Trẻ tử vong vì thói quen lắc, tung hứng của người lớn

01/12/2016 - 07:32
Nhiều người thân hay đùa, nựng trẻ quá mức, bằng cách bế, rồi tung trẻ lên xuống hoặc lắc mạnh. Thói quen này dễ khiến trẻ bị hội chứng SBS, thậm chí tử vong.
Một trong những trường hợp mắc SBS, được đưa vào cấp cứu tại Bệnh viện Chicago (Mỹ) đã không qua khỏi, đó là bé gái 6 tháng tuổi tên Kimberlin West. Bé gái này hay khóc nên bà cháu là Janet Gorre thường xuyên bế lắc cháu, đôi khi còn khiến đầu bé va vào thành giường. Điều này khiến cháu bé bị vỡ mạch máu và chỉ sống được 3 năm trong tình trạng bị mù lòa. Đây là bài học đau lòng cho các bậc cha mẹ chỉ vì thiếu kiến thức chăm sóc trẻ ngay sau khi lọt lòng.

Hội chứng SBS (Shaken Baby Syndrome) là tình trạng trẻ bị lắc mạnh bởi một người khác, nhất là khi vừa lắc mạnh, lại va đập đầu trẻ vào giường, đệm hay mặt phẳng nào đó. SBS còn có tên gọi khác là chấn thương não do lắc mạnh hay Hội chứng trẻ bị lắc gây chấn thương cổ.

Cụ thể hơn, người thân hay đùa nựng trẻ quá mức, bằng cách bế hay tung trẻ lên xuống, lắc mạnh. Lực tác động quá mạnh làm tổn thương não, phát sinh tình trạng chậm phát triển thần kinh.
1.jpg
Rung lắc quá mạnh có thể khiến trẻ tử vong
Do non nớt nên khi bị lắc mạnh, đầu và cổ trẻ không đủ sức chịu đựng nên não bị tác động, di chuyển trong hộp sọ, khi lực gia tốc đang tăng và dừng lại đột ngột sẽ làm cho não bị "xoắn" hoặc bị dồn ép, mạch máu và dây thần kinh trong hộp sọ bị tổn thương. Thậm chí có trường hợp gây xuất huyết não, nhũn não, ảnh hưởng đến phát triển ngôn ngữ, gây run rẩy, co giật, giảm thị lực, làm chảy máu não và gây mù lòa.

Theo nghiên cứu của các chuyên gia BV Chicago (Mỹ), tại quốc gia này, có khoảng 60% người lớn có thói quen trên. Riêng tại Mỹ, mỗi năm có khoảng 50.000 ca mắc SBS, ít nhất 7.500-15.000 ca tử vong, thường xuất hiện ở nhóm trẻ dưới 6 tháng tuổi. Tuy nhiên cũng có trường hợp xuất hiện ở nhóm trẻ lớn hơn, nhất là căn bệnh chấn thương não ở nhóm dưới 1 tuổi. Theo nghiên cứu của các nhà khoa học, có tới 25% trẻ bị SBS thường tử vong nếu bị lắc mạnh từ 2 đến 3 giây, gây chảy máu não và làm tổn thương tế bào não; 20-30% số ca SBS thường rơi vào nhóm 6 tuần đến 4 tháng tuổi. Chấn thương hộp sọ được xem là một trong những hệ lụy nghiêm trọng nhất của hội chứng SBS.

Theo Hiệp Hội thần kinh Mỹ, lắc trẻ dù mạnh hay nhẹ, không hay thường xuyên cũng được xem là tạo ra những hiệu ứng tiêu cực đến sức khỏe. Trước tiên, trẻ có thể bị tổn thương hộp sọ, chấn thương mạch máu trong não và gây chảy máu dưới hốc mắt, trong hộp sọ.

Không chỉ ở Mỹ, tại Việt Nam, nhiều người lớn cũng có thói quen tung trẻ lên rồi đỡ, hay bế trẻ rồi quay vòng… Điều này dễ gây nguy hiểm cho bé. Do đó, các bậc phụ huynh không nên đùa giỡn, nựng trẻ quá mức, để hạn chế rủi ro ảnh hưởng tới sức khỏe, tương lai của trẻ.

Năm 1997, một người trông trẻ ở Anh tên là Louise Wodwand bị buộc tội bức tử một đứa trẻ tên là Mathew Eappen, do bé mắc SBS từ hành động của Louise Wodwand. Ngoài ra, tháng 1/1999, một người Australia tên là Louise Sullvan cũng bị tuyên án về tội danh tương tự, vì làm cho bé gái 6 tháng tuổi thiệt mạng do hội chứng SBS.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm