Trẻ dưới 2 tuổi chưa biết kêu đau, đây là cách bố mẹ nhận biết sớm con mắc viêm tai giữa

Thảo Hương
23/06/2023 - 13:18
Trẻ dưới 2 tuổi chưa biết kêu đau, đây là cách bố mẹ nhận biết sớm con mắc viêm tai giữa
Những dấu hiệu dưới đây sẽ giúp mẹ nhận biết con mình có đang mắc viêm tai giữa hay không.

Viêm tai giữa là tình trạng tai giữa (khu vực phía sau màng nhĩ) bị nhiễm trùng gây sưng, đau, sốt, chảy dịch. Viêm tai giữa có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi song phổ biến nhất là trẻ em từ 6-36 tháng tuổi do cấu trúc tai chưa phát triển hoàn chỉnh, miễn dịch yếu.

Theo số liệu thống kê, hơn 80% trẻ bị viêm tai giữa ít nhất một đợt ở tuổi lên 3. Bệnh này có thể tái đi tái lại nếu cha mẹ không biết chữa đúng cách cho trẻ.

Trẻ nhỏ, đặc biệt dưới 2 tuổi thường mới bập bẹ nói câu ngắn, chưa mô tả được các triệu chứng đau, nên mẹ cần quan sát kỹ các hành động và biểu hiển của con hàng ngày để lựa chọn cách và hướng chăm sóc cho con. 

Các biểu hiện sớm trẻ dưới 2 tuổi mắc viêm tai giữa

Dưới đây là 2 nhóm biểu hiện sớm trẻ mắc viêm tai giữa theo lời khuyên từ anh Phạm Văn Đông (Trung tâm Tư vấn Nhi khoa - Phòng khám Nhi Đồng, Hà Nội).

1. Nhóm biểu hiện tại mũi họng: Thường viêm tai giữa sẽ bị từ mũi họng lên chứ không bị từ tai ngoài vào tai giữa, nên mẹ cần chú ý các đặc điểm sau.

- Con có tiền sử viêm mũi dị ứng, liên tục hắt hơi, ngứa mũi, sổ mũi khó kiểm soát, cũng có nguy cơ làm con bị viêm tai giữa.

- Con có tiền sử viêm VA, VA tái phát do sổ mũi mãi không khỏi làm VA quá phát che 1 phần vòi nhĩ hoặc bịt hẳn vòi nhĩ làm con bị viêm tai giữa.

- Con sổ mũi nhẹ, nhưng kéo dài mãi không khỏi, cũng làm tăng nguy cơ con bị viêm tai giữa.

- Con viêm mũi mủ đàm đặc xanh vàng kèm mùi hôi cũng làm tăng khả năng vi khuẩn xâm nhập lên tai qua vòi nhĩ và làm rối loạn chức năng vòi nhĩ gây ra viêm tai giữa.

- Con có ho nhẹ hoặc đàm nhớt do dịch mũi chảy xuống, việc ho không làm con bị viêm tai giữa nhưng là nhóm triệu chứng phức hợp mũi họng mẹ cần nhận biết.

- Con bị nôn nhiều, dịch nôn lên cả mũi cũng có nguy cơ cao làm con bị viêm tai giữa.

2. Nhóm biểu hiện tại tai: Nhóm biểu hiện tại tai có con có, có con không, nếu có sẽ xuất hiện vào đêm, khi con mới ngủ hoặc sáng con mới ngủ dậy, nên mẹ cần chú ý quan sát.

- Vò tai, bứt tai nhiều.

- Hay quơ tay lên vùng tai, đập tay vào tai.

- Phản xạ với âm thanh hoặc tiếng gọi chậm.

- Quấy khóc nhiều, không chơi.

- Vùng tai hơi tấy nhẹ hoặc nóng nhẹ nếu bị nặng.

Ngoài ra con có thể sốt nhẹ và tiêu hóa rối loạn nhẹ, mẹ cần theo dõi thêm. Nhưng việc quan trọng nhất là mẹ nên nhớ những biểu hiện này để tự đánh giá tại nhà trước, và khi nghi ngờ thì cho con đi nội soi tai thì nhớ cầm phiếu soi tai về để lưu trữ làm tư liệu đối chiếu cho các lần bị hoặc tiến triển trong 1 lần điều trị.

Cách điều trị dứt điểm bệnh viêm tai giữa cho trẻ

Khi trẻ bị viêm tai giữa, cha mẹ cần lưu ý những vấn đề sau:

- Dùng đúng thuốc kháng sinh và đủ thời gian theo kê đơn: Viêm tai giữa chia thành 3 thể: thể nhẹ, thể trung và thể nặng. Trẻ chỉ dùng kháng sinh khi đã bị ở mức độ trung và nặng. Thuốc kháng sinh được ưu tiên sử dụng trong điều trị viêm tai giữa là Augmentin vì nó có chứa hoạt chất là amoxicillin/clavulanate có khả năng tiêu diệt vi khuẩn gây bệnh rất tốt. Cha mẹ nên nhớ là không tự ý hạ liều hay cắt giảm thời gian xuống khiến bé dễ bị nhờn thuốc, tái nhiễm. Tùy từng trường hợp cụ thể mà thời gian điều trị ở mỗi trẻ không giống nhau.

- Tai - mũi - họng có mối liên hệ mật thiết với nhau nên khi vệ sinh mũi họng cho trẻ, mẹ chú ý không xịt rửa mạnh hay khi bé đang nằm ngửa.

- Giữ môi trường sống sạch sẽ, hạn chế cho trẻ đến những nơi có nhiều khói bụi hoặc ở gần người hút thuốc lá.

- Trẻ nhỏ dễ bị vi rút vi khuẩn tấn công do đó mẹ nhớ luôn duy trì chế độ ăn đủ chất, vận động thường xuyên, ngủ đủ giấc, tiêm phòng và bổ sung tăng đề kháng đầy đủ!

- Trong trường hợp nhiễm trùng lan rộng, điều trị bằng thuốc không mang lại hiệu quả, người bệnh có thể cần điều trị ngoại khoa như nạo VA; cắt amidan; đặt ống thông khí tùy vào từng tình trạng bệnh cụ thể, bác sĩ có thể áp dụng.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm