pnvnonline@phunuvietnam.vn
Triển lãm trải nghiệm tương tác giác quan cảnh báo hiểm họa từ vi nhựa
Tại buổi triển lãm, người tham quan sẽ được hóa thân thành các nghiên cứu sinh, đi qua các trạm không gian
"Trạm nghiên cứu Xanh" sẽ là nơi mọi khách tham quan được hóa thân thành những học viên của viện nghiên cứu khoa học, tìm hiểu về thực trạng ô nhiễm rác thải nhựa hiện nay, tìm ra giải pháp thay thế thiết thực, hướng đến lối sống xanh bền vững và bảo vệ sức khoẻ của chính mình.
Sự kiện này thuộc chiến dịch "Nhân nhựa", một phần của dự án COMPOSE - "Xây dựng Hệ thống quan sát Chất thải nhựa trong Xã hội và Môi trường" do Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam khởi xướng với mục tiêu xây dựng một hệ thống quan trắc sự chuyển động về mặt xã hội và môi trường của nhựa tại Việt Nam, để đưa ra những dữ liệu đáng tin cậy và các kiến thức khoa học cho phép phổ biến những thông tin có thể được kiểm chứng nhằm nâng cao nhận thức và góp phần vào các chính sách công giảm thiểu ô nhiễm nhựa.
"Trạm nghiên cứu Xanh" với các không gian trải nghiệm với hàng loạt các hoạt động thú vị như:Tại buổi triển lãm, người tham quan sẽ được hóa thân thành các nghiên cứu sinh, đi qua các trạm không gian như: Trạm cảm nhận, Trạm X-quang, Trạm nghiên cứu, Trạm cảnh báo, Trạm hoán đổi... Ngoài ra, tại đây còn có những gian hàng bán những sản phẩm thân thiện với môi trường.
Theo CHANGE (Trung tâm Hành động và Liên kết vì Môi trường và Phát triển) cho biết, hiện vi nhựa đã xâm nhập vào chuỗi thức ăn của các loài sinh vật biển vậy nên không tránh khỏi khả năng nhựa cũng có mặt trong thực đơn của mỗi người. Bằng chứng là trong nước uống và sinh hoạt hằng ngày, mỗi người đang hấp thu 1.769 tinh thể nhựa.
Ngoài ra, mỗi khi ăn cá tôm chúng ta lại nạp thêm vào cơ thể 182 tinh thể nhựa. Thông tin gây lo ngại hơn nữa là vi nhựa đã được phát hiện trong nhau thai (rau thai) người, chúng có thể làm thay đổi hàng loạt sự phát triển của tế bào trong nhau thai như cơ chế miễn dịch trong thai kỳ, các nhân tố báo hiệu phát triển. Một khi các độc chất trong nhựa xâm nhập cơ thể, chúng sẽ can thiệp vào những quá trình sinh học thiết yếu, gây tổn hại gan hoặc làm thay đổi hóc-môn. Điều đó có thể gây ảnh hưởng đến khả năng vận động, sinh sản, phát triển và thúc đẩy các tế bào ung thư. Việc tiêu dùng quá mức và xả thải rác nhựa, thông qua các số liệu khoa học đã cho thấy nguy cơ ảnh hưởng của chúng không chỉ đến môi trường sống mà còn là sự sống của các loài sinh vật biển và sức khỏe của chính mỗi người.
Triển lãm diễn ra tại Vạn Hạnh Mall - số 11 Sư Vạn Hạnh, Phường 12, Quận 10, Tp.HCM.
Đến nay, thế giới đã sản xuất ra 8,3 tỉ tấn nhựa, trong đó có 6,3 tỷ tấn là rác thải nhựa, và chỉ có 9% rác thải nhựa được tái chế, 12% rác thải nhựa được đốt và 79% còn lại tồn tại trong môi trường tự nhiên, bao gồm cả môi trường biển.
Hằng năm thế giới thải ra môi trường trung bình khoảng 300 triệu tấn rác thải nhựa, trong đó có khoảng 8 triệu tấn bị thải ra biển. Tổ chức Bảo vệ môi trường biển Ocean Conservancy còn dự báo là tới năm 2025, cứ 3 tấn cá sẽ có 1 tấn rác thải nhựa. Dự báo năm 2050 sẽ có hơn 12 tỷ tấn rác thải nhựa được chôn lấp hoặc xả thẳng ra đại dương.
Việt Nam đứng top 4 trong quốc gia xả rác thải nhựa nhiều nhất trên toàn thế giới với 1.8 triệu tấn rác thải, trung bình mỗi người Việt Nam tiêu thụ 41.3 kg nhựa/năm, nhưng chỉ 27% trong số đó được tái chế. Việt Nam cũng đang đối mặt với nguy cơ trở thành bãi tập kết rác toàn cầu với lượng rác thải nhựa tăng đến 200%.
Microplastics (Vi nhựa) được hiểu là những miếng nhựa rất nhỏ có chiều dài dưới 5 mm, có thể nhìn bằng mắt thường và gây ra tác động tiêu cực đến đại dương, sinh vật dưới nước cũng như môi trường.