Trẻ bị phát ban sau sốt virus có nguy hiểm không?

Phạm Thị Mai
11/12/2019 - 17:16
Trẻ bị phát ban sau sốt virus là vấn đề đáng được quan tâm bởi tình trạng này có thể dẫn tới nhiều chứng bệnh nguy hiểm khác gây ảnh hưởng lớn tới sức khỏe cũng như tinh thần của con trẻ.

Trẻ em từ 1 tuổi 3 tuổi thường dễ mắc sốt virus vì thời điểm này hệ miễn dịch của trẻ chưa hoàn thiện hơn nữa trẻ có thể lây nhiễm vi khuẩn, virus từ bạn bè từ môi trường xung quanh. Trẻ ở giai đoạn này cũng thường có xu hướng mút tay hay đưa đồ vật vào miệng.

Sốt virus do virus gây ra chủ yếu là nhóm các virus đường hô hấp, căn bệnh này rất dễ lây lan và bùng phát thành dịch, một trong những vấn đề khiến các mẹ đau đầu sau khi trẻ mắc bệnh chính là tình trạng phát ban sau sốt virus.

1. Dấu hiệu trẻ bị phát ban sau sốt virus

Những nốt đỏ thường xuất hiện sau khi trẻ hết sốt, đặc điểm của những trẻ bị phát ban sau sốt virus là trẻ xuất hiện những mảng nhỏ màu hồng, những vết ban này thường phẳng nhưng cũng có trường hợp chúng nổi cộm. Một số đốm ban ở trẻ mọc sau sốt virus còn có thể có một vòng màu trắng bao quanh nó.

Phát ban sau sốt virus ở trẻ em sẽ lan rộng bắt đầu từ vùng ngực, lưng, bụng tới cổ và cánh tay, thậm chí chúng có thể lan ra toàn bộ cơ thể. Những ban này thường không gây ngứa ngáy hay khó chịu cho trẻ nhưng chúng thường kéo dài vài giờ tới vài ngày khiến các bậc cha mẹ lo lắng.

Theo các Bác sĩ chuyên khoa Nhi, mức độ phát ban thường không tương quan với mức độ nguy hiểm do chứng phát ban sau sốt virus gây ra cho trẻ em. Trong trường hợp trẻ vừa sốt cao hơn 38,8°C trong hơn 24 giờ vừa có dấu hiệu nổi ban đỏ khắp người cha mẹ cần nhanh chóng đưa trẻ đến khám tại các cơ sở y tế chuyên khoa để được khám và điều trị kịp thời.

  • Tham khảo thêm

    Tìm hiểu tổng quan về biến chứng viêm cơ tim sau sốt virus

2. Trẻ bị phát ban sau sốt virus thì phải làm sao?

Trẻ bị phát ban sau sốt virus cha mẹ cần biết sớm các dấu hiệu để biết cách chăm sóc cũng như sớm đưa trẻ đến cơ sở y tế để được điều trị, đồng thời cha mẹ cũng cần tự trang bị cho mình những kiến thức thiết yếu để chăm sóc và phòng lây nhiễm cho những người xung quanh.

2.1. Hạ sốt đúng cách cho trẻ

Sốt thực chất là một phản ứng có lợi cho cơ thể giúp phòng chống lại những tác nhân có hại gây nguy hiểm tới sức khỏe, chính vì thế cha mẹ chỉ nên hạ sốt khi thân nhiệt của trẻ trên 38.5 độ ở những trẻ không có tiền sử sốt cao co giật và ở mức nhiệt độ là 38 độ ở những trẻ có tiền sử sốt cao co giật.

Khi hạ sốt ngoài việc lau mát cho trẻ để tăng cường thải nhiệt cha mẹ cũng nên chú trọng cho trẻ sử dụng thuốc hạ sốt đúng và đủ liều tránh việc cho trẻ sử dụng thuốc sai liều lượng có thể gây độc cho gan và thận của trẻ.

2.2. Giảm ho, giảm đau họng

Phát ban sau sốt virus thường đi kèm với một số các dấu hiệu như ho, đau họng ở trẻ, cha mẹ cần chú ý chăm sóc những vấn đề này để giúp trẻ cảm thấy dễ chịu và đỡ mệt hơn. Giảm ho, giảm đau họng cho trẻ bằng cách uống các loại thuốc ho theo chỉ định, cha mẹ cũng có thể sử dụng thêm các loại thảo dược có công dụng giảm ho, giảm đau họng như quất chưng mật ong, gừng hấp đường phèn, uống nước rau tần…

Đồng thời, trẻ bị phát ban sau sốt virus cha mẹ cũng cần chú trọng làm sạch đường thở, vệ sinh mũi họng cho trẻ bằng muối sinh lý loãng, khăn giấy mềm, đảm bảo trẻ dễ thở, dễ ăn uống và bú mẹ để ngăn chặn virus gây bệnh ở đường hô hấp.

Những trẻ bị phát ban sau sốt virus cha mẹ cần chú trọng chế độ dinh dưỡng cho trẻ, nên cho trẻ ăn những thức ăn mềm dễ tiêu đồng thời bổ sung chất dinh dưỡng cũng như nước cho trẻ. Cha mẹ cũng nên chia thành nhiều bữa nhỏ để trẻ dễ hấp thụ hơn và không bị chán ăn khi cơ thể sốt, mệt.


Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm