Trẻ càng ngoan hiền, học giỏi càng dễ "khùng" vào mùa thi

LÊ PHƯƠNG.
09/06/2022 - 09:38
Rối loạn tâm thần thường gặp ở những trẻ đang bắt đầu bước vào các kỳ thi cuối cấp, đáng lưu ý càng những trẻ ngoan hiền, học giỏi lại càng dễ bị trầm cảm hơn.

Trẻ ngoan hiền dễ bị trầm cảm hơn

Hàng năm cứ vào giai đoạn cuối năm học, với những kỳ thi tốt nghiệp cuối cấp, thi đầu vào các bậc học là số trẻ có biểu hiện về tâm thần đi khám lại gia tăng. Biểu hiện của trẻ gặp các vấn đề tâm thần cũng vô cùng đa dạng và phong phú, nếu không quan sát kỹ sẽ rất khó nhận biết. 

Điển hình như trường hợp của nữ sinh T.H (17 tuổi, ở Hà Nội), dù chuẩn bị thi tốt nghiệp THPT nhưng em không thể tập trung. Gia đình H cho biết, trước đây, em là học sinh giỏi toàn diện, thậm chí còn được chọn đi thi cấp thành phố. Bắt đầu từ học kỳ 2 năm lớp 11, H có những biểu hiện bất thường như không kiềm chế được cảm xúc, không tập trung vào việc học, lực học giảm sút rõ rệt.

H khẳng định mình chưa hề có mối quan hệ yêu đương nào. Đặc biệt, trong giai đoạn này, trên cơ thể H xuất hiện nhiều vết xước, bầm tím. Khi được hỏi, H cho biết những vết thương đó là do em tự làm đau mình.

“Em luôn cảm thấy áp lực, không biết học nhiều để làm gì. Chính điều đó khiến em không hứng thú trong việc học, trong đầu luôn phải đấu tranh giữa việc cố gắng học tốt và học để làm gì”, H tâm sự.

Cùng với đó, phía gia đình cũng luôn đưa ra những mục tiêu mà H phải hoàn thành, đặc biệt là kỳ thi vào đại học sắp tới. Tất cả những điều đó, khiến H cảm thấy áp lực, căng thẳng. Những lúc như vậy, H tự cấu véo, làm đau bản thân để tìm cảm giác dễ chịu. Gần đây, gia đình phát hiện ra những bất thường nên đã đưa H đến Viện Sức khỏe tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai để thăm khám, điều trị. 

Bác sĩ Tâm đang thăm khám cho một nam sinh nhập viện vì áp lực học hành, thi cử. 

TS.BS Dương Minh Tâm, Trưởng phòng Rối loạn stress, Viện Sức khỏe Tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, stress và trầm cảm gặp nhiều nhất ở lứa tuổi 14 và 17, đây là thời điểm học sinh thi chuyển cấp lên trung học phổ thông và đại học. 

Điều đáng chú ý là stress gặp nhiều hơn ở trẻ ngoan và học khá. Từ thực tế điều trị, bác sĩ Tâm chia sẻ, phần lớn các trẻ đến khám và điều trị trầm cảm, stress là đến từ các trường chuyên, lớp chọn. Những trẻ ngoan, có thành tích cao trong học tập thường có những áp lực tự thân hơn là những trẻ mải chơi. 

Trẻ thường áp lực về vị trí của mình trong trường lớp, hình ảnh bản thân trong mắt gia đình, thầy cô. Việc thường ngày luôn sống và suy nghĩ có trách nhiệm hơn khiến trẻ phải nỗ lực không ngừng. Những trẻ này thường căng thẳng và bị stress, nhất là khi không đạt được kỳ vọng. Điều này cho thấy các áp lực từ việc học tập, từ phía gia đình, áp lực thành tích là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng stress ở lứa tuổi học đường.

Theo bác sĩ Tâm, phần lớn các em học sinh bị stress mãn tính, quá trình stress đã âm thầm diễn biến khoảng 3 - 5 năm trước và áp lực thi cử chỉ là “giọt nước tràn ly”. Diễn biến tâm lý, sự thay đổi tính cách của học sinh trùng với lứa tuổi dậy thì nên nhiều bậc cha mẹ mặc nhiên chấp nhận sự thay đổi đó. Chỉ đến khi trẻ có những hành vi làm tổn thương bản thân hoặc quá bất thường thì bố mẹ mới nhận diện và đưa trẻ đến viện thì thường trẻ đã ở giai đoạn trầm cảm, stress nặng.

Nguyên tắc 5 chữ R giúp giảm stress

Bác sĩ Tâm cho rằng, stress thường diễn biến rất âm thầm, tuy nhiên khi trẻ có những hành vi sau, các cha mẹ nên quan tâm: 

- Đầu tiên là hành vi tự hủy hoại bản thân (các vết cứa ở cẳng tay hoặc đùi, cắn móng tay, bấm vào đầu ngón tay...). Việc tự làm đau bản thân này là cách để giải tỏa sự bấn loạn trong cảm xúc bản thân của trẻ. 

Nhiều trẻ nghĩ tới hành vi tự hủy hoại bản thân khi bị những áp lực, stress. (Ảnh minh họa)

- Có những hành vi bất thường, trái ngược với tính cách trước kia như trẻ trở nên hung hăng, chống đối hoặc tuân thủ quá mức, có sự rối loạn trong hành vi ăn uống như ăn quá ít hoặc quá nhiều, bị rối loạn giấc ngủ như ngủ quá nhiều hoặc quá ít, buồn chán, giảm kết nối với xã hội... 

- Có dạng stress cơ năng như trẻ bị đau bụng, đau đầu, đau dạ dày, xuất huyết tiêu hóa... Những cơn đau này thường xuất hiện khi trẻ chuẩn bị bước vào kì thi hoặc trước sự kiện quan trọng. Khi sự kiện qua đi thì các cơn đau này giảm triệu chứng.

Stress mãn tính có thể dẫn đến các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng nếu không được xử lý thích hợp. Nó có thể làm suy yếu hệ thống miễn dịch của cơ thể, dẫn đến một số bệnh về tinh thần và thể chất như trầm cảm và các bệnh tim mạch.

Để ứng phó với tình trạng này, các gia đình có thể tham khảo nguyên tắc 5 chữ R. Cụ thể:

- Recognition: Xác định nguyên nhân, nguồn gốc của stress, giáo dục và nâng cao nhận thức, để giúp trẻ vượt qua, thích ứng với stress

- Relationship: Tìm kiếm sự giúp đỡ, hỗ trợ, trấn an từ các mối quan hệ.

- Removal: Loại bỏ các yếu tố gây stress và các yếu tố kích thích.

- Relaxation: Thư giãn thông qua các kỹ thuật như thiền, xoa bóp, tập thở…

- Re-engagement: Tái tương tác thông qua tái tiếp xúc có quản lý và giải mẫn cảm.

Bên cạnh 5 chữ R, một yếu tố đơn giản, dễ để thực thi là hỗ trợ kiểm soát giấc ngủ cho trẻ. “Giấc ngủ là điều cần thiết cho sức khỏe thể chất và tinh thần. Với trẻ từ 6 đến 12 tuổi nên ngủ từ 9 đến 12 tiếng mỗi đêm. Thanh thiếu niên cần 8 đến 10 giờ mỗi đêm. Giấc ngủ là yếu tố cần được ưu tiên để kiểm soát căng thẳng”, bác sĩ Tâm nhấn mạnh.

Với những trẻ có nhân cách yếu, lãng mạn, văn nghệ sỹ, nhân cách khép kín hoặc thiếu ý chí, thiếu nghị lực, nhút nhát, tự ti, mặc cảm, thiếu kìm chế, dễ bùng nổ, xung đột thường dễ bị stress hơn trẻ có nhân cách mạnh. Vì vậy, gia đình nên xây dựng cho trẻ một môi trường thi đua, phấn đấu, tương trợ và cùng tiến. Điều này giúp trẻ chống đỡ với stress tốt hơn. Ngoài ra, tập luyện và hoạt động thể chất cũng giúp làm giảm căng thẳng cần thiết cho trẻ nói riêng và mọi lứa tuổi nói chung. 

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm