Hai nhà nghiên cứu Karen Gasper và Brianna Middlewood đến từ trường đại học bang Pennsylvania (Hoa Kỳ) cho biết: “Cảm giác buồn chán cũng có tác dụng tương tự như cảm giác vui vẻ hay hào hứng. Những cảm giác này khiến bạn cố gắng đặt được điều gì đó có ý nghĩa hơn hoặc thú vị hơn, đồng thời khuyến khích bạn khám phá điều mới mẻ mà cuộc sống của bạn đang thiếu.”
Lợi ích khi trẻ trong trạng thái buồn chán:
Buồn chán thúc đẩy tính sáng tạo
Để trẻ hoạt động liên tục hoặc không bao giờ cảm thấy chán có thể cản trở phát triển trí tưởng tượng của trẻ. Các nhà nghiên cứu đều nhất trí rằng, lợi ích số một khi trẻ nhỏ trải qua tình trạng buồn chán là phát triển khả năng sáng tạo tự nhiên trong mỗi bé. Có một sự liên hệ giữa buồn chán và trí tưởng tượng, khi tâm trạng buồn chán trẻ sẽ muốn thoát ra khỏi cảm giác này bằng cách tìm kiếm những trò chơi mới, khám phá những điều thú vị, nhờ vậy mà trẻ có cơ hội động não, sáng tạo thực sự.
Nhiều người cho rằng buồn chán không tốt cho tinh thần, tuy nhiên nhiều nghiên cứu đã chỉ ra sự buồn chán không chỉ thúc đẩy tính sáng tạo, mà còn giúp con người cảm thấy những việc mình làm có ý nghĩa và dễ dàng có được sự hài lòng. Một điều đáng chú ý là trạng thái buồn chán hoàn toàn khác biệt với tâm trạng tiêu cực.
Buồn chán giúp phát triển ý thức về bản thân
Nhà tâm lý học trẻ em Lyn Fry nói rằng: “Vai trò của bố mẹ là chuẩn bị cho con cái hành trang để bước ra ngoài xã hội. Người lớn cần sử dụng thời gian rảnh rỗi của mình vào những việc khiến bản thân vui vẻ. Nếu như bố mẹ chỉ dành thời gian của mình để lấp đầy những khoảng thời gian trống nhàm chán của con, thì trẻ sẽ không bào giờ học được cách tự làm bản thân vui vẻ.”
Buồn chán vì không có việc gì làm sẽ kích thích trẻ muốn thử và tham gia vào các hoạt động mà bé chưa từng làm. Khi nghe trẻ phàn nàn chán nản, bố mẹ chỉ cần gợi ý cho con những việc bổ ích bé có thể trải nghiệm như học làm thủ công, làm bánh...