Trên 16.500 trẻ chào đời trong dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ

Bích Thủy
02/02/2025 - 21:37
Trên 16.500 trẻ chào đời trong dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ

Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan thăm bác sỹ, nhân viên y tế trực Tết, chúc mừng “công dân nhí” chào đời đêm Giao thừa tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương. (Nguồn: Bộ Y tế)

Trong thời gian từ ngày 25/1 đến 2/2 (tức 26 tháng Chạp đến mùng 5 Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025), các bệnh viện, cơ sở y tế đã đỡ đẻ, mổ đẻ thành công đón 16.518 trẻ chào đời.

Ngày 2/2, thông tin từ Bộ Y tế cho biết trong dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, các cơ sở khám, chữa bệnh đảm bảo thực hiện thường trực 4 cấp gồm: Trực lãnh đạo, xử lý thông tin đường dây nóng, trực chuyên môn và trực hành chính, hậu cần, trực bảo vệ, tự vệ tại cơ sở; tổ chức tốt việc cấp cứu, khám chữa bệnh cho người bệnh; dự trữ đủ thuốc, máu, dịch truyền và các phương tiện, thiết bị cần thiết phục vụ cấp cứu. Đồng thời sẵn sàng thu dung người bệnh trong trường hợp dịch bệnh xảy ra.

Trong thời gian từ ngày 25/1-2/2 (tức 26 tháng Chạp đến mùng 5 Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025), các bệnh viện đã thực hiện khám, cấp cứu cho 549.997 lượt người bệnh; có 194.985 người bệnh nhập viện, điều trị nội trú; thực hiện 18.929 ca phẫu thuật (trong đó có 3.301 ca phẫu thuật cấp cứu do tai nạn).

Các cơ sở y tế đã đỡ đẻ, mổ đẻ thành công đón 16.518 trẻ chào đời; số người bệnh được điều trị khỏi bệnh, ra viện là 200.084 người.

Tính đến sáng 2/2, tổng số bệnh nhân đang điều trị tại các cơ sở khám chữa bệnh là 131.615 người.

Theo Bộ Y tế, trong 24 giờ qua (tính từ 7 giờ ngày 1/2 đến 7 giờ ngày 2/2), cả nước ghi nhận 3.783 lượt khám, cấp cứu tai nạn nghi liên quan đến giao thông, nâng tổng số ca khám, cấp cứu nghi liên quan đến tai nạn giao thông lên 24.122 ca khám, cấp cứu nghi liên quan đến tai nạn giao thông; 9.818 lượt người bệnh nghi liên quan đến tai nạn giao thông phải nhập viện điều trị nội trú, theo dõi; 2.538 người chuyển viện.

Tổng số ca tử vong nghi do tai nạn giao thông là 160 người, trong đó tử vong trước khi đến cơ sở khám, chữa bệnh là 66 người, tử vong tại cơ sở khám, chữa bệnh là 39 người và tiên lượng tử vong xin về là 55 người.

Số người bệnh nghi do tai nạn giao thông đang điều trị tại cơ sở khám, chữa bệnh tính đến sáng 2/2 là 5.124 người.

Trên 16.500 trẻ chào đời trong dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ- Ảnh 1.

Trong 8 ngày nghỉ Tết, các cơ sở y tế đã thực hiện phẫu thuật cho 19.262 ca, trong đó phẫu thuật cấp cứu do tai nạn là 3.275 ca. (Ảnh: Minh Quyết/TTXVN)

Về tai nạn do pháo nổ, vũ khí, vật liệu nổ, trong kỳ nghỉ Tết đã ghi nhận 481 trường hợp khám, cấp cứu do pháo nổ, pháo hoa; 48 trường hợp khám, cấp cứu tai nạn do vũ khí, vật liệu nổ tự chế; chưa ghi nhận ca tử vong.

So với cùng kỳ Tết Giáp Thìn 2024, số ca khám cấp cứu nghi do tai nạn giao thông giảm 11%, số ca tử vong nghi do tai nạn giao thông giảm 28,9%; số ca khám, cấp cứu nghi do tai nạn pháo nổ, pháo hoa giảm 24,2%; số ca khám, cấp cứu tai nạn nghi do vũ khí, vật liệu nổ tự chế giảm 50,5%.

Cũng trong dịp nghỉ Tết, các cơ sở y tế đã đã ghi nhận 711 người khám, cấp cứu do rối loạn tiêu hóa, ngộ độc thức ăn tự chế biến, say bia, rượu, trong đó có 444 người phải nhập viện theo dõi, điều trị; chưa ghi nhận ca tử vong.

Về tình hình ngộ độc thực phẩm, Bộ Y tế cho biết, theo báo cáo và kết quả giám sát an toàn thực phẩm, phòng, chống ngộ độc thực phẩm của các đơn vị trên toàn quốc cho thấy từ ngày 25/1 đến 11 giờ ngày 2/2 chưa ghi nhận vụ ngộ độc thực phẩm đông người mắc, chỉ có một số trường hợp rối loạn tiêu hóa đơn lẻ nghi ngờ ngộ độc thực phẩm được ghi nhận và báo cáo theo hệ thống các cơ sở điều trị trên toàn quốc.

Bộ Y tế đã chỉ đạo tăng cường công tác kiểm tra liên ngành an toàn thực phẩm, chú trọng kiểm soát những đầu mối sản xuất, nhập khẩu, chợ đầu mối, trung tâm thương mại, siêu thị, chợ truyền thống, cơ sở giết mổ, vận chuyển thực phẩm; kiểm soát chặt hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng không bảo đảm chất lượng, hết hạn sử dụng, không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Đồng thời thành lập các Đoàn kiểm tra liên ngành Trung ương, gồm: Đoàn số 1: Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế chủ trì kiểm tra tại 2 tỉnh Lạng Sơn và tỉnh Thái Nguyên; Đoàn số 2: Thanh tra Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì kiểm tra tại tỉnh Trà Vinh và tỉnh Sóc Trăng; Đoàn số 3: Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì kiểm tra tại tỉnh Vĩnh Phúc và tỉnh Phú Thọ; Đoàn số 4: Tổng Cục Quản lý thị trường, Bộ Công Thương chủ trì kiểm tra tại thành phố Hà Nội và tỉnh Hải Dương; Đoàn số 5: Vụ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công Thương chủ trì kiểm tra tại Thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Đồng Nai.

Trong công tác đảm bảo cung ứng thuốc, các cơ sở y tế đã chuẩn bị đầy đủ thuốc phục vụ khám bệnh, chữa bệnh và phòng, chống dịch bệnh.

Đến thời điểm 9 giờ ngày 2/2, Bộ Y tế không nhận được phản ánh về việc thiếu thuốc, tăng giá thuốc và chất lượng thuốc phục vụ công tác khám, chữa bệnh cho nhân dân.

Về tình hình dịch bệnh, theo báo cáo của các Viện Vệ sinh dịch tễ, Viện Pasteur, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật/Kiểm dịch Y tế quốc tế tỉnh, thành phố cho thấy, tính từ 12 giờ ngày 25/1-2/2, cả nước ghi nhận 403 trường hợp mắc sốt xuất huyết, không có ca tử vong; tay chân miệng ghi nhận 155 trường hợp mắc, không có ca tử vong; sởi ghi nhận 1.562 trường hợp sốt phát ban nghi sởi, không có ca tử vong; ho gà có 1 trường hợp mắc được ghi nhận bổ sung của 8 ngày trước đó; bạch hầu chưa ghi nhận trường hợp mắc.

Các đơn vị cũng chưa ghi nhận ổ dịch, chùm ca bệnh truyền nhiễm nguy hiểm lây lan trong cộng đồng.

Nguồn: VNP
Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm