Trọn niềm tin theo Đảng

03/02/2017 - 08:00
Đó là cụ bà Phạm Thị Trinh - một trong những nữ Đảng viên đầu tiên của Đảng Cộng sản Việt Nam. Được kết nạp Đảng từ năm 16 tuổi, đến nay cụ đã hơn 100 tuổi đời và là đảng viên đầu tiên của Đảng bộ Thủ đô được trao tặng Huy hiệu 85 năm tuổi Đảng.

Bà Phạm Thị Trinh sinh ngày 8/3/1914 trong một gia đình nghèo có truyền thống yêu nước tại xã Bình Minh, huyện Sơn Tịnh, Quảng Ngãi - vùng đất nghèo nhưng giàu truyền thống văn hóa, cách mạng. Bà là con thứ của cụ Phạm Quang Dinh và bà Võ Thị Vàng. Các anh của bà đều tham gia hoạt động cách mạng, nhiều anh là đảng viên thuộc thế hệ đầu tiên của Đảng, trong đó có Trung tướng Phạm Kiệt, Anh hùng lực lượng vũ trang, người chỉ huy cuộc khởi nghĩa Ba Tơ tháng 3/1945. Chính những người anh trai đã có ảnh hưởng rất lớn đến bước đường hoạt động cách mạng của bà sau này.

1.jpg
 Bà Phạm Thị Trinh - nữ đảng viên thuộc thế hệ đầu tiên của Đảng ta.

Lớn lên trong nề nếp gia phong của gia đình, cùng với truyền thống của quê hương cách mạng, bà Phạm Thị Trinh được giác ngộ từ rất sớm. Ngay từ lúc 13 - 14 tuổi, bà đã được các anh trai giao nhiệm vụ bảo vệ những buổi họp của tổ chức Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội Quảng Ngãi. Năm 16 tuổi, bà hăng hái thoát ly gia đình đi làm cách mạng và được giao công tác tuyên giáo với nhiệm vụ chính là rải truyền đơn và tổ chức các buổi diễn thuyết, tuyên truyền đường lối, chính sách của Đảng. Những buổi diễn thuyết bất ngờ do bà tổ chức đã khiến kẻ địch không kịp trở tay.

Tháng 11/1930, mới 16 tuổi, Phạm Thị Trinh vinh dự được đứng trong hàng ngũ của Đảng, là nữ đảng viên thuộc lớp thế hệ đảng viên đầu tiên. Người con gái sông Trà ấy sớm trở thành người cán bộ ưu tú của Đảng, người cầm cờ chỉ huy nhiều cuộc biểu tình của hàng ngàn đồng bào Sơn Tịnh trong cao trào cách mạng 1930 - 1931.

Năm 1931, thực dân Pháp tiến hành đàn áp dã man, chúng lùng sục, truy bắt những người làm cách mạng. Lúc này, bà Phạm Thị Trinh đang là Bí thư Tổng ủy phụ trách các xã tây Sơn Tịnh. Trước tình thế bọn giặc ngày đêm rình rập, bà phải rút vào Hòn Dầu, một căn cứ địa trong rừng nguyên sinh để hoạt động. Thực dân Pháp tổ chức vây rừng bắt được bà, giao cho tên Toàn quyền Đông Dương Pasquier trực tiếp tra khảo. Năm đó, bà mới 17 tuổi nhưng đã rất dũng cảm nói với tên Toàn quyền Pháp rằng: “Nhân dân Pháp đã nhiều lần đứng lên chống ách ngoại xâm, giờ đây, thực dân Pháp cai trị, bóc lột dân tôi tận xương tủy. Tôi là con gái chưa thành niên mà đã bị các ông tra tấn dã man thế này, vậy văn minh của các ông là văn minh kiểu gì?”. Câu nói đanh thép của bà đã làm bẽ mặt tên Toàn quyền Pháp, sau đó chúng buộc phải thả bà ra dù không khai thác được gì.

Cách mạng tháng Tám ở Quảng Ngãi thành công ngày 30/8/1945, bà là người phụ nữ duy nhất có mặt trên Chủ tịch đoàn dự cuộc mít tinh của tỉnh mừng cách mạng thành công và ra mắt UBND cách mạng tỉnh Quảng Ngãi. Năm đó, người phụ nữ quê hương núi Ấn sông Trà mới 31 tuổi.

Trong giai đoạn 9 năm trường kỳ kháng chiến của toàn dân ta (1945-1954), bà liên tục giữ nhiều trọng trách của Đảng. Trong thời gian này, bà là Tỉnh ủy viên tỉnh Quảng Ngãi, đồng thời là Hội trưởng Phụ nữ Liên khu V. Tiếp đó, bà giữ thêm nhiệm vụ Ủy viên Đảng đoàn, Thường trực ban Phụ vận Trung ương Hội, Trưởng ban Tổ chức Hội LHPN Việt Nam. Từ năm 1955 đến 1976, bà là đại biểu Quốc hội liên tiếp hai khóa II và III.

Suốt quá trình đấu tranh chống thực dân Pháp xâm lược, bà 2 lần bị địch bắt, 6 lần bị cầm tù, chịu mọi thủ đoạn dụ dỗ rồi cực hình tra tấn hết sức dã man nhưng bà vẫn một  mực kiên trung, không khuất phục trước kẻ thù. Nhiều lần bị đòn roi tra tấn chết đi sống lại, bà vẫn giữ trọn khí tiết của người cộng sản. Cả cuộc đời đấu tranh vì độc lập tự do của dân tộc, người con gái sông Trà ngày nào đã dần trở thành người chiến sĩ cách mạng dũng cảm, người cán bộ Hội dày dạn kinh nghiệm. Sau này, có nhiều người hỏi về lúc bị địch bắt, bà Phạm Thị Trinh nói rằng: ‘Tôi rất vui vì được Đảng tín nhiệm. Cho dù hồi đó địch đem giết, tôi cũng không sợ’.

Có lẽ điều tốt đẹp nhất trong cuộc đời hoạt động cách mạng của bà chính là việc từ cô gái nghèo mù chữ, bà đã được học hành tử tế, được trang bị kiến thức văn hóa, lý luận chính trị, bà còn làm thơ và có rất nhiều tác phẩm được mến mộ. Bà là tác giả cuốn sách "Con đường giải phóng phụ nữ" tập 1 và quyển hồi ký "Những chặng đường của mẹ" do Nhà xuất bản Phụ nữ in năm 1985.

Bà thường kể, chính những lần bị địch bắt, bị tù giam, bà đã tranh thủ biến nhà tù thành trường học. Trong tù, bà được các đảng viên khác dạy học chữ, học văn hóa, toán học… Riêng về thơ phú, bà được chính người chồng sau này, lúc đó cũng bị địch bắt giam, dạy cho.

Cũng chính những ngày bị giam cầm đã bồi đắp tình cảm giữa bà và người đồng chí dạy bà cách làm thơ ngày một nồng thắm. Một thời gian sau khi ra tù, hai người quyết định kết hôn. Chồng bà chính là tướng Nguyễn Chánh nổi tiếng, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng. Trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, ông là Bí thư Liên khu ủy, Chính ủy kiêm Tư lệnh Liên khu V. Hai vợ chồng bà sinh được 6 người con.

Tháng 11/1954, gia đình bà tập kết ra Bắc. Bà về công tác tại Hội LHPN Việt Nam còn ông về Bộ Quốc phòng làm Chủ nhiệm Tổng cục cán bộ. Bà nghỉ hưu năm 1974. Với những công lao và cống hiến của mình, bà Phạm Thị Trinh đã được Nhà nước trao tặng Huân chương kháng chiến chống Pháp hạng Nhất, Huân chương kháng chiến chống Mỹ hạng Nhất, Huân chương Độc lập hạng Nhất và nhiều huân, huy chương khác.

Những năm về nghỉ hưu, bà vẫn tích cực tham gia nhiều hoạt động xã hội. Bà thường xuyên về thăm lại quê hương Quảng Ngãi, tích cực đóng góp nhiều tư liệu quý vào bộ sách Lịch sử Đảng bộ huyện Sơn Tịnh và Lịch sử Đảng bộ Quảng Ngãi.

b-phm-th-trinh-c-trao-tng-huy-hiu-85-nm-tui-ng-vo-nm-2015.jpg
 Bà Phạm Thị Trinh được trao tặng Huy hiệu 85 năm tuổi Đảng vào năm 2015.

Ngày 4/3/2013, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tổ chức lễ chúc mừng bà Phạm Thị Trinh, lão thành cách mạng 100 tuổi đời - 83 năm tuổi Đảng.

Năm 2015, bà Phạm Thị Trinh được trao tặng Huy hiệu 85 năm tuổi Đảng. Đây là đảng viên đầu tiên của Đảng bộ Thủ đô Hà Nội vinh dự nhận danh hiệu cao quý này.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm