TS Phạm Duệ, nguyên Giám đốc Trung tâm chống độc (BV Bạch Mai) khẳng định: Chì không có vai trò về sinh lý với cơ thể và hoàn toàn có hại với sức khỏe. Bất kỳ một lượng chì nào được tìm thấy trong người đều cho thấy do tiếp xúc với môi trường bị ô nhiễm, do tiếp xúc với thực phẩm, nước, thuốc nam và các vật dụng chứa chì.
Cơ thể có thể nhiễm chì bằng nhiều con đường như môi trường (bụi từ sơn chì cũ, đất khu đất bị nhiễm sơn chì, nước từ đất ô nhiễm, không khí…), từ thuốc, thực phẩm. Trung tâm chống độc từng điều trị nhiều ca ngộ độc thuốc cam do thuốc có hàm lượng chì cao. “Các thuốc nam dùng uống, bôi, được dân gian gọi là thuốc cam, thuốc tưa lưỡi… lưu hành bất hợp pháp có chì (hồng đơn). Đây là nguyên nhân gây nên nhiều trường hợp ngộ độc, đặc biệt ở trẻ em. Thực phẩm trong đồ hộp có chất hàn gắn hộp sử dụng chì... cũng có thể khiến người sử dụng nhiễm chì khi ăn vào. Ngoài ra, còn kể tới nguồn chì có thể có trong các chế phẩm bổ sung dinh dưỡng, mỹ phẩm”, TS Phạm Duệ điểm mặt “thủ phạm” có chì gây ảnh hưởng đến sức khỏe.
|
Một số lô sản phẩm nước trà hương chanh C2 nhiễm chì phải thu hồi, khiến người từng sử dụng loại nước ngày lo lắng |
Chì dễ xâm nhập vào cơ thể
“Chì có thể nhiễm qua đường hô hấp dễ dàng. Trẻ em tiếp xúc với các chất độc trong không khí (nếu có) nhiều hơn so với người lớn (diện tích tiếp xúc ở đường hô hấp và thể tích khí hít thở cho mỗi đơn vị cân nặng của trẻ lớn hơn), chiều cao trẻ thấp hơn nên hít thở không khí ở gần mặt đất hơn, đây là nơi có nồng độ chì cao hơn. Tốc độ lắng đọng chì ở phổi ở trẻ em cao gấp 2,7 lần so với người lớn. Trẻ em hấp thu 40-50% lượng chì trong thức ăn, đồ uống, trong khi người lớn chỉ hấp thu 10-15%.
Liên quan đến việc tiêu thụ trà chanh C2 và nước tăng lực Rồng đỏ nhiễm chì, nếu ai uống nhiều, có thể đi xét nghiệm chì trong máu để phát hiện hàm lượng chì trong máu. Nếu vượt ngưỡng cho phép thì bác sĩ sẽ tư vấn điều trị thải độc chì. Còn uống ít, thỉnh thoảng mới uống, việc xét nghiệm có thể không tìm thấy chì do mức độ tích tụ thấp. Khả năng ngộ độc chì tới đâu còn tùy thuộc vào hàm lượng chì vượt ngưỡng, thời gian uống, số lượng uống và tùy thuộc vào chức năng thận của mỗi người.