố có tác động mạnh mẽ nhất là trình độ học vấn, cơ hội tham gia kinh tế và sự quan tâm của Chính phủ, cộng đồng.

PV: Từ kết quả đó, anh có thể đề xuất những giải pháp gì thiết thực nhất để nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ dân tộc thiểu số Mông hiện nay?

ThS Nguyễn Vũ Huy Hoàng: Từ kết quả nghiên cứu và phân tích, tôi đề xuất một số giải pháp trọng tâm như sau:

Thứ nhất, cần tạo điều kiện để phụ nữ dân tộc Mông được tiếp cận với giáo dục, đào tạo kỹ năng nghề nghiệp, đặc biệt là nâng cao trình độ học vấn. Khi họ có kiến thức, kỹ năng và năng lực, việc tham gia vào các hoạt động kinh tế trở nên thuận lợi hơn, từ đó cải thiện thu nhập và vị thế trong xã hội.

Trao quyền kinh tế cho phụ nữ H’Mông: Cần sự đồng hành từ cộng đồng và chính sách- Ảnh 2.

Người dân tộc Mông ở xã Pà Cò truyền nghề dệt thổ cẩm cho thế hệ trẻ.

Thứ hai, Chính phủ cần ban hành và thực thi các chính sách thiết thực thúc đẩy quyền năng kinh tế cho phụ nữ dân tộc thiểu số, như hỗ trợ khởi nghiệp, vay vốn ưu đãi, tổ chức các lớp tập huấn, hướng dẫn cách thức phát triển kinh tế hộ gia đình. Nhất là khu vực Hà Giang đang phát triển mạnh về du lịch, nên tận dụng thế mạnh bản sắc văn hóa dân tộc để phụ nữ dân tộc Mông tham gia làm du lịch cộng đồng, dịch vụ lưu trú homestay, hàng thổ cẩm.

Thứ ba, doanh nghiệp và các tổ chức xã hội cần tạo cơ hội việc làm bình đẳng, khuyến khích phụ nữ dân tộc thiểu số tham gia làm việc, đồng thời tổ chức các lớp đào tạo, phát triển kỹ năng nghề nghiệp và khởi nghiệp cho họ. Cần phục dựng, duy trì các lễ hội truyền thống, giá trị văn hóa phi vật thể của dân tộc Mông để gắn với phát triển du lịch, từ đó mở rộng cơ hội kinh tế.

Và cuối cùng, chính bản thân phụ nữ dân tộc Mông cần nâng cao nhận thức về quyền lợi của mình, chủ động học tập, tham gia các chương trình khởi nghiệp, nâng cao trình độ và kỹ năng để tự vươn lên.

PV: Xin anh cho biết ý nghĩa thực tiễn và giá trị khoa học của nghiên cứu này đối với công tác hoạch định chính sách cũng như phát triển xã hội bền vững?

ThS Nguyễn Vũ Huy Hoàng: Nghiên cứu này đóng góp quan trọng cho hiểu biết về các yếu tố tác động đến quyền năng kinh tế của phụ nữ dân tộc thiểu số Mông. Qua nghiên cứu, chúng ta có thể thấy rõ những nhân tố ảnh hưởng đến khả năng tiếp cận thị trường kinh tế mà phụ nữ dân tộc thiểu số phải đối mặt. 

Đây là cơ sở tham khảo hữu ích cho các nhà hoạch định chính sách, cơ quan chức năng khi xây dựng chương trình hỗ trợ phát triển kinh tế và trao quyền cho phụ nữ dân tộc thiểu số.

Nghiên cứu cũng cho thấy ý nghĩa xã hội và kinh tế rất lớn. Khi phụ nữ được trao quyền kinh tế, chất lượng cuộc sống của họ và gia đình được cải thiện, đóng góp vào tăng trưởng GDP và giảm tỷ lệ đói nghèo bền vững. 

Tổ chức Y tế Thế giới và Ngân hàng Thế giới đã chỉ rõ, mỗi 1% tăng trưởng về tỷ lệ giáo dục của phụ nữ có thể tăng GDP hàng năm từ 0,3% đến 0,5%.

Tuy nhiên, nghiên cứu cũng còn một số hạn chế nhất định về phạm vi khảo sát và dữ liệu, cần tiếp tục mở rộng quy mô khảo sát đại diện hơn, nghiên cứu sâu về cơ chế tác động và hiệu quả của các chính sách, can thiệp cụ thể.

Tôi hy vọng rằng kết quả nghiên cứu này sẽ góp phần nhỏ bé vào quá trình xây dựng một xã hội công bằng, văn minh và phát triển bền vững.

PV: Xin cảm ơn anh đã chia sẻ!

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm