Trẻ sinh mổ dễ béo phì

20/03/2017 - 19:30
Theo nghiên cứu của các nhà khoa học Mỹ, trẻ được sinh mổ rất dễ bị béo phì so với anh/chị hoặc em ruột sinh thường. Ngoài ra, trẻ sinh mổ hay mắc các bệnh lý về đường hô hấp và khi trưởng thành dễ mắc nhiều bệnh khác.
Nhóm các nhà khoa học tại ĐH Harvard (Mỹ), đứng đầu là TS Jorge E. Chavarro, đã tiến hành nghiên cứu ở 22.068 trẻ được sinh từ 15.271 bà mẹ, trong đó có 4.921 trẻ sinh mổ (chiếm 22,3%), xem những đứa trẻ đó có bị béo phì vào tuổi thơ ấu và niên thiếu hay không? Kết quả cho thấy, so với trẻ sinh thường, trẻ sinh mổ tăng 15% nguy cơ bị béo phì sau này. Còn nếu so với anh, chị, em ruột được sinh thường thì trẻ sinh mổ tăng 64% nguy cơ béo phì vào tuổi thơ ấu và niên thiếu.
Theo nghiên cứu của các nhà khoa học, trẻ sinh mổ rất dễ bị béo phì và mắc nhiều bệnh khác
Ảnh minh họa
Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới về tỉ lệ mổ lấy thai thì tốt nhất chỉ nên dưới 15% và nếu không vì lý do y khoa thì không được mổ lấy thai trước 39 tuần. Tỉ lệ mổ lấy thai vượt trên 15% sẽ xảy ra nhiều tai biến hơn cho mẹ và con. Trong vòng 30 năm qua, số ca mổ lấy thai tiếp tục tăng cao trên thế giới, có nơi lên đến 70%. Riêng tại TPHCM, Hà Nội và một số thành phố lớn khác, tỉ lệ mổ lấy thai ở nhiều bệnh viện khoảng 40%. Xét về phương diện y khoa, mổ lấy thai có 2 loại: Mổ lấy thai lúc chưa chuyển dạ và mổ lúc đang chuyển dạ.

Mổ lấy thai trước khi chuyển dạ do nhiều nguyên nhân: Khung chậu của người mẹ bất thường như hẹp, méo; bị các khối u tiền đạo (khối u buồng trứng nằm sâu trong tiểu khung, u xơ tử cung ở thân hay ở cổ tử cung); nhau tiền đạo trung tâm. Bên cạnh đó, còn do tử cung có sẹo xấu, mẹ bị cao huyết áp, nhiễm độc thai nghén... Về phía thai nhi, có thể do thai bị suy dinh dưỡng nặng, bất đồng nhóm máu.

Còn mổ lấy thai khi đang chuyển dạ thường do mẹ bị chảy máu âm đạo, dọa vỡ tử cung, nhau bong non, sa dây rau, thai to, dây rau quấn cổ thai nhi, ngôi thai bất thường, thai già tháng, đa thai...
Nếu thai kỳ bình thường thì chị em nên cân nhắc kỹ trước khi mổ lấy thai
Hiện nay việc sinh mổ theo yêu cầu ở nhiều bệnh viện tại nước ta thường dễ dàng và tâm lý các bác sĩ cũng thích sinh mổ do đỡ mất thời gian theo dõi cuộc chuyển dạ dài để sinh thường (chỉ mất 20-30 phút thay vì khoảng 12 giờ). Trong khi đó, việc mổ lấy thai không vì lý do y khoa được xem là vi phạm y đức.

Vì thế, trẻ sinh mổ dễ bị béo phì và một số nguy cơ khác, gồm: Dễ bị hội chứng suy hô hấp cấp - là một trong những nguyên nhân gây tử vong; suy giảm khả năng miễn dịch hơn trẻ sinh thường - do phải mất 6 tháng mới có hệ vi khuẩn đường ruột như trẻ sinh thường.

Bên cạnh đó, khi mổ lấy thai, người mẹ cũng có nhiều nguy cơ như tai biến gây tê, gây mê, chảy máu, nhiễm trùng; tai biến trong khi phẫu thuật như tổn thương bàng quang, rách thêm vết mổ tử cung. Nếu có băng huyết thì phải cắt bỏ tử cung. Ngoài ra, sẹo mổ trên tử cung có thể bị nứt trong những thai kỳ sau; lạc nội mạc tử cung, dính ruột, tắc ruột, tăng nguy cơ nhau tiền đạo, nhau cài răng lược, nhau bong non, thai ngoài tử cung ở những lần mang thai sau. Vì thế, nếu thai kỳ bình thường thì chị em nên cân nhắc kỹ trước khi mổ lấy thai.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm