Trẻ chớm ho đã cho uống kháng sinh, dễ thêm bệnh

31/03/2017 - 14:48
Trẻ chỉ hơi ho, bỏ ăn, quấy khóc, sốt nhẹ… người lớn đã kết luận viêm họng phát sốt, phải mua kháng sinh cho bé uống phòng biến chứng viêm phổi. Đây chính là cách hiểu sai và không tốt cho sức khỏe của trẻ.
Theo PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, nguyên Trưởng khoa Nhi, BV Bạch Mai (Hà Nội), người lớn thường mắc phải nhiều sai lầm khi tự điều trị bệnh cho trẻ.

Viêm họng cấp là bệnh rất thường gặp ở trẻ, nhất là khi thời tiết chuyển mùa. Tuy nhiên, đây cũng là nhóm bệnh hay bị lạm dụng kháng sinh trong điều trị nhất. Khi trẻ nhiễm khuẩn hô hấp trên hoặc viêm họng cấp với biểu hiện chính là ho và sốt là nhóm bệnh rất thường gặp.

Nguyên nhân gây bệnh chủ yếu là virus (chiếm 70-80%). Trong đó, chủ yếu là các virus đường hô hấp; kháng sinh hoàn toàn không có tác dụng. Bệnh thường tự khỏi sau 3-7 ngày, vì thế cha mẹ không nên cho trẻ dùng kháng sinh trong các trường hợp này.
tre.jpg
 Trẻ chớm viêm họng, cần cân nhắc cho dùng kháng sinh
Việc điều trị bệnh chủ yếu là điều trị triệu chứng. Trẻ sốt cao từ 38,5 độ C trở lên thì dùng thuốc hạ sốt. Nếu ho nhiều, cha mẹ cho con dùng các loại thuốc ho Tây y hoặc Đông y hay dùng mật ong, hoa hồng hấp đường, gừng, chanh; dùng thuốc long đờm; dùng thuốc co mạch, thuốc kháng histamin, rửa mũi khi bé chảy mũi, tắc mũi.

"Kháng sinh được chỉ định dùng trong những trường hợp viêm họng do liên cầu (chiếm tỷ lệ 20-30% trong số các trường hợp bị viêm họng). Cha mẹ nên nghĩ đến tác nhân này khi thấy trẻ có ít nhất các dấu hiệu sau: Họng đỏ, amidan sưng, có chất xuất tiết trắng và sưng đau hạch cổ. Ngoài ra, trẻ có thể có một số triệu chứng khác như: Đau họng, sốt, đau đầu, chấm xuất huyết nhỏ ở vòm họng. Khi đó, trẻ cần được điều trị đúng và đủ liều kháng sinh để phòng biến chứng thấp khớp cấp có thể ảnh hưởng đến tim sau này. Bệnh rất khó chữa, ảnh hưởng nhiều tới sức khỏe của trẻ”, PGS.TS Dũng cho hay.

Kháng sinh không có tác dụng phòng biến chứng cho trẻ mà có thể gây tác dụng không mong muốn như: Dị ứng, tiêu chảy do kháng sinh. Đặc biệt, việc lạm dụng còn làm gia tăng các vi khuẩn kháng thuốc, sau này trẻ phải dùng các loại kháng sinh đắt tiền hơn nhưng vẫn có trường hợp thất bại.

Cũng theo TS Dũng, trong thời gian qua, nhiều bệnh nhân đến nhập viện trong tình trạng ho rũ rượi. Nhưng đa số bệnh nhân nào đã dùng kháng sinh trước khi nhập viện, thời gian điều trị thường kéo dài lâu hơn bệnh nhân chưa dùng kháng sinh.
 
Nhiễm khuẩn hô hấp cũng có thể có biểu hiện sốt cao nhưng sốt không phải là biểu hiện đặc hiệu. Trong trường hợp này, TS Dũng khuyên, bệnh nhân vẫn chỉ nên dùng thuốc giảm ho, hạ sốt. Khi chưa biết chắc chắc có nhiễm khuẩn không thì nhất định không dùng kháng sinh.

Chỉ có 10%-20% các trường hợp nhiễm trùng đường hô hấp có thêm các biến chứng do nhiễm khuẩn. Và chỉ trong trường hợp chắc chắn có nhiễm khuẩn mới nên uống kháng sinh. Nhưng khi đó, tốt nhất là xác định được loại vi khuẩn gây nhiễm khuẩn và dùng ngay kháng sinh đặc hiệu tiêu diệt vi khuẩn đó.

Các bậc phụ huỵnh cần nhớ, không phải con cứ ho là cho uống kháng sinh. Vì việc lạm dụng kháng sinh, ngoài các tác dụng phụ từng được nhắc đến rất nhiều như diệt vi khuẩn có lợi, không diệt được vi khuẩn có hại, còn gây mệt mỏi, chán ăn cho trẻ. Trẻ ốm, đây là khoảng thời gian cần khôi phục lại sức lực, sức đề kháng mà cơ thể lại bị kháng sinh làm cho suy yếu thì rất nguy hiểm.

Đấy là chưa kể, có đến 15% trẻ uống kháng sinh mắc tiêu chảy vì các tác dụng phụ của thuốc gây nên. Vì thế, nếu không muốn con mắc thêm bệnh, hãy cẩn thận khi dùng thuốc.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm