pnvnonline@phunuvietnam.vn
Trồng hơn 25 ngàn cây giống gỗ lớn hưởng ứng Tết trồng cây
Tổng số cây góp về Trung tâm lên đến 25.000 và được trồng tại rừng Xuân Liên, rừng Bến En và rừng Cúc Phương
Hưởng ứng chỉ thị của Chính phủ, Trung tâm Bảo tồn Thiên nhiên Gaia đã tích cực kêu gọi cộng đồng tham gia góp cây trồng rừng qua các chương trình như "Dọn nhà góp cây", "Trồng cây trồng lộc", "Góp cây cho rừng Lim sống lại sum vầy",... Chương trình đã nhận được sự hưởng ứng mạnh mẽ từ cộng đồng và các doanh nghiệp. Tổng số cây góp về lên đến 25.000 cho rừng Xuân Liên, rừng Bến En và rừng Cúc Phương ở thuộc tỉnh Thanh Hóa và Ninh Bình.
Trong đó, chương trình "Dọn nhà góp cây" với nội dung kêu gọi góp đồ cũ để gây quỹ trồng rừng đã góp phần thúc đẩy lối sống xanh cho cộng đồng người dân ở TPHCM và Hà Nội. Tổng kết chương trình có hơn 6,5 tấn đồ góp về. Sau khi tiến hành phân loại đồ, Gaia đã triển khai bán đồ cũ và gây quỹ được 1000 cây cho rừng Bến En. Chương trình còn góp phần tái sinh hàng trăm ngàn món đồ, giảm thải 6 tấn rác ra môi trường, tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên để sản xuất đồ dùng mới, tạo cơ hội sắm giá rẻ cho hàng trăm gia đình,...
Bà Đỗ Thị Thanh Huyền, Nhà sáng lập - Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Thiên nhiên Gaia - chia sẻ: “Tỷ lệ che phủ rừng nước ta đạt 42,02% tuy nhiên phần lớn là rừng sản xuất. Diện tích rừng tự nhiên, rừng giàu ngày càng thu hẹp. Do đó, Trung tâm tích cực trồng phục hồi ở các vườn quốc gia và khu bảo tồn nơi có đa dạng sinh học cao như Vườn quốc gia Bến En, Khu bảo tồn Thiên nhiên Xuân Liên và Vườn quốc gia Cúc Phương. Các loài cây trồng tại đó sẽ được bảo vệ lâu dài và tạo tác động tích cực đến hệ sinh thái như giúp ứng phó với biến đổi khí hậu, giảm thiểu thiệt hại thiên tai bão lũ, tạo môi trường sống cho các loài động vật hoang dã và bảo vệ an ninh nguồn nước cho người dân trong khu vực.
Đặc biệt, trong dịp trồng rừng tháng 3 tháng này, Trung tâm đã hoàn tất mục tiêu trồng 40ha rừng xung quanh cây Lim ngàn năm thuộc Vườn quốc gia Bến En. Chương trình góp phần bảo tồn loài Lim xanh bản địa quý hiếm hiện đang thuộc bậc nguy cấp trong Sách Đỏ Việt Nam”.
Để đảm bảo chất lượng và tỷ lệ cây sống tối thiểu là 70-85% sau 4 năm, các khu rừng sẽ được Trung tâm cũng sẽ phối hợp cùng Ban quản lý các Vườn quốc gia và Khu Bảo tồn theo dõi, và chăm sóc trong vòng 4 năm. Báo cáo giám sát các khu rừng sẽ được đăng tải trên website Gaia cũng như các nền tảng truyền thông mạng xã hội. Qua đó, cộng đồng có thể cập nhật thông tin về khu rừng như: tỷ lệ sống của cây, độ lớn của cây, tình trạng phát triển của khu rừng, bộ ảnh giám sát cây, ảnh giám sát khu rừng, hiện trạng các loài động thực vật trong khu rừng...
Trong thời gian tới, Trung tâm tiếp tục nỗ lực trồng thêm nhiều khu rừng đặc dụng đầu nguồn khắp Việt Nam. Gaia rất mong nhận được sự ủng hộ của mọi doanh nghiệp, cá nhân, đơn vị đối với chương trình, cùng nhau phục hồi rừng, ứng phó với biến đổi khí hậu vì một Việt Nam xanh hơn, khỏe mạnh hơn.