Trên 99% hàng Trung Quốc được bày bán tại siêu thị kiểu Nhật, Hàn

18/07/2018 - 15:52
Chuỗi bán lẻ Miniso tại Việt Nam được dư luận đặt câu hỏi về xuất xứ của Miniso đến từ Trung Quốc hay Nhật Bản? Trên sản phẩm của Miniso có dòng chữ được quảng cáo là “Japanese designer brand” (Thương hiệu được thiết kế từ Nhật Bản). Tuy nhiên, đằng sau nhãn mác Nhật thì hầu hết hàng hóa đều được ghi “sản xuất tại Trung Quốc”.
photo-1-1531505514113900259574.jpg
Bộ Công Thương Việt Nam vừa công bố kết quả kiểm tra tại Công ty bán lẻ Mumuso với 99,3% hàng hóa Trung Quốc. Ảnh minh họa

 

Người tiêu dùng “ngã ngửa” vì bị lừa
 
Mới đây, Bộ Công Thương vừa công bố kết quả kiểm tra tại Công ty bán lẻ Mumuso với 99,3% hàng hóa Trung Quốc, không có sản phẩm từ Hàn Quốc như hệ thống này quảng cáo. Mumuso được biết đến là một trong những chuỗi cửa hàng bán lẻ với những sản phẩm làm đẹp, chăm sóc sức khỏe, phụ kiện thời trang, văn phòng... “gắn mác” Hàn Quốc.
 
Công bố mới đây của Bộ Công thương khiến người tiêu dùng “ngã ngửa” khi biết, ngoài việc bán hàng theo phong cách Hàn Quốc thì Mumuso hầu như không có gì liên quan đến Hàn Quốc.
 
Chị Lê Thu Hằng (Gia Lâm, Hà Nội) cho biết: “Mình thấy sản phẩm của Mumuso rẻ nên ban đầu cũng nghi ngờ là sao hàng Hàn Quốc mà lại rẻ thế. Sau thấy phía đáy sản phẩm ghi sản xuất ở Trung Quốc, mình nghĩ có thể đây là hàng “loại 2”, không sản xuất ở nước sở tại nhưng vẫn theo công nghệ Hàn Quốc. Nào ngờ...”.
 
Ông Nhâm Phi Khanh - Giám đốc Mumuso Việt Nam trả lời báo chí, Mumuso đăng ký bảo hộ thương hiệu và có giấy phép đăng ký kinh doanh thương hiệu này ở Hàn Quốc. Tuy nhiên, để giảm chi phí sản xuất, tiến tới giảm giá thành sản phẩm, hàng Mumuso được sản xuất tại Trung Quốc.
 
mumuso-trang-15.jpg
Một cửa hàng mang thương hiệu Mumuso

 

Tuy nhiên, trong phóng sự của mình, phóng viên Đài SBS (Hàn Quốc) phản ánh họ không thể tìm ra trụ sở của Mumuso tại Hàn Quốc khi đến địa chỉ in trên bao bì sản phẩm. Trả lời vấn đề này, ông Khanh cho biết, tháng 8/2017, Mumuso đã chuyển trụ sở tại Hàn Quốc và địa chỉ ghi trên bao bì mà phóng viên tìm đến là địa chỉ cũ của công ty.
 
Dù sự “nhập nhèm” này được người tiêu dùng phản ánh nhiều nhưng hầu như cơ quan chức năng vẫn không có động thái nào quyết liệt cho đến khi Bộ Công thương Hàn Quốc thông tin, Mumuso không có hoạt động kinh doanh tại Hàn Quốc và không có bất kỳ cửa hàng bán lẻ nào tại quốc gia này. Ngay sau đó, Bộ Công Thương Việt Nam mới công bố kết quả kiểm tra trên.
 
Sau kết luận này, người tiêu dùng cho rằng, không chỉ Mumuso mà nhiều thương hiệu khác như Miniso, Daiso, Yoyoso, Minigood... cũng tràn ngập hàng Trung Quốc nhưng nhận diện thương hiệu lại rất giống hàng Nhật, Hàn.
 
Chuỗi bán lẻ Miniso tại Việt Nam được dư luận đặt câu hỏi về xuất xứ của Miniso đến từ Trung Quốc hay Nhật Bản? Trên sản phẩm của Miniso có dòng chữ được quảng cáo là “Japanese designer brand” (Thương hiệu được thiết kế từ Nhật Bản). Tuy nhiên, đằng sau nhãn mác Nhật thì hầu hết hàng hóa đều được ghi “sản xuất tại Trung Quốc”.
 
Giám đốc Miniso tại Việt Nam cũng giải thích, thương hiệu này có trụ sở đặt tại Tokyo (Nhật Bản) nhưng 80% hàng Miniso được sản xuất ở Trung Quốc. Hay như Daiso cũng được biết đến là chuỗi bán lẻ bán nhiều hàng Nhật tại Việt Nam. Trên các sản phẩm tại Daiso đều ghi một dòng chữ “Daiso Japan” (Sản phẩm Nhật Bản) nhưng sản phẩm lại được sản xuất tại Trung Quốc.
 
Các sản phẩm này có điểm giống nhau là có nhiều dòng chữ bằng tiếng Anh, tiếng Nhật, Hàn, chỉ có một dòng chữ rất nhỏ bằng tiếng Việt. Ngoài ra, trang web của các công ty bán lẻ này cũng được thiết kế với giao diện bằng tiếng nước ngoài (Hàn và Nhật).
 
Mập mờ thương hiệu sẽ “giết chết” doanh nghiệp chân chính
 
Theo chuyên gia bán lẻ Vũ Vinh Phú - nguyên Phó Giám đốc Sở Thương mại Hà Nội, ưu thế của những thương hiệu trên là sản phẩm đa dạng, mẫu mã đẹp, giá cả hợp lý, đi kèm với một chiêu marketing hiệu quả - đó là việc mập mờ thương hiệu. “Mumuso hay Miniso đều nắm được điểm yếu của người tiêu dùng Việt Nam, nhất là người trẻ: Thích mới, thích đẹp, thích hàng có thương hiệu".
 
Điều đáng nói, trên biển hiệu, nhãn mác của họ chi chít tiếng Nhật, tiếng Hàn, ngay cả phần giới thiệu cũng ghi “thương hiệu bán lẻ hàng tiêu dùng phong cách thời trang Hàn Quốc” hay “trải nghiệm thú vị mua sắm với các mặt hàng chất lượng, theo đúng tiêu chuẩn Nhật Bản”...
 
Theo ông Vũ Vinh Phú, chúng ta không nên có tâm lý quay lưng với sản phẩm Trung Quốc bởi thực tế, nhiều sản phẩm của Trung Quốc chất lượng rất tốt. Tuy nhiên, doanh nghiệp cần minh bạch rõ ràng, hàng Trung Quốc thì nói là Trung Quốc, hàng Nhật Bản thì nói là Nhật Bản, không nên mập mờ thương hiệu.
 
Nếu các thương hiệu này không làm ăn tử tế, công bằng, sẽ gây ra một sự xáo trộn ở thị trường Việt Nam, doanh nghiệp làm ăn nghiêm chỉnh sẽ bị dìm chết bởi sự thiếu công khai, minh bạch của những doanh nghiệp khác.
 
Vì thế, hơn lúc nào hết, các cơ quan quản lý nhà nước cần tăng cường quản lý, kiểm tra, phải chịu trách nhiệm về sự công bằng này ở thị trường Việt Nam. Việt Nam đã tiến tới kinh tế thị trường, tức là phải minh bạch, minh bạch về thuế, minh bạch về đạo đức, văn hóa kinh doanh.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm