Đặc biệt, cơn mưa lớn bắt đầu từ đầu giờ chiều, đến giờ tan tầm lại đổ xuống kéo dài gần nửa giờ đồng hồ, càng khiến tình trạng ngập lụt thêm nghiêm trọng.
Trên các tuyến đường vốn thường xuyên đông đúc ở khu trung tâm thành phố gần chợ Bến Thành như Calmette, Nguyễn Công Trứ, Nguyễn Thái Bình, Lê Thị Hồng Gấm… đều bị ngập sâu, nhiều đoạn nước dâng 30-40cm so với mặt đường. Người và phương tiện chen chúc nhau, nhích từng chút một. Rất nhiều xe chết máy, nhiều phụ nữ điều khiển xe máy bị ngã. Đèn tín hiệu giao thông vô tác dụng khi mọi người đều cố vượt lên tránh những đoạn nước ngập, giao thông vô cùng hỗn loạn.
Đến sau 18 giờ, dòng người trên đường Nguyễn Thái Bình (đoạn Phó Đức Chính - Yersin) vẫn lội bì bõm trên quãng đường ngập sâu. Đường Lê Thị Hồng Gấm, Calmette đều có những đoạn ngập kéo dài 300-400m. Giao lộ Calmette - Nguyễn Thái Bình xảy ra ùn tắc giao thông với hàng trăm người kẹt cứng khi phí trên thì trời đổ mưa, phía dưới nước ngập gần nửa bánh xe.
Không chỉ “làm khó” người đi đường, mà tình trạng ngập lụt còn khiến cho hoạt động làm ăn, buôn bán của người dân hàng chục tuyến đường khu trung tâm bị đình trệ. Hầu như tất cả các hàng quán dọc những tuyến đường nói trên đều phải đóng cửa từ sớm.
Được biết trước đây, khu vực trung tâm thành phố rất hiếm khi xảy ra ngập lụt. Tuy nhiên, đợt triều cường đầu tháng 10 vừa rồi đã gây ngập nặng, nước lụt còn đe dọa tràn vào chợ Bến Thành. Nhiều người dân sinh sống lâu năm ở khu vực này cho biết, từ trước tới giờ họ chưa từng chứng kiến cảnh tượng như vậy bao giờ.
Theo nhận định của một số chuyên gia đô thị, sở dĩ khu trung tâm TPHCM gần đây xảy ra ngập lụt do triều cường và mưa to là một phần bởi hệ thống thoát nước ở đây đã quá cũ kỹ, xuống cấp, lại còn bị quá tải, nhưng có một phần là do các công trình đang thi công, nhất là công trình làm đường tàu điện ngầm tuyến Bến Thành – Suốt Tiên tác động khiến nước bị ứ đọng, không kịp tiêu thoát.
Do đó, mặc dù chính quyền địa phương đã cử các lực lượng chức năng lật các nắp cống để nước tiêu thoát nhanh, nhưng dường như không mang lại hiệu quả. Hàng chục người thuộc các lực lượng công an phường, nhân viên môi trường đô thị và dân quân tự vệ phải túc trực quanh các nắp cống bị lật lên để đề phòng nguy cơ người đi đường bị rơi xuống cống sẽ rất nguy hiểm.
Theo Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ, mực nước vùng hạ lưu hệ thống sông Sài Gòn – Đồng Nai đang lên nhanh theo kỳ triều cường rằm tháng 10 Âm lịch và hiện ở mức cao. Tuy nhiên, ngày 5 và 6/12 mới là thời điểm triều cường đạt đỉnh, dự kiến tại trạm Phú An (sông Sài Gòn) và trạm Nhà Bè (kênh Đồng Điền) có khả năng lên mức 1,58 – 1,63m (cao hơn BĐ III 0,08 – 0,13m).
Thời gian xuất hiện đỉnh triều trong ngày từ 5 – 7 giờ và từ 17 – 19 giờ, cũng là giờ cao điểm lưu thông, nên việc đi lại có thể sẽ rất khó khăn.