Trình Quốc hội thông qua phương án đổi mới mô hình chính quyền đô thị tại TP.HCM

D.H
26/10/2020 - 20:26
Trình Quốc hội thông qua phương án đổi mới mô hình chính quyền đô thị tại TP.HCM
Ngày 26/10, Chính phủ đề nghị Quốc hội xem xét thông dự thảo Nghị quyết về chính quyền đô thị tại TP.HCM theo trình tự rút gọn tại một kỳ họp, dự kiến có hiệu lực từ năm 2021.

Thừa ủy quyền Chính phủ, chiều 26/10, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân trình bày Dự thảo Nghị quyết về chính quyền đô thị tại TP.HCM. Dự thảo nghị quyết nêu rõ: Chính quyền địa phương ở TP.HCM gồm có HĐND và UBND TP; chính quyền địa phương ở quận, phường là UBND quận, phường (không có HĐND).

Các nhiệm vụ của cơ quan dân cử cấp quận, phường được điều chuyển cho HĐND, UBND, Chủ tịch UBND TP và UBND quận, phường để bảo đảm không bỏ sót chức năng, nhiệm vụ.

UBND quận là cơ quan hành chính nhà nước ở quận, làm việc theo chế độ thủ trưởng, bảo đảm nguyên tắc tập trung dân chủ; có nhiệm vụ phê duyệt kế hoạch đầu tư công trung hạn và hàng năm của UBND phường trực thuộc để đảm bảo tính khả thi trong quá trình thực hiện.

UBND phường là cơ quan hành chính nhà nước ở phường, làm việc theo chế độ thủ trưởng, bảo đảm nguyên tắc tập trung dân chủ; cán bộ, công chức làm việc ở các tổ chức cấp phường thuộc biên chế của tổ chức cấp trên.

Trình Quốc hội thông qua phương án đổi mới mô hình chính quyền đô thị tại TP.HCM - Ảnh 1.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân trình bày Dự thảo Nghị quyết tổ chức chính quyền đô thị tại TP.HCM. Ảnh: Quochoi.vn

Cũng theo ông Lê Vĩnh Tân, để tổ chức chính quyền đô thị tại TP.HCM từ ngày 1/7/2021 theo dự kiến, thì dự thảo nghị quyết của Quốc hội cần có hiệu lực thi hành từ đầu năm 2021. Qua đó, các cơ quan có thời gian chuẩn bị, ban hành văn bản hướng dẫn và tổ chức bầu cử đại biểu HĐND các cấp của TP HCM nhiệm kỳ 2021 - 2026, cũng như triển khai công việc liên quan khác.

Thẩm tra dự thảo Nghị quyết, đại diện Ủy ban Pháp luật của Quốc hội thể hiện sự tán thành về việc ban hành nghị quyết nêu trên. Theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng, việc đổi mới mô hình chính quyền đô thị tại TP HCM là vấn đề quan trọng và cấp bách, là yếu tố có thể thúc đẩy, tạo bước chuyển lớn cho sự tăng trưởng kinh tế và phát triển nói chung của TP.HCM.

Nêu ý kiến tại phần thảo luận, ĐBQH Nguyễn Thiện Nhân - Ủy viên Bộ Chính trị, phụ trách theo dõi, chỉ đạo Đảng bộ TP.HCM) cho biết, áp lực quản lý của thành phố rất lớn khi diện tích chỉ chiếm 0,6% diện tích cả nước, nhưng dân số chiếm 9%, kinh tế đóng góp 22%.

Năm quận của thành phố hiện dân số từ 500.000 đến gần 800.000 mỗi quận. Vì vậy, số đầu việc phát sinh hằng ngày đến cấp này rất lớn, đòi hỏi giải quyết kịp thời. Sự chậm trễ của chính quyền các cấp sẽ kìm hãm phát triển kinh tế, gây thiệt hại cho người dân.

"Thực hiện mô hình chính quyền đô thị giúp quyết định nhanh hơn, đặc biệt là trách nhiệm cá nhân của người đứng đầu chính quyền các quận, phường" - ông Nhân nói.

ĐB Nguyễn Thiện Nhân cũng nhấn mạnh, TP.HCM có thể thực hiện ngay mô hình chính quyền đô thị mà không cần "thí điểm", vì trước đây đã có hơn 6 năm thí điểm không tổ chức HĐND ở 24 quận, huyện và 259 phường, xã.

Theo ông Nguyễn Thiện Nhân, hiện cùng với hai cơ chế giám sát dân cử trên địa bàn thành phố là ĐBQH của thành phố và đại biểu HĐND của thành phố, còn có nhiều cơ chế giám sát khác (khi không tổ chức HĐND ở cấp quận, phường), đơn cử như quyết định 137 yêu cầu cấp ủy, chính quyền các cấp phải lắng nghe phản ánh người dân trên báo chí, qua tiếp xúc cử tri, qua khiếu nại tố cáo.

Ông cũng thông tin thêm, người dân thông qua điện thoại di động, email có thể thông báo cho chính quyền các cấp xử lý những vấn đề hằng ngày liên quan đến họ. Các quận, huyện một tháng tiếp thu hàng nghìn thông tin như vậy.

Dự kiến, Quốc hội tiếp tục thảo luận nội dung trên tại hội trường vào đợt họp tập trung chiều 12/11. Sau đó, Quốc hội sẽ xem xét thông qua dự thảo Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị tại TP.HCM vào ngày 16/11.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm