pnvnonline@phunuvietnam.vn
Triển vọng vaccine ngừa Covid-19 dạng xịt
Vaccine dạng xịt đang được nhiều hãng dược trên thế giới nghiên cứu, phát triển
Vaccine ngừa Covid-19 dạng xịt đầu tiên được đăng ký
Mới đây, đầu tháng 4/2022, Bộ Y tế Nga đã công bố loại vaccine ngừa Covid-19 dạng xịt, do Viện Nghiên cứu Dịch tễ và Vi sinh vật Gamaleya phát triển dựa trên vaccine Sputnik V. Theo Viện Gamaleya, vaccine dạng xịt Sputnik chứa hai thành phần dựa trên virus vec-tơ Adeno loại 5 (Ad5) và 16 (Ad15). Vaccine dạng xịt của Sputnik được dùng để phòng ngừa Covid-19 cho những người trên 18 tuổi, bao gồm cả người từ 60 tuổi trở lên với 2 liều, khoảng cách giữa 2 liều là 3 tuần. Sau khi sử dụng, vaccine dạng này sẽ tạo ra miễn dịch niêm mạc chống lại virus SARS-CoV-2 trong đường hô hấp.
Trước đó, Trung tâm Kỹ thuật Di truyền và Công nghệ Sinh học (CIGB) của Cuba đã thử nghiệm và đánh giá hiệu quả của vaccine dạng xịt Mambisa. Đây là vaccine đường mũi duy nhất trên thế giới được phát triển thông qua kỹ thuật di truyền, sử dụng một loại protein tái tổ hợp với độ tinh khiết hơn 99%. CIGB cho biết, các thử nghiệm lâm sàng đã chứng minh vaccine Mambia có khả năng phản ứng miễn dịch niêm mạc cao chống lại virus SARS-CoV-2. Do đó, có thể ngăn ngừa hiệu quả sự lây truyền của virus và cung cấp một mức độ miễn dịch nhất định. CIGB cũng đã đề nghị cơ quan y tế quốc gia cấp phép sử dụng khẩn cấp "như một liều tăng cường" cho vaccine Mambisa.
Tại Việt Nam, Viện Pasteur Nha Trang đang tuyển tình nguyện viên thử nghiệm vaccine Covid-19 dạng xịt. Được biết, vaccine Viện Pasteur Nha Trang đang thử nghiệm do Đại học Hong Kong, Đại học Hạ Môn phối hợp Công ty Dược phẩm sinh học Wantai Bắc Kinh (Trung Quốc) nghiên cứu, phát triển. Loại vaccine này sản xuất theo công nghệ vector virus, đã thử nghiệm giai đoạn 1 và 2, chứng minh được tính an toàn, khả năng sinh miễn dịch; thử nghiệm giai đoạn 3 tại Việt Nam, Colombia, Philippines, Nam Phi, Indonesia.
Thêm lựa chọn cho người sợ tiêm
Theo các chuyên gia của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Covid-19 chủ yếu lây nhiễm thông qua lớp niêm mạc mũi, miệng, cổ họng rồi tấn công phổi. Các loại vaccine hiện tại được tiêm bắp, giúp sinh kháng thể trong máu và mô. Kháng thể sau đó mới di chuyển đến lớp niêm mạc. Nếu xịt vaccine trực tiếp vào mũi hoặc họng có thể giúp ngăn ngừa virus một cách nhanh chóng hơn, đồng thời hiệu quả chặn đứng lây nhiễm ngay từ đầu.
Hơn nữa, vaccine Covid-19 được tiêm ở bắp tay thường yêu cầu bảo quản lạnh và nhân viên y tế phải được đào tạo để tiêm cho người dân. Trong khi đó, vaccine dạng xịt có thể được sử dụng thông qua các thiết bị dùng 1 lần mà không cần nhân viên được đào tạo. Điều này giúp chiến dịch tiêm chủng đại trà có thể triển khai dễ dàng hơn.
Ngoài ra, vaccine dạng xịt cũng là niềm hy vọng đối với những người mắc chứng sợ kim tiêm. Hơn nữa, vaccine dạng xịt yêu cầu liều lượng thấp hơn nhiều so với vaccine dạng tiêm. Điều này, giúp việc sản xuất vaccine trở nên dễ dàng hơn và có thể sản xuất được nhiều vaccine hơn.
Liên minh vaccine GAVI cho rằng, những ưu điểm khác của vaccine Covid-19 dạng xịt, bao gồm không cần bảo quản lạnh và không cần các chuyên gia y tế trực tiếp tiêm cho người dùng. Nhờ vậy, vaccine Covid-19 dạng xịt có thể dùng tại nhà và được hàng triệu người sợ kim tiêm ủng hộ.
Dù có nhiều ưu điểm, tuy nhiên các chuyên gia cho rằng, hiệu quả lâu dài của vaccine dạng xịt vẫn chưa có câu trả lời chính xác. Trong khi đó, phản ứng miễn dịch ở bề mặt niêm mạc có khả năng đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ đường hô hấp khỏi sự xâm nhập của mầm bệnh nhưng cũng có thể làm tổn thương phổi hoặc làm trầm trọng thêm tình trạng bệnh nếu phản ứng miễn dịch quá mạnh. Vì vậy, các nhà khoa học tiếp tục nghiên cứu về hiệu quả của vaccine ngừa Covid-19 dạng xịt nhằm giúp đại dịch sớm chấm dứt.