Trẻ nói ngọng cần chữa sớm

01/11/2016 - 15:58
Trẻ bị ngọng sẽ rất tự ti, mặc cảm vì thường bị các bạn trêu chọc, thậm chí tẩy chay và gặp khó khăn trong việc đọc cũng như viết bài. "Nên chữa tật nói ngọng cho trẻ trước khi vào lớp 1" là lời khuyên của chuyên gia ngôn ngữ Vũ Ngọc Thương.
noi-ngong-4.jpg
Cho trẻ đi chữa nói ngọng trước tuổi bước vào lớp 1 để tránh việc bị bạn bè trêu chọc, tẩy chay. Ảnh: N.T.

Chị Phan Thúy Hằng (Khu đô thị Sài Đồng, Hà Nội) rất thích thú khi nghe cậu con trai 5 tuổi nói… như chim hót. Người ngoài gần như không thể nghe nổi cậu bé nói gì. Thay vì sửa cho con, chị Hằng lại nói ngọng theo: "Tục tưng, ra lấy cho mẹ ô cô, điện quại…", "Mẹ xương, mẹ xương"… Chị Hằng cho rằng, trẻ con nói như thế mới dễ thương, đáng yêu.

Chuyên gia ngôn ngữ Vũ Ngọc Thương cho rằng, chính việc cha mẹ không sửa mà nói ngọng theo con đã đẩy việc nói ngọng trở thành tật của trẻ bởi trẻ tiếp tục ghi nhớ cái sai và làm sai. Ngoài ra, ở lứa tuổi tập nói, nhiều cha mẹ lại chiều con đến mức con cần gì là được đáp ứng ngay lập tức dù con chưa “nói ra mồm”. Chỉ cần con khóc, cha mẹ đã tự động lấy hết đồ chơi nọ đến đồ chơi kia. Chỉ cần nhìn theo ánh mắt của con, cha mẹ biết con cần gì, muốn mua gì. Việc đáp ứng mọi thứ tức thì của cha mẹ khiến con không cần sử dụng ngôn ngữ nên trẻ chậm nói, nói ngọng là lẽ đương nhiên.

Nhiều cha mẹ chủ quan cho rằng, trẻ nói ngọng là vô hại, lớn lên tật nói ngọng sẽ hết. Tuy nhiên, chuyên gia ngôn ngữ Vũ Ngọc Thương cho biết, nếu không được chữa thì càng lớn trẻ càng nói ngọng. Chữa ngọng tốt nhất cho trẻ từ 4 đến 5 tuổi, trước tuổi vào lớp 1. Đợi con đi học mới chữa ngọng cho con sẽ khiến con thua kém các bạn và bị ảnh hưởng tâm lý khi bị các bạn trêu chọc, không chơi cùng.

noi-ngong5.jpg
Chữa tật nói ngọng cho con, cha mẹ cần rất kiên trì và có phương pháp phù hợp. Ảnh: N.T.

Khi thấy con bị ngọng, cha mẹ nên cho trẻ đi khám để kiểm tra cấu tạo lưỡi, hàm, họng, răng trẻ có vấn đề gì không. Ngoài ra, cha mẹ lưu ý: Không để trẻ cho tay vào miệng, vì mút tay có thể góp phần tạo nên tật nói ngọng. Để giúp trẻ bỏ tật mút tay, hãy nhằm vào những lúc trẻ thích mút tay nhất, như khi xem tivi hoặc ngồi trên xe và đưa trẻ cầm một món đồ chơi trẻ thích nhất.

Cha mẹ cũng nên tạo cơ hội để bé được trò chuyện hàng ngày. Nói chuyện với cha mẹ không chỉ giúp bé tăng vốn từ vựng mà cha mẹ cũng biết bé thường phát âm sai những từ/cụm từ nào để kịp thời uốn nắn.

Việc dạy bé hát cũng là cách rèn luyện ngôn ngữ cho trẻ rất tốt. Quá trình bé bắt chước theo ngôn từ, giai điệu của bài hát sẽ giúp bé biết cách phát âm chuẩn. Bạn có thể chọn những bài hát đơn giản, hướng dẫn bé học thuộc từng đoạn nhỏ rồi ghép các đoạn lại với nhau. Nếu bé nói ngọng phần nào, bạn có thể lặp đi lặp lại phần đó nhiều lần để bé ghi nhớ và làm theo.

Dạy bé nói trước gương là phương pháp rất hữu ích với trẻ nói ngọng. Cha mẹ làm mẫu phát âm thật chậm, rõ ràng một số cụm từ như “Con muốn ăn cơm”, “Con thích uống sữa”… và hướng dẫn bé làm theo. Bé cũng có thể dễ dàng bắt chước cử động miệng của cha mẹ trong gương.

Chuyên gia ngôn ngữ Vũ Ngọc Thương chia sẻ việc sửa tật nói ngọng ở trẻ:

Một số địa chỉ chữa ngọng cho trẻ:

* Trung tâm Nghệ thuật Mr Thương, số 4 Yersin (Q.Hai Bà Trưng, Hà Nội) và 185 Chùa Láng (Q.Đống Đa, Hà Nội). ĐT: 0983527685 - 0936399940.

* Phòng khám Việt An 54C Trần Quốc Toản (bác sĩ Hạnh). 

* Khoa Phục hồi chức năng Bệnh viện ĐH Y; Bệnh viện Nhi TW.

* Trường mầm non Ngôi sao (32 ngõ 204 Trần Duy Hưng), cô Thanh, ĐT: 0904305766.

* Mức học phí dao động từ 150.000 đồng đến 500.000 đồng/buổi, mỗi khóa học kéo dài từ 10 đến 16 buổi.

 

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm