Trẻ từ 2-5 tuổi uống quá 600ml sữa/ngày sẽ cản trở khả năng hấp thu dinh dưỡng

Thảo Hương
30/07/2023 - 11:57
Trẻ từ 2-5 tuổi uống quá 600ml sữa/ngày sẽ cản trở khả năng hấp thu dinh dưỡng

Ảnh minh họa

Việc cho trẻ uống sữa quá mức có thể khiến trẻ đầy bụng, giảm sự thèm ăn, không còn hứng thú với bữa ăn.

Sữa rất giàu axit amin, nguyên tố vi lượng và canxi, đây là những chất không thể thiếu cho trẻ trong quá trình phát triển. Đối với trẻ trong độ tuổi mầm non, sữa đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển thể chất, trí tuệ của trẻ.

Nên dùng bao nhiêu sữa cho trẻ từ 1 đến 3 tuổi?

Hiện nay trên thị trường đồ uống có đa dạng các sản phẩm được quảng cáo là có hương vị thơm ngon và bổ dưỡng cho trẻ nhỏ, ví dụ như: nước trái cây, nước bổ sung chất điện giải, đồ uống lợi khuẩn... Tuy nhiên theo Viện Nhi khoa Hoa Kỳ (AAP), nước và sữa mới là hai loại đồ uống tốt nhất cho trẻ nhỏ.

Dưới đây là khuyến nghị lượng sữa cho bé theo tháng tuổi theo:

- AAP khuyến nghị lượng sữa cho bé trên 1 tuổi (từ 12 đến 24 tháng) nên trong khoảng 2-3 cốc (460-700ml) sữa nguyên kem mỗi ngày.

- Trẻ từ 2 đến 5 tuổi nên uống từ 2 đến 2,5 cốc (460-600ml) sữa ít béo hoặc sữa tách béo mỗi ngày.

Nếu trẻ uống quá nhiều sữa thì sao?

Theo bác sĩ Nguyễn Việt Thanh - bác sĩ chuyên ngành Nhi khoa, TP. Cà Mau cho biết: "Việc uống quá nhiều sữa bò có thể gây ra một số vấn đề sức khỏe ở trẻ. Có thể bị béo phì do quá nhiều calo từ sữa. Đặc biệt, nếu trẻ uống quá nhiều sữa nhưng không đủ các loại thực phẩm khác, bé có thể bị thiếu hụt sắt, vì sữa bò chứa ít sắt và cũng có thể ảnh hưởng đến việc hấp thụ sắt từ các nguồn khác.

Ngoài ra, một số trẻ có thể bị không dung nạp lactose, tức là không thể tiêu hóa đường lactose trong sữa, dẫn đến tiêu chảy, đau bụng và phát ban".

Mặt khác, việc tiêu thụ quá nhiều sữa có thể cản trở khả năng hấp thu các chất dinh dưỡng nhất định của trẻ. Ví dụ, quá nhiều canxi và casein (một loại protein trong sữa) có thể ngăn chặn sự hấp thụ sắt gây ra bệnh thiếu máu do thiếu sắt.

Vì sao mẹ nên chọn sữa không đường cho bé?

So với sữa có đường, loại sữa không đường có ưu điểm gì hơn?

- Ngay từ sơ sinh, trẻ đã làm quen với loại sữa ít ngọt, vị ngọt nhạt tự nhiên đó là sữa mẹ. Vì vậy, giai đoạn chuyển đổi giữa sữa mẹ với sữa công thức, sữa tươi, bé được làm quen với sữa không đường là hoàn toàn dễ dàng, dễ tiếp nhận.

- Bé uống sữa không đường, nhất là với các bé có thói quen uống sữa vào ban đêm, cũng giảm hẳn được nguy cơ sâu răng do đường giữ lại trong vòm miệng.

- Tập cho bé làm quen với sữa không đường ngay từ ban đầu sẽ giúp bé làm quen tốt hơn với chế độ ăn uống ít ngọt. Nó rất tốt cho sức khỏe và thói quen sống cả về hiện tại và lâu dài của bé.

Những điều cần chú ý trong quá trình phát triển của trẻ

Trẻ cần nhiều chất dinh dưỡng để phát triển chứ không chỉ mỗi việc uống sữa. Bữa ăn của trẻ cần đa dạng gồm thịt, rau, trái cây và chất đạm cần được bổ sung với một lượng phù hợp. Đồ ăn vặt không có dinh dưỡng cần hạn chế cho trẻ ăn, bởi dạ dày của trẻ lúc này rất mỏng manh.

Để thúc đẩy chiều cao tăng nhanh, việc tăng cường cho trẻ vận động là điều không thể thiếu. Trẻ em có nhiều năng lượng, chúng cần chơi và hoạt động ngoài trời.

Ánh nắng mặt trời tự nhiên rất tốt cho trẻ em, tiếp xúc thường xuyên có lợi cho việc thúc đẩy sự hấp thu canxi và tăng cường thể chất. Quan trọng nhất là phải cho trẻ ngủ đủ giấc, tránh thức khuya, trẻ ngủ đủ giấc mới có thể tăng trưởng tốt.

Uống sữa có thể thúc đẩy sự phát triển chiều cao của trẻ nhưng cha mẹ cũng nên chú ý đến lượng phù hợp và thể chất của con mình. Một số trẻ có lá lách và dạ dày yếu, không dung nạp được đường lactose, cần chọn sữa phù hợp.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm