pnvnonline@phunuvietnam.vn
Trẻ có 4 hành vi này thường có EQ thấp khi lớn lên
Ảnh minh họa
Năm 2015, việc trường Marie Curie (Hà Nội) tuyển sinh lớp 6 với phần trắc nghiệm đánh giá chỉ số EQ từng gây xôn xao dư luận. Theo đó, nhiều phụ huynh bày tỏ quan điểm học cách cải thiện chỉ số EQ nên được xem là một kỹ năng bồi dưỡng cần thiết cho trẻ nhỏ trên ghế nhà trường.
Giáo sư tâm lý nổi tiếng Lý Mai Cẩn (Trung Quốc) từng nhận định: Người EQ cao dễ tạo thiện cảm với người đối diện, đạt được nhiều thành công vì có khả năng chịu áp lực lớn, biết cách quản lý cảm xúc từ đó đưa ra quyết định và hành động đúng đắn. Cũng bởi thế, EQ đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của trẻ nhỏ.
Theo nghiên cứu của Sohu, nếu trẻ có một trong những hành vi dưới đây, nguy cơ trẻ lớn lên với chỉ số EQ thấp là rất lớn.
1. Nói năng bừa bãi
Một hôm, bà mẹ tên Lý Huệ (Trung Quốc) dẫn con gái 7 tuổi cùng đi mua sắm. Chị hỏi con: "Con thấy chiếc váy mới của mẹ như thế nào?". Đáp lại sự hào hứng của Lý Huệ là câu nói vô cảm của người con: "Con thấy mẹ rất béo. Khi mẹ mặc váy lên, trông mẹ thật xấu xí". Trước ánh mắt của biết bao người xung quanh, Lý Huệ cảm thấy vô cùng xấu hổ vì lời chê bai của con.
Trường hợp của con gái Lý Huệ là ví dụ điển hình của đứa trẻ EQ thấp. Những đứa trẻ này thường rất bướng bỉnh, thích bộc lộ mọi cảm xúc mà không cần quan tâm đến cảm nhận của người khác. Mọi chuyện sẽ tệ hơn nếu con bắt đầu biết chửi thề, dùng từ ngữ khó nghe để xúc phạm người đối diện. Nếu cha mẹ không bảo ban kịp thời, khi trưởng thành con có xu hướng coi bản thân là "trung tâm của vũ trụ", từ đó đánh mất nhiều mối quan hệ.
2. Không thể kiểm soát cảm xúc
Một biểu hiện điển hình khác của những đứa trẻ EQ thấp là khả năng kiểm soát cảm xúc kém. Chỉ cần thấy xuất hiện một chút cảm giác bất mãn, con sẽ trở nên mất bình tĩnh, thậm chí la hét và đập phá đồ đạc xung quanh. Chẳng hạn, chúng ta có thể chứng kiến cảnh nhiều đứa trẻ bị bố mẹ từ chối cho phép mua đồ chơi, chúng bèn bật khóc nức nở, kéo quần áo người lớn để đòi mua đồ cho bằng được.
Ngược lại, những đứa trẻ EQ cao sẽ biết nghe lời bố mẹ, hoặc giải thích rõ ràng tại sao con lại muốn bố mẹ làm điều này điều kia. Nếu bị bố mẹ từ chối, con sẽ học được cách chấp nhận và thông cảm cho hoàn cảnh của gia đình.
3. Thích trốn tránh trách nhiệm
Tôi từng xem một bộ phim, trong đó có cảnh hai đứa trẻ đang chơi đùa ở công viên. Một bé trai vô ý đụng phải bé gái khiến cô bé ngã xuống đất và òa khóc nức nở. Ban đầu cậu nhóc có chút luống cuống, thế nhưng khi vừa thấy bố của bạn đi đến, cậu lại không dám lên tiếng về lỗi lầm của mình. Thậm chí, khi được ông bố hỏi ai làm ngã bé gái, cậu nhóc liền chỉ vào cô bé đang khóc mà nói: "Không, bạn ấy tự ngã".
Những đứa trẻ EQ thấp không chỉ thích trốn tránh trách nhiệm mà còn thường xuyên "đổ" lỗi sai lên đầu người khác. Điều này khiến trẻ không thể trưởng thành, khó hiểu được nguyên nhân của mọi việc đến từ bản thân và đánh mất thiện cảm với người xung quanh.
4. Tính tự lập kém
Điều kiện sống ngày càng nâng cao, cha mẹ lại càng có xu hướng bao bọc con, sợ con thiệt thòi hơn so với bạn. Thế nhưng, thực tế nếu trẻ càng được cưng chiều, khả năng tự lập của con lại càng giảm. Đó cũng là nguyên nhân khiến nhiều người trưởng thành vẫn không biết các kỹ năng sống cơ bản như nấu cơm, rửa bát, chăm sóc sức khoẻ....
Về lâu dài, trẻ được cha mẹ bao bọc sẽ hình thành tâm lý ỷ lại người lớn, thiếu chủ động, luôn để người khác đưa ra quyết định cho cuộc đời mình. Đây là một biểu hiện khác của EQ thấp, khiến con khó đạt được thành tựu trong tương lai.
Cha mẹ có thể làm gì để cải thiện chỉ số EQ của con?
1. Dạy con tự lập từ những việc đơn giản nhất
Trước hết, cha mẹ cần dạy con nhận thức được chúng có thể tự làm mọi việc bằng sức mình, không được phụ thuộc vào người khác. Khi được người khác giúp đỡ, con phải học cách nói lời cảm ơn, không được trách ngược đối phương.
Khi con còn bé, cha mẹ nên dạy con từ những việc nhỏ nhặt nhất như để trẻ tự mặc quần áo, tự ăn, sắp xếp đồ chơi và mang balo đến trường. Sau đó, con sẽ được học cách làm việc nhà, chăm sóc sức khỏe cho bản thân. Dần dần, tính tự lập trong cả suy nghĩ và hành động của con sẽ được tăng cường.
2. Dạy con tôn trọng người khác
Tình cảm giữa người và người giống như mũi tên hai chiều. Nói cách khác, để con bạn được người khác tôn trọng, bạn cũng cần dạy con cách tôn trọng và đối đãi chân thành với đối phương. Đó là nguyên tắc cơ bản để duy trì mọi mối quan hệ trong cuộc sống.
3. Dạy con kiểm soát cảm xúc
Nếu con nổi giận vô cớ, cha mẹ nên hướng dẫn con tìm hiểu nguyên nhân khiến con hình thành tâm lý này, từ đó học cách thể hiện và kiểm soát cảm xúc đúng cách. Bên cạnh đó, bạn cũng cần dạy con không nên kìm nén cảm xúc tiêu cực, điều này sẽ khiến trẻ dễ bị tổn thương tâm lý và ngại giao tiếp với cha mẹ về sau này.