Trẻ khuyết tật trí tuệ, mẹ vẫn động viên giao việc

22/02/2019 - 10:59
Với mong muốn con có thể tự lập, hòa nhập được với cuộc sống bình thường, chị Nguyễn Thủy (Hà Nội) và các phụ huynh trong nhóm quyết định thành lập quán cơm hướng nghiệp cho các con bị khuyết tật trí tuệ. Dù có thể các con sẽ bị đứt tay, bị thương trong quá trình làm bếp, các mẹ vẫn quyết giao việc…

Mong con có thể tự trang trải cuộc sống

Hồng Hà, một cô bé 14 tuổi vẫn theo học tại lớp mẫu giáo đang tỉ mẩn thái cà chua. Thái xong một miếng, Hà lại đợi cô và các bạn đặt những miếng cà chua mới vào thớt của mình.

Cậu bé Dịu Dàng vừa khiến chị Thủy ngạc nhiên khi bắt chước động tác mài dao của mẹ. Dù không nghe, không nói được song nụ cười luôn thường trực trên đôi môi của em.

 

_mg_5593.JPG
Hồng Hà, một cô bé 14 tuổi vẫn theo học tại lớp mẫu giáo đang tỉ mẩn thái cà chua

 

Bên chiếc máy dập cốc, Đức Minh đang được thầy giáo hỗ trợ sau khi vừa dập hỏng một chiếc nắp. Thỉnh thoảng, cậu bé quay sang nhìn người đối diện bằng ánh mắt bối rối.

Những nhân viên đặc biệt của quán cơm Ong mật đang tất bật chuẩn bị nguyên liệu để kịp những suất cơm khách đã đặt. Động tác còn chậm chạp và vụng về, nhưng đối với những thiếu niên bị khuyết tật trí tuệ (KTTT) như Hồng Hà, Dịu Dàng, Đức Minh đây đã là thành tích lớn. Bởi thay vì thực hiện những hành động vô nghĩa, các em đã biết làm việc và rất chăm chỉ. 

 

nh-1.jpg
Chị Nguyễn Thủy (đứng) và những nhân viên đặc biệt của quán cơm Ong mật đang tất bật chuẩn bị nguyên liệu để kịp những suất cơm khách đã đặt

 

Chị Nguyễn Thủy cho biết, quán ăn hướng nghiệp là ấp ủ của chị suốt hơn 10 năm thành lập Trung tâm trợ giúp gia đình và trẻ Khuyết tật trí tuệ (SFCD). Nhìn vào đôi mắt của cậu con trai mắc chứng tự kỷ, chị Thủy lo lắng tương lai con sẽ khó hòa nhập với bạn bè, với xã hội - đây cũng là trăn trở của những cha mẹ có con bị KTTT. 

Sự lo lắng đã thúc đẩy chị Thủy cùng các bậc phụ huynh trong nhóm thực hiện dự án quán cơm hướng nghiệp cho trẻ KTTT. Dự án thực hiện trong 1 năm để tạo bước đệm định hình nghề cho các em trước khi bước vào những dự án lớn hơn.

“Tôi mong sau khi dự án thành công, các con sẽ có một công việc, một ngôi nhà bình yên để làm việc, để các con có thể tự trang trải cuộc sống của mình” - chị Thủy chia sẻ.

Những vết thương giúp con trưởng thành hơn mỗi ngày

Khi đến học việc tại quán Ong mật, các em sẽ được kiểm tra về nhận thức và khả năng để xây dựng các chương trình học phù hợp. Những bài học làm bếp sẽ dựa vào khả năng của mỗi em. Khi đã nhận biết được một số loại củ quả cơ bản, các em sẽ được học cách sơ chế thực phẩm và chế biến các món ăn.

 

_mg_5609.JPG
Đức Minh đang cẩn thận múc canh vào hộp

 

Ngay từ ngày đầu, chị Thủy và các bậc phụ huynh đã xác định con sẽ bị thương khi làm công việc trong bếp. Nhưng đối với họ, những vết thương sẽ giúp con trưởng thành hơn mỗi ngày. Chị Thủy cho biết, chính sự thấu hiểu, đồng lòng của cha mẹ đã giúp cả cô và trò thêm vững tin để thực hiện dự án này.

Từ những lần đứt tay khi tập làm quen với dụng cụ làm bếp, đến hiện tại các em đã thành thạo trong việc chuẩn bị nguyên liệu như rửa rau, thái thịt, gọt các loại củ quả khó như khoai tây, susu, đóng suất ăn, dán tem,… Thậm chí, các em đã có thể chế biến những món ăn đơn giản như rán đậu, rán trứng, rang lạc.

Nhận thấy những tiến bộ vượt bậc của con gái Hồng Hà, chị Nguyễn Thị Dương (quận Thanh Xuân, Hà Nội) vui mừng chia sẻ: “Sau khi theo học và làm việc tại Ong mật, tôi thấy con đã có những thay đổi tích cực. Con bạo dạn, có trách nhiệm và nhiệt tình hơn trước”.

 

_mg_5548.JPG
Suất cơm do trẻ đặc biệt tham gia chế biến

 

Sau gần 2 tháng đào tạo, hiện tại các em  đã đạt được 80% những yêu cầu mà thầy cô đề ra. Tuy nhiên, các em vẫn chưa thể tự tính toán và trả lại tiền thừa cho khách; chưa tự tin giao tiếp khi phục vụ khách.

Do khả năng nhận biết còn hạn chế, chưa thể phân biệt được nhiều loại thực phẩm. Mỗi ngày, quán chỉ nhận 50 suất cơm với một thực đơn nhất định. Chị Thủy mong trong thời gian tới, khi các con đã quen và thành thạo với công việc sẽ tăng lên 100 suất ăn với món ăn phong phú hơn.

Sự chăm chỉ, cố gắng, tiến bộ mỗi ngày của các con đã tiếp thêm niềm tin cho cha mẹ rằng, một ngày nào đó, các con có thể tự lập, tự chăm sóc bản thân và ứng xử như những người bình thường.

Clip về quá trình những đứa trẻ đặc biệt chuẩn bị các suất ăn:  

 

_mg_5645.JPG 

Chị Nguyễn Thủy tâm sự: “Tôi muốn mỗi suất cơm do các con chuẩn bị sẽ mang đến cho khách hàng sự ấm áp, yêu thương như một bữa cơm gia đình chứ không phải cơm văn phòng”.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm