pnvnonline@phunuvietnam.vn
Trẻ học trước ở trường mầm non có vượt trội hơn khi vào tiểu học?
Ảnh minh họa: ST
Khi nói về việc giáo dục con cái, câu được các bậc phụ huynh nhắc đến nhiều nhất là: Đừng để con thua ở vạch xuất phát! Họ cuống cuồng cho con tham gia các lớp học năng khiếu; "đánh thức" trí thông minh ngay từ khi còn nhỏ. Tuy nhiên, sự thật có phải càng đầu tư sớm, con càng vượt trội?
Nếu hai đứa trẻ, một được học trước chương trình khi học mẫu giáo, một thì tuân thủ quá trình trưởng thành tự nhiên, chỉ tiếp thu những kiến thức đúng độ tuổi, vậy ai có lợi thế sau khi vào tiểu học? Thí nghiệm của Gesell có thể cho bạn biết câu trả lời.
Gesell là nhà tâm lý học người Mỹ, giáo sư tại Đại học Yale. Năm 1929, ông quan sát một cặp anh em sinh đôi và xác nhận rằng chúng bắt đầu phát triển ở mức độ giống nhau. Ở tuần thứ 48 của cuộc đời, người anh được huấn luyện leo cầu thang, xếp gỗ, sử dụng từ vựng, trong khi người em thì không.
Khóa huấn luyện kéo dài 6 tuần, trong thời gian đó đứa trẻ lớn thể hiện một số kỹ năng sớm hơn em mình. Đến tuần thứ 53, khi anh trai đã đạt đến trình độ thuần thục để leo cầu thang, bắt đầu tập luyện chuyên sâu, giáo sư Gesell nhận thấy rằng chỉ với một chút luyện tập, đứa trẻ sau đã bắt kịp mức độ thành thạo của anh mình.
Quan sát thêm cho thấy ở tuần 55 không có sự khác biệt về các khả năng giữa anh và em. Điều đó có nghĩa việc huấn luyện trước không mang lại cho trẻ lớn bất kỳ lợi thế nào! Hai đứa trẻ mất khoảng thời gian như nhau để leo cầu thang, và đứa trẻ tập leo sau thậm chí còn leo nhanh hơn.
Càng ngạc nhiên hơn là theo thời gian, trên cơ sở tiếp tục luyện tập như cũ, tốc độ tiến bộ của bé đầu bắt đầu chậm lại, bé sau lại tăng lên rõ rệt. Ban đầu Gesell không chắc đó là sự trùng hợp ngẫu nhiên hay trường hợp đặc biệt. Do đó, ông tiếp tục thực hiện hàng trăm thí nghiệm cùng loại và các kỹ năng đào tạo khác nhau, và kết quả không có ngoại lệ.
Cấu tạo sinh lý và môi trường sinh trưởng của hai anh em sinh đôi rất giống nhau, tại sao người anh được huấn luyện trước không thể hiện ưu thế trong các kỹ năng?
Gesell tin rằng trong quá trình lớn lên, hành vi, tâm lý, sinh lý và trí tuệ của trẻ phát triển theo một quy luật và trình tự nhất định. Trước khi cấu trúc tâm lý của trẻ hoàn thiện, bản thân việc học không thể thúc đẩy sự phát triển. Chỉ khi một khả năng nào đó phát triển đến độ chín nhất định, trẻ bắt đầu học kiến thức và kỹ năng tương ứng mới là tốt nhất.
Giáo dục trẻ vì thế phải tôn trọng sự trưởng thành của chúng. Chẳng hạn, theo quy luật thông thường, trẻ 2 tháng biết ngẩng đầu, biết lật khi 4 tháng, biết ngồi khi 6 tháng, biết bò khi 8 tháng, biết đứng khi 10 tháng và biết đi khi 12 tháng. Đào tạo sớm sẽ không thực sự làm cho trẻ học tốt hơn. Ngược lại, nếu bạn ép con phát triển khi chưa đủ trưởng thành sẽ làm tổn thương con nhiều hơn.
Đường dài mới biết ngựa hay
Trên thực tế, những đứa trẻ học trước khi vào lớp 1 cũng vậy. Trong giai đoạn đầu tiên, giáo viên dạy gì cũng đều biết hết, nhớ hết, kết quả kiểm tra đều xếp loại hoàn thành xuất sắc. Nhưng theo một người từng làm quản lý chuyên môn của trường tiểu học, thông thường bắt đầu vào chương trình học kỳ 2, lúc bấy giờ sức học các em này sẽ bình thường so với những em trong hè không được học trước chương trình.
Dã Lan Hoa, một giáo viên ở Trung Quốc cho biết: Trẻ ở giai đoạn mẫu giáo chưa có năng lực học tập tương ứng, nếu yêu cầu trẻ học một kỹ năng vượt trội vào thời điểm này sẽ khó đạt được mục tiêu học tập thực sự.
Nhược điểm lớn nhất của việc ép phát triển sớm không chỉ đơn giản là khiến trẻ chán học mà còn phá vỡ trật tự, quy luật phát triển cơ bản của trẻ, dẫn đến hiệu quả giảm sút nghiêm trọng.
Kết quả thí nghiệm cuối cùng của Gesell cũng cho thấy, hiệu quả của việc đi học sớm và đi học muộn có thể giống nhau, thậm chí, trẻ đi học muộn hoặc học tập đúng độ tuổi còn có thành tích cao hơn nhiều so với trẻ em đi học sớm.
Nếu con nhận thức tốt, nhanh nhạy thì không cần dạy trước quá nhiều. Cho con làm quen một vài kỹ năng như kỹ năng tự phục vụ, kỹ năng giao tiếp... Cho con rèn luyện thêm một chút về tư duy với các trò chơi toán học. Ngược lại, nếu con có nhận thức chưa thực sự nhanh nhạy, bố mẹ tìm cách tiếp cận nhẹ nhàng và vui vẻ, miễn sao phải vừa sức và phù hợp với con.
Cha mẹ nên tôn trọng sự phát triển tâm lý của con cái, đừng lãng phí thời gian để ép con học sớm. Hãy tôn trọng trình độ thực tế của con cái, kiên nhẫn chờ đợi chúng trưởng thành để con trẻ trải nghiệm trọn vẹn niềm vui trong mỗi giai đoạn phát triển.