pnvnonline@phunuvietnam.vn
Trời chuyển lạnh đột ngột, mẹ đừng quên làm điều này để con không bị ốm
Thời tiết đã bắt đầu có sự thay đổi, nhiệt độ giảm mạnh, sâu và sẽ kéo dài. Việc chuyển lạnh đột ngột ảnh hưởng không nhỏ tới sức khoẻ của mọi người, đặc biệt là trẻ nhỏ với sức đề kháng còn non nớt.
Rất nhiều trẻ em với hệ miễn dịch yếu sẽ không kịp thích nghi, dễ mắc các bệnh như: Cảm cúm, viêm họng, viêm phế quản, viêm phổi... Tuy nhiên, nếu cha mẹ biết cách chăm sóc, trẻ sẽ giảm đáng kể nguy cơ mắc bệnh.
1. Những bộ phận buộc phải giữ ấm thì trời lạnh đột ngột
- Trẻ cần được mặc ấm vừa đủ, quan trọng nhất là cần phải giữ ấm là cổ và tai. Cha mẹ cho con đi học nên mặc ấm và nhiều lớp áo để khi trẻ đến trường có thể dễ dàng cởi bỏ bớt nếu thấy nóng bức, tránh để trẻ ra mồ hôi.
- Hạn chế cho trẻ ra ngoài trời lạnh, nếu bắt buộc phải ra ngoài, phải cho trẻ mặc ấm, tránh gió thổi trực tiếp vào người. Tránh cho trẻ đến nơi đông người, không thoáng khí.
- Không để trẻ bị lạnh đột ngột, nếu đi ra ngoài lạnh cần mở cửa từ từ để trẻ thích nghi dần với nhiệt độ môi trường trước khi ra ngoài, tránh sốc nhiệt.
- Trẻ vẫn phải tắm rửa, vệ sinh cơ thể sạch sẽ trong mùa đông nhưng không nên tắm kéo dài quá 10 phút, lau rửa và thay quần áo sạch sẽ cho trẻ.
2. Xây dựng chế độ dinh dưỡng và thể dục thể thao lành mạnh
- Chế độ dinh dưỡng cân bằng hợp lý: Với trẻ dưới 6 tháng, con bú sữa mẹ sẽ tăng sức đề kháng. Với các bé trên 6 tháng, chú ý cho con ăn chín uống sôi,. Tăng sức đề kháng cho trẻ bằng các loại nước ép cam, nước ép dứa, cà rốt, sinh tố rau, củ… Đó là nguồn cung cấp vitamin C và khoáng chất tự nhiên dồi dào. Đồng thời, nên cho trẻ uống đủ nước. Uống đủ nước rất quan trọng, không những cải thiện sức đề kháng của bé mà nước còn là dung môi rửa trôi một số vi khuẩn gây bệnh bám dính đường hầu họng...
- Cho trẻ vận động thể thao mỗi ngày như đạp xe đạp, xe trượt... Hạn chế cho trẻ đến chốn đông người hoặc tiếp xúc với người bị ốm...
- Ở những hộ gia đình có điều hòa, 24-26 độ là nhiệt độ thích hợp đối với trẻ. Và đừng quên vệ sinh điều hòa thường xuyên để giảm nguy cơ mắc các bệnh về đường hô hấp cho trẻ.
- Tập cho trẻ thói quen đeo khẩu trang mỗi khi ra ngoài, khuyến khích trẻ ngủ đủ giấc.
3. Sử dụng nước muối sinh lý
Thuốc kháng sinh ngoài việc tiêu diệt vi khuẩn gây bệnh, còn tiêu diệt cả những vi khuẩn có lợi và nếu sử dụng quá nhiều sẽ khiến cơ thể nhờn thuốc, dễ bị các bệnh nhiễm khuẩn hơn. Trên thực tế, các bệnh hô hấp hoàn toàn có thể tự khỏi nếu cha mẹ biết điều trị đúng cách. Trong giai đoạn thời tiết đột ngột chuyển lạnh, cha mẹ nên áp dụng các phương pháp đơn giản nhưng lại cực kỳ hiệu quả dưới đây:
- Vệ sinh mũi trẻ hằng ngày bằng nước muối sinh lý: Trời lạnh mẹ nên ngâm lọ nước muối vào cốc nước ấm rồi mới nhỏ cho con để không ảnh hưởng đến niêm mạc mũi của bé. Với những bé đã bị bệnh về đường hô hấp thì sau khi nhỏ nước muối sinh lý mẹ nên dùng ngón tay day day 2 cánh mũi để giúp dịch nhầy bong ra, lúc này mẹ chỉ cần dùng tăm bông tẩm nước muối sinh lý vệ sinh cho con. Nếu con bị sổ mũi nhiều thì mẹ có thể dùng dụng cụ hút mũi hút hết dịch mũi ra, sau đó lại nhỏ tiếp 1-2 giọt nước muối sinh lý để mũi bé không bị đau rát.
- Thoa dầu vào những bộ phận quan trọng như gan bàn chân, cổ, vai, gáy để bé tránh bị cảm lạnh.
4. Tiêm phòng đầy đủ
- Tiêm phòng là biện pháp hữu hiệu phòng bệnh cho trẻ với các bệnh đã có vắc xin, trẻ cần được tiêm đầy đủ và đúng lịch các mũi phòng bệnh như: Cúm, sởi, ho gà, viêm phổi do phế cầu...