pnvnonline@phunuvietnam.vn
Trẻ có 2 hành vi “khó chịu” này chứng tỏ đang âm thầm trở nên thông minh hơn
"Một cặp cha mẹ không thông minh, nhưng nếu họ cung cấp một môi trường tốt cho con cái, rất có thể phát triển một đứa trẻ có IQ cao", Richard Weissbourd, Giáo sư tâm lý học hành vi trẻ em tại Đại học Harvard (Mỹ) nói.
Giáo sư Lý Mai Cẩn (Trung Quốc) cũng từng chỉ ra, khoảng cách về phát triển trí tuệ của trẻ, ngoài sự khác biệt bẩm sinh, điều quan trọng không kém là sự giáo dục, hướng dẫn của gia đình.
Bà cũng tin rằng những đứa trẻ có chỉ số IQ cao sẽ bộc lộ một số đặc điểm ngay từ nhỏ. Tuy nhiên, trong hầu hết các trường hợp, thực tế là cha mẹ không nhận ra những dấu hiệu "nhắc nhở" của con cái, thậm chí còn lầm tưởng rằng con mình "nghịch ngợm bẩm sinh" nên bỏ lỡ cơ hội phát triển tuyệt vời.
1. Bề ngoài là một đứa trẻ phá phách, trên thực tế lại là một thiên tài
Tại lễ trao giải 10 người xuất sắc nhất của năm trên tạp chí Nature năm 2018, với công trình nghiên cứu riêng về Graphene, anh chàng Cao Yuan thậm chí còn được mệnh danh là người "mở ra kỷ nguyên vật lý mới".
Tuy nhiên, dù là một thiên tài được nhận vào Đại học Khoa học và Công nghệ Trung Quốc năm 14 tuổi, anh đã gặp phải một vấn đề "tồi tệ" khiến cả gia đình phải đau đầu từ khi còn nhỏ. Không chỉ tháo dỡ mọi thứ có thể nhìn thấy ở nhà, Cao Yuan còn có sở thích bẩm sinh với các thiết bị điện, thậm chí có lần còn "đánh cắp" chiếc vòng tay bằng bạc của mẹ, chỉ với mục đích làm thí nghiệm chế tạo bạc nitrat.
Cũng như Cao Yuan, một ngôi nhà có những đứa trẻ thông minh thường rất ít khi được gọn gàng ngăn nắp bởi vì trẻ rất hiếu động, thích tìm hiểu khám phá. Những trò nghịch ngợm của bé chứng tỏ trí tuệ của bé rất phát triển, bé sẽ tiếp thu rất nhanh và có khả năng sáng tạo tốt.
Việc tháo đồ ra để thử lắp lại có thể do bé bắt chước người lớn, nhưng giúp bé có thể khám phá, có lợi cho sự quan sát và khả năng nhận thức. Giải pháp của bố mẹ: Thay vì để con khám phá những vật dụng gia đình, nên chủ động cung cấp cho bé các đồ chơi có thể tháo lắp như ô tô, lego...
2. Tò mò đến mức "đáng sợ"
Gã khổng lồ kinh doanh hiện đang ngồi trên ngai vàng của đế chế kinh doanh Microsoft - tỷ phú Bill Gates là một đứa trẻ luôn tò mò về mọi thứ khi còn nhỏ. Những tò mò thời thơ ấu cuối cùng đã trở thành "ý tưởng lớn" của Bill Gates khi ông lớn lên, và trở thành động lực mạnh mẽ giúp Bill Gates đạt được thành tựu như ngày hôm nay.
Con của bạn có khả năng tò mò đặc biệt, chúng có thể khiến người khác khó chịu vì hỏi quá nhiều. Giáo viên truyền thống sẽ chỉ nhìn thấy một đứa trẻ không thể tập trung vào những gì đang được giảng dạy ở thời điểm đó, nhưng nếu bạn chú ý bạn sẽ thấy câu hỏi của bé tiết lộ tài năng thiên bẩm của bé.
Quá nhiều câu hỏi của bé có thể gây phiền nhiễu, nhưng bố mẹ nên cố gắng cung cấp cho bé câu trả lời đúng. Đồng thời bố mẹ cũng có thể gợi ý bé tự khám phá câu trả lời qua việc đọc nhiều hoặc tìm hiểu quan sát nhiều hơn khi ra ngoài.
Trí thông minh của trẻ em có hai "thời kỳ vàng" trong đời
Vì sự giáo dục của cha mẹ rất quan trọng đối với sự phát triển trí tuệ của trẻ, vậy cha mẹ có thể làm gì để nắm bắt thời kỳ vàng về trí tuệ của trẻ? Nghiên cứu của Học viện Nhi khoa Hoa Kỳ đã khẳng định, có hai "thời kỳ vàng" để phát triển trí thông minh của trẻ mà cha mẹ hãy nắm bắt kịp thời.
- 0 ~ 3 tuổi: Giai đoạn phát triển cấu trúc não bộ
Các nghiên cứu đã khẳng định rằng trước 3 tuổi, não bộ của bé sẽ phát triển từ 390 gam đến 1.000 gam, tức là tăng gấp 2 lần. Sự thay đổi về kích thước và chất lượng não bộ này một mặt có nghĩa là cấu trúc não bộ của bé đang phát triển hoàn thiện, mặt khác cũng đồng nghĩa với việc sắp đến thời kỳ vàng phát triển trí tuệ của bé.
Đặc biệt khi trẻ được hai tuổi, các chức năng khác nhau của não đã đạt giá trị cao nhất trong giai đoạn này. Thời điểm này, tốc độ kết nối của nơ ron phụ thuộc vào việc não bộ của trẻ nhận được bao kích thích từ bên ngoài. Theo giáo sư Richard Weissbourd, đây là cơ hội đầu tiên để một đứa trẻ trở nên thông minh. Việc rèn luyện trí não ở thời điểm này sẽ giúp ích nhiều cho sự phát triển của trẻ.
Lời khuyên cho cha mẹ giai đoạn này là tích cực khuyến khích, động viên để con tự tin, có động lực khám phá thế giới muôn màu. Càng hiểu biết về thế giới xung quanh, con sẽ càng thông minh.
- 4 ~ 6 tuổi: Giai đoạn phát triển chức năng não
Khi cấu trúc não bộ của bé đã phát triển hoàn thiện, não bộ sẽ bước vào giai đoạn phát triển chức năng. Và một trong những chỉ số tốt nhất của não bộ phát triển tốt là khả năng chú ý của bé đang phát triển như thế nào.
Đối với trẻ khoảng 3 tuổi, việc nhận biết đồ vật không khó nhưng để nhớ đồ vật thì không dễ, đây là kết quả của sự thiếu tập trung của trẻ. Điều cha mẹ cần làm là rèn luyện sự tập trung cao độ cho con ở giai đoạn này.
Bên cạnh đó, cha mẹ nên khuyến khích trẻ sử dụng cả hai tay để kích thích hai bán cầu não. Ngoài ra khuyến khích trẻ hoạt động thể chất như mỹ thuật, âm nhạc... giúp chúng khám phá thế giới quan. Thời điểm này cũng nên khích lệ trẻ đặt câu hỏi, rèn luyện tư duy phản biện nhằm tăng trí tưởng tượng.
Chỉ số IQ cao có thể chỉ là nhất thời vì thế phụ huynh không nên kỳ vọng quá nhiều. Có thể trẻ chỉ có khả năng nổi bật ở một lĩnh vực chứ chưa chắc toàn diện trong mọi khía cạnh của cuộc sống.
Đừng thấy trẻ có chỉ số thông minh cao mà nhồi nhét, ép học hành, rèn luyện quá nhiều. Tốt nhất nên để trẻ tự lựa chọn và khám phá mọi thứ theo sở thích của chúng, hỗ trợ khi phát hiện ra sở thích đặc biệt. Nếu chỉ biết ép buộc, trẻ dễ nảy sinh tâm lý phản kháng.