Học sinh bịt mũi khi mới đến cửa nhà vệ sinh - Ảnh minh họa internet. |
Tình trạng nhà vệ sinh bẩn thỉu, bốc mùi và xuống cấp trầm trọng lâu nay đã trở thành nỗi khiếp đảm của không ít học sinh Thủ đô, đặc biệt ở các vùng ngoại thành.
Tại phòng khám Nhi, bệnh viện ĐH Y Hà Nội, hầu như ngày nào cũng có trẻ đến khám các bệnh liên quan đến đường tiết niệu. Trong quá trình trao đổi với bệnh nhân, bác sĩ tại đây cho biết nguyên nhân chính là do trẻ không đi vệ sinh, nhịn tiểu lâu hoặc không uống đủ nước cho cơ thể (do sợ phải đi tiểu).
Chị Thùy Dương, điều dưỡng viên tại phòng khám này cho biết: “Nhiều bé đến đây chủ yếu là ở khu vực ngoại thành chia sẻ với chúng tôi là do nhà vệ sinh ở cách xa khu trường học, ở vị trí khuất, vắng người khiến bé rất sợ, đặc biệt là bé gái nên đành chọn cách nhịn tiểu. Nhiều bé thì nói rằng do lớp đông quá mà WC thì ít nên giục nhau, đi tiểu vội vàng, tiểu không hết cũng là nguyên nhân gây bệnh”.
Theo các bác sĩ tại đây, trẻ nhịn tiểu lâu ngày sẽ tạo thành thói quen không tốt, gây ra những bệnh về hệ tiết niệu. Thường gặp nhất là nhiễm trùng tiết niệu gây nên tình trạng tiểu buốt, tiểu rắt và những bệnh về sỏi thận, sỏi bàng quang. Một số trẻ nặng hơn sẽ tiểu tiện không tự chủ. Với bé gái, đi tiểu không có giấy vệ sinh để sử dụng hoặc giấy chất lượng không tốt sẽ gây ẩm ướt, ngứa ngáy, viêm nhiễm vùng ngoài cơ quan sinh dục.
Các bé gái thường chọn cách nhịn tiểu vì nhà vệ sinh bẩn, khuất, hoặc cách xa khu trường học. Ảnh minh họa internet. |
Chị Trần Thu Hà (Huyện Đông Anh, Hà Nội) vừa đưa con đang học mẫu giáo đi khám và nhận được kết quả con bị viêm tiết niệu. Bác sĩ cho biết, nguyên nhân do con chị không uống đủ nước, nhịn tiểu lâu. “Nhà trường vẫn có nước uống phục vụ cho các con nhưng không phải bé nào cũng chủ động trong việc uống nước. Bé nói với tôi không dám uống rất nước, vì ngại đi vệ sinh. Gia đình đành mang các loại nước thảo mộc lên lớp nhờ cô giáo cho bé uống hàng ngày để chữa bệnh” - chị Hà than thở.
Ở các thành phố lớn như Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng, Cần Thơ… nhiều trường học cũng rơi vào tình trạng thiếu nhà vệ sinh, nhà vệ sinh bẩn, không đạt chuẩn an toàn. Do đó, ở khu vực nông thôn, tình hình còn bi đát hơn khi trẻ phải đi vệ sinh ở ngoài trời.
Trước thông tin là Hà Nội quyết tâm “xóa” nhà vệ sinh bẩn, xuống cấp, chị Phan Hoài Thu (Q. Thanh Xuân) có con năm nay vào lớp 1 tỏ ra phấn khởi: “Tôi thấy lo lắng khi biết hậu quả từ việc bé phải nhịn tiểu, hạn chế uống nước là khôn lường. Hi vọng ngành giáo dục sẽ vào cuộc ráo riết để thay đổi đáng kể tình trạng trên, tạo tâm lý yên tâm cho phụ huynh khi gửi con đến trường”.