Trẻ dậy thì sớm, cha mẹ ngó lơ

18/08/2018 - 09:01
Ông Vũ Đăng Minh (Bộ Nội vụ) cho biết: “Các bằng chứng cho thấy hầu hết thanh niên Việt Nam còn thiếu kiến thức, kỹ năng thương thuyết ra quyết định để có quan hệ tình dục an toàn và sự đồng thuận". Vì những lý do khác nhau, nhiều ông bố bà mẹ thường bỏ qua việc chia sẻ vấn đề tế nhị này với con cái.

Bận rộn, cho vấn đề về giới tính, chăm sóc sức khỏe sinh sản, quan hệ tình dục an toàn đến khi nào trẻ lớn sẽ biết... nhiều ông bố, bà mẹ không hề quan tâm chuyện trò, chia sẻ với các con trong độ tuổi dậy thì hết sức nhạy cảm. Khi được hỏi, nhiều em cảm thấy hoang mang.

451823425.jpg
Ảnh minh họa

 

PNVN có cuộc trò chuyện với một số em gái để hiểu thêm về những mong muốn của các em với cha mẹ của mình:

* Bên cạnh nuôi dưỡng tốt, cần cha mẹ dành thời gian để hiểu con hơn

Đó là chia sẻ của em Trần Ngọc Anh Thư  ở trường THCS Thị trấn Chợ Gạo, Tiền Giang, năm nay 13 tuổi và chuẩn bị bước vào lớp 8.

Anh Thư cho biết: “Bên cạnh việc em đang cần cha mẹ giúp đỡ trong việc học hành như gợi ý cách làm các bài toán, văn khó thì còn là vấn đề về việc dành thời gian cho con để hiểu con. Em muốn được sự quan tâm về tình cảm của cha mẹ dành cho bản thân mình như thế nhiều hơn bên cạnh việc được nuôi dưỡng (cho ăn, mặc, chọn trường lớp…).

Hiện nay, thời gian cha mẹ, con cái ở bên nhau và cùng nhau chia sẻ công việc rất ít vì cha mẹ cũng phải đi làm, rất bận rộn, về đến nhà thì lại mệt mỏi. Em và bố mẹ không tâm sự được nhiều. Trong khi đó, ở tuổi dậy thì, có nhiều rắc rối về chuyện học, bạn bè, những vấn đề giải trí cần quan tâm hoặc những vấn đề khó nói như kiến thức sinh lý cơ thể, những rắc rối trong tình bạn cùng giới, khác giới hay những vấn đề riêng tư... đôi khi không biết xử lý thế nào nên em thường tự tìm hiểu”.

me-va-con-gai-2.jpg
Tuổi teen rất cần được cha mẹ quan tâm, trò chuyện và lắng nghe (Ảnh minh họa)

* Dạy con nhiều hơn về tâm lý tuổi dậy thì và sức khỏe sinh sản

Với bạn trẻ Nguyễn Thị Kim Oanh (Hà Nội) thì trăn trở: “Những bạn trẻ bằng tuổi em, đã có một thời gian rất dài bị thiếu hụt nghiêm trọng kiến thức về sức khỏe sinh sản và tình dục. Như bản thân em, được cho là lớn rồi mà hầu như hiểu biết gì về vấn đề này. Khi có những tình huống liên quan diễn ra trong tình yêu, trong các mối quan hệ xã hội, trong giao tiếp, em gặp nhiều khó khăn, lúng túng, xấu hổ… không biết đối phó, xử trí thế nào. Nếu tự mình muốn tìm hiểu trên mạng thì cũng phải giấu diếm”.

1.jpg
Theo Kim Oanh: "Để con có được những đáp áp, giải mã được những thắc mắc về các thông tin, kiến thức về sức khỏe sinh sản và tình dục... thì trong gia đình, cha mẹ rất cần chú trọng trong việc quan tâm, nói nhiều hơn với con về những vấn đề này”.

Kim Oanh kể lại một số trải nghiệm rằng: "Nếu xem phim mà có cảnh yêu đương, người lớn hôn nhau thì cha mẹ thường bảo con phải quay đi, chuyện của người lớn, không được xem. Vì vậy, em không có thói quen nói về chuyện đó, chia sẻ hay thắc mắc với ai trong gia đình, thậm chí sau đó cũng không dám nói với bạn cùng giới.

Trước đó, cũng có lần hỏi mẹ về một số thắc mắc liên quan đến tình yêu, tình dục thì mẹ bảo lớn lên rồi sẽ biết sau. Trong khi đó, các bạn trẻ Việt Nam hiện nay, theo em dậy thì khá sớm, có tâm lý/nhu cầu cần tìm hiểu và quan hệ tình dục sớm.  Có những em học lớp 5 đã nói với bạn về việc yếu sinh lý, các em lớp 7, lớp 8 đã quan hệ tình dục…”. 

Bạn Nguyễn Ngọc Nhã Nhi (TPHCM) cũng chia sẻ: “Khi con gái bắt đầu trưởng thành, có rất nhiều thay đổi và nhiều thắc mắc liên quan đến tuổi mới lớn nhưng thường không biết nói với ai. Nếu cha mẹ không có kiến thức, không hiểu con, không dạy, tất yếu con sẽ có nhu cầu tìm hiểu trên mạng và dẫn đến nhiều rủi ro với những từ khóa của web đen, những hành động không đúng...”.

can_co_nhung_mo_hinh_giao_duc_ve_suc_khoe_sinh_san_cho_vi_thanh_nien.JPG
Trẻ vị thành niên là đối tượng có rất nhiều thắc mắc liên quan đến giới tính, sức khỏe sinh sản (Ảnh minh họa)

* Ông Vũ Đăng Minh (Bộ Nội vụ) cho biết: “Các bằng chứng cho thấy hầu hết thanh niên Việt Nam còn thiếu kiến thức, kỹ năng thương thuyết ra quyết định để có quan hệ tình dục an toàn và sự đồng thuận. Chương trình giáo dục tình dục toàn diện tại các trường học vẫn còn hạn chế và bất cập cả về nội dung và phương pháp truyền thụ kiến thức. Số liệu thống kê chưa đầy đủ cho thấy, vẫn còn 1/3 thanh niên Việt Nam gặp khó khăn trong tiếp cận với thông tin và dịch vụ sức khỏe sinh sản/sức khỏe tình dục và các kỹ năng bảo vệ, phòng tránh các nguy cơ đến sức khỏe sinh sản..."

* Theo Quỹ Dân số Liên Hợp quốc (2015), số trẻ em gái đã kết hôn trước tuổi 18 tại châu Á - Thái Bình Dương là 59 triệu trường hợp. Số trẻ em gái tuổi từ 15 đến 17 tại các nước đang phát triển đã từng sinh con là 20.000 trường hợp. Ước tính số ca phá thai không an toàn ở trẻ em gái tuổi từ 15 đến 19 là 3,2 triệu ca.

Tại Việt Nam, theo thống kê, mỗi năm cả nước vẫn còn gần 6.000 ca nạo phá thai tuổi vị thành niên. Nếu những năm trước đây, tỷ lệ phá thai ở tuổi vị thành niêm chiếm khoảng 5-7% tổng số ca phá thai thì vài năm trở lại đây, tỷ lệ này đã tăng lên 20%. Riêng tại TPHCM, trong những năm qua, tỷ lệ phá thai trên địa bàn vẫn ở mức cao, tỷ lệ này là 42,96 ca phá thai/100 ca sinh sống...

 

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm