Trẻ 'muốn chết' vì bố mẹ không hiểu con

24/12/2016 - 13:00
Chuyên gia tâm lý Phạm Hiền chia sẻ câu chuyện về cô bé 14 tuổi cãi nhau với bố và ngay lập tức, em đã tự tước bỏ mạng sống của bản thân bằng cách lao từ tầng 6 xuống.
Một số trẻ "muốn chết" chỉ vì "bố mẹ không hiểu tâm lý con, luôn coi con như con nít". Ảnh minh họa internet.

Mấy ngày hôm nay, vụ việc cậu bé người Mỹ gốc Việt 15 tuổi treo cổ tự tử ngay trong nhà riêng của mình vì chán nản cuộc sống, chuyện học hành… khiến nhiều phụ huynh lo lắng, giật mình.

Trên thế giới, tự tử là nguyên nhân phổ biến nhất dẫn đến cái chết của phụ nữ nhóm tuổi 15-19. Mỗi năm, có đến 164.000 trường hợp tự tử của thanh thiếu niên tuổi dưới 25. Kết quả này hoàn toàn phù hợp với nghiên cứu tại Việt Nam, khi thanh niên từ 15 đến 24 tuổi là nhóm tuổi có ý nghĩ tự tử cao nhất.

Lý giải về điều này, TS. tâm lý học Nguyễn Thị Kim Quý cho rằng: Tuổi vị thành niên, thanh niên khi gặp các vấn đề khúc mắc trong cuộc sống, do chưa có kinh nghiệm xử trí nên thường sử dụng một cơ chế phản ứng tự vệ tâm lý, đó là "tự xâm kích" mà đỉnh cao là tự tử. Bản thân các em chưa nghĩ đến hậu quả sự việc mà đơn thuần chỉ muốn giải thoát mình khỏi bế tắc.

Trong việc này, gia đình đóng vai trò quan trọng, đôi khi, vừa là nguyên nhân của sự việc, vừa "tiếp tay" cho hành động này. "Rất nhiều trường hợp trẻ có ý định tự tử đã gọi điện đến đường dây tư vấn để bày tỏ khát khao "muốn chết" chỉ vì "bố mẹ không hiểu tâm lý con, luôn coi con như con nít", TS Kim Quý nói.

Việc bố mẹ hiểu tâm lý con vị thành niên rất quan trọng bởi đây là lứa tuổi có nhiều khủng hoảng tâm lý. Ảnh minh họa internet.

Theo chuyên gia tâm lý Phạm Hiền (Trung tâm Đào tạo kĩ năng sống Wedo - Wegood), nhiều cha mẹ luôn “lên lớp” con để “thỏa mãn” sự hiểu biết của mình. Thay vì thế, cha mẹ hãy nghe con nói. Cái tôi của con lớn nhưng suy nghĩ của con còn non nớt lắm vì mới chỉ dừng lại ở sự bắt đầu thực hành để trải nghiệm thực tế. Vì vậy nếu con muốn thể hiện nó thì thay bằng phủ nhận, chê bai, thậm chí quát mắng, cấm đoán.... cha mẹ hãy bình tĩnh lắng nghe con để con được giải tỏa cái sự bí bách muốn thể hiện cho bằng hết dù suy nghĩ đó có thể sai, có thể không giống ai..

Nhiều cha mẹ có thói quen áp đặt con vì nghĩ đó là “đặc quyền” của cha mẹ. Điều phụ huynh nên làm là hãy thấu hiểu con.  Không có ai đúng hay ai sai, kể chả cha mẹ hay con cái. Bởi đơn giản nó là suy nghĩ, quan điểm, mong muốn riêng của mỗi người. Vì vậy, thay vì bắt con phải nghe, áp con phải làm theo ý mình, cấm con cãi... cha mẹ nghe rồi thì hãy thấu hiểu con bằng sự bình tĩnh trấn an, bình tĩnh công nhận, bình tĩnh phân tích nhẹ nhàng trong định hướng để con vẫn có quyền tự quyết định trên cơ sở chính kinh nghiệm của cha mẹ.

Trong lúc bực tức, khi không kiểm soát được cảm xúc, nhiều cha mẹ thách đố con như “mày chết đi”, “mày cút ra khỏi nhà”… Chuyên gia tâm lý Phạm Hiền cho biết, cha mẹ đừng bao giờ thách đố con.  Khi cao trào của cái tôi không được công nhận thì với các câu nói  “Mày nghỉ học đi là con sẽ có thể nghỉ”' hoặc “Mày chết đi.. con cũng có thể làm vậy” hoặc “Mày muốn bố mẹ chết không… con có thể cũng nghĩ vậy”...

Những cách nói này khiến cho cái đầu của con căng ra và bất cần hoặc cam chịu... rồi  muốn bùng nổ để thoát khỏi sự khó chịu đến tột cùng bên trong. Cha mẹ nên nói những câu nói tích cực tạo động lực và tin vào con dù biết con có đang sai.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm