Trẻ viêm khớp không điều trị kịp thời dễ bị biến dạng khớp

29/03/2017 - 23:42
Nếu tình trạng trẻ bị đau, nhức mỏi xương khớp tái diễn, dai dẳng thì các bậc cha mẹ cần cho con đi khám để bác sĩ sớm xác định nguyên nhân và điều trị kịp thời.
Con bị viêm khớp, bố mẹ tưởng thiếu canxi

2 chân tập tễnh, đầu gối sưng tấy khiến việc đi lại của bé T.N.M, 7 tuổi, ở tỉnh Sơn La, gặp nhiều khó khăn. Ở nhà, ngoài việc học, cháu không thể làm được gì để giúp bố mẹ. Tới lớp, trong khi các bạn vui đùa, M. chỉ biết ngồi một chỗ nhìn xem. Đôi chân của M. thường đau nhức, nhất là thời điểm chuyển mùa.

Khi đi học lớp 1, chân của M. có biểu hiện đau nhức nhưng không ai nghĩ ở tuổi của M. có thể mắc bệnh xương khớp. Nhiều người bảo, M. bị thiếu canxi vì bé đang ở giai đoạn phát triển chiều cao, chỉ cần bổ sung canxi một thời gian là đỡ. Lúc này, bố mẹ không đưa M. đi khám mà mua canxi cho con sử dụng. Tuy nhiên, tình trạng đau nhức không đỡ mà đầu gối của M. còn sưng tấy, khiến việc đi lại, sinh hoạt gặp khó khăn. Bố mẹ quyết định đưa M. xuống Bệnh viện (BV) Nhi Trung ương kiểm tra khi bệnh tình đã khá nặng. Sau khi thăm khám, chụp chiếu, các bác sĩ kết luận M. bị viêm khớp.
viem-khop-o-tre-emjpg2_.jpg
Vì chủ quan nên người lớn luôn nghĩ, trẻ em không bị viêm khớp.
Ảnh minh họa: internet
PGS.TS Lê Thị Minh Hương, Phó Giám đốc BV Nhi Trung ương, Trưởng khoa Miễn dịch-Dị ứng-Khớp của BV, cho biết, sau khi đã xác định được bệnh tình, bệnh nhi M. được điều trị bằng biện pháp vật lý trị liệu, dùng thuốc và có thể phải điều trị ngoại khoa. Tuy nhiên, quá trình điều trị lâu dài, cần tuân thủ đúng cách để bệnh sớm bình phục.

Cũng theo TS Lê Thị Minh Hương, BV Nhi Trung ương hằng ngày khám và điều trị cho nhiều trẻ bị bệnh cơ xương khớp vì các nguyên nhân khác nhau: Từ đau mỏi xương khớp do đang trong độ tuổi phát triển, viêm khớp cấp tính vì vi khuẩn, lao, viêm sau chấn thương... cho đến những bệnh khớp mạn tính do một số rối loạn miễn dịch hoặc giai đoạn đầu của bệnh bạch cầu cấp.

Coi chừng biến dạng khớp

Một trong những bệnh khớp mạn tính thường gặp ở tuổi học đường là bệnh viêm khớp tự phát thiếu niên. Bệnh này thuộc nhóm bệnh tự miễn, được định nghĩa là tình trạng viêm khớp mạn tính kéo dài ít nhất 6 tuần, khởi phát bệnh trước 16 tuổi. Bệnh thường khởi phát sau khi nhiễm virus hoặc nhiễm khuẩn (Chlamydia mycoplasma, Streptococcus, Salmonella, Shigella). Bệnh này không hiếm gặp nhưng rất ít cha mẹ hiểu rõ nên đa số trẻ thường được đưa đến chuyên khoa khám muộn. Không ít trường hợp trước khi đến BV đã đi khám, chữa hàng năm trời ở nhiều nơi nhưng không thể phát hiện bệnh, dẫn tới bệnh tiến triển nặng, biến dạng khớp và nhiều biến chứng khác gây ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của trẻ.

Trẻ em khi mắc bệnh khớp rất hay bị bỏ qua vì người lớn thường quan niệm trẻ không bị bệnh khớp mà chỉ có người già mới mắc bệnh này. Do đó, các dấu hiệu đau nhức, mỏi, sưng tấy đỏ... tại vị trí các khớp rất dễ bị xem nhẹ. Khi trẻ có các triệu chứng như sốt, mệt mỏi, đau nhức cơ toàn thân và các triệu chứng này không giảm nếu dùng kháng sinh liều thông thường; hay trẻ có thể bị nổi ban đỏ ở thân mình và các gốc chi, sau đó các mẩn đỏ này mất rất nhanh... thì cha mẹ cần đưa bé đi khám.
anh-viem-khop.jpg
Khi trẻ mắc bệnh, bệnh nhi cần được khám và điều trị kịp thời bởi bác sĩ chuyên khoa khớp, tránh bệnh tiến triển nặng, gây nguy hiểm
Ảnh minh họa:internet
“Triệu chứng viêm khớp có thể xảy ra ngay từ đầu hay sau vài ngày, trẻ có thể bị sưng đau một vài hoặc nhiều khớp như khớp cổ tay, khớp gối, khớp háng, mắt cá chân... Nơi khớp sưng thấy phù nề, sờ ấm nhưng không đỏ và ít đau. Khi sụn khớp đã bị dính và xơ thì khớp trở nên cứng và hạn chế sự vận động, kèm theo các cơ ở chi đó bị teo. Ngoài các triệu chứng ở khớp, trẻ có thể bị sốt cao, phát ban, hạch to, viêm thanh mạc, viêm màng phổi...”, TS Lê Thị Minh Hương cho biết thêm.

Khi mắc bệnh, bệnh nhi cần được khám và điều trị bởi bác sĩ chuyên khoa khớp, vì có thể trẻ bị thể bệnh nặng sẽ rất nguy hiểm. Mục đích của điều trị là kiểm soát tiến triển của bệnh càng sớm càng tốt, nhằm hạn chế đến mức tối đa những thương tổn gây phá hủy và biến dạng khớp. Trong một vài trường hợp nghiêm trọng, có thể phải thực hiện phẫu thuật để thay các khớp hoặc làm dài các dây cơ bị biến dạng.

“Nếu phát hiện và điều trị kịp thời, hầu hết bệnh nhi thường khỏi viêm khớp trong vòng một vài năm mà không để lại dị tật. Một số rất ít các bé khác lại tiếp tục phát triển một dạng viêm khớp của người lớn. Phụ huynh cần khuyến khích trẻ có một cuộc sống năng động, tập các môn thể dục thể thao phù hợp, đều đặn như đi bộ, bơi lội, đạp xe, nhằm tránh cứng khớp, khỏe cơ bắp và tăng sức đề kháng. Bổ sung chế độ ăn giàu canxi và đầy đủ vitamine, vi lượng, đồng thời kiểm soát cân nặng cũng góp phần hạn chế trẻ bị khớp”. TS Lê Thị Minh Hương, Phó Giám đốc BV Nhi Trung ương.

 

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm