Trên tuyến đường Kim Giang (phường Đại Kim, quận Hoàng Mai) rau “sạch” được người dân tự trồng ven bờ sông Tô Lịch khá nhiều. Bà Nguyễn Thị Hà, một hộ dân ở đường Kim Giang cho biết, có nhiều gia đình ở ven đường trồng rau sạch ven bờ sông. Thấy vậy, gia đình bà cũng dọn dẹp một đám để trồng. Trên thửa đất nhỏ, gia đình bà trồng rau cải, rau thơm, mồng tơi. “Rau tự trồng không phun hóa chất độc hại, đồng thời giúp giảm một khoản chi phí đáng kể hằng ngày”, bà Hà chia sẻ.
Rau trồng ven đường thường bị bụi bẩn bám rất nhiều |
Trao đổi về vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý môi trường Y tế (Bộ Y tế) cho biết, hiện nay 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM tình trạng ô nhiễm không khí đã ở mức báo động. Theo thống kê, 70% nguồn ô nhiễm đó là do khí thải từ các phương tiện giao thông. Hằng ngày khí thải từ hàng triệu xe máy, hàng trăm nghìn ô tô, nhất là trong tình huống tắc đường xả ra là một nguồn gây ô nhiễm nghiêm trọng. Nguy hiểm nhất phải nói đến chất CO, đây là chất khi vào cơ thể, dễ gây phản ứng ngộ độc, nhiều trường hợp có thể tử vong. Những chất có trong khí thải xe máy, trong xăng, dầu diezel như benzen có thể gây bệnh ung thư cho con người.
Người dân thủ đô tận dụng mọi đám đất trống để trồng rau |
Cũng theo PGS Nga, hiện nay nhiều gia đình đã tự trồng rau sạch để đảm bảo cho nguồn thực phẩm cho gia đình. Nếu họ trồng rau ở ruộng, ban công hay sân thượng thì không sao, nhưng nếu rau trồng ở khu vực có nhiều phương tiện xe cộ qua lại thì khói bụi và chất thải của xe cộ sẽ gây ô nhiễm cho rau.
Ngoài ra, việc người trồng rau lấy nước sông Tô Lịch hoặc nước từ các cống rãnh, nước thải khu công nghiệp để tưới rau khiến rau có thể nhiễm kim loại nặng, như thủy ngân, chì, asen, đồng, kẽm, thiếc. Nếu ăn phải rau nhiễm kim loại nặng như kẽm, sẽ dẫn đến tích tụ kẽm trong gan, có thể gây ngộ độc hệ thần kinh, ung thư và hàng loạt chứng bệnh nguy hiểm khác.
“Nếu trồng rau ở trên đường quốc lộ sẽ không đảm bảo an toàn cho sử dụng”, PGS Nga nói. PGS. Nga cũng cho biết thêm, nếu bất đắc dĩ cần trồng rau cạnh những khu vực có đường giao thông, các gia đình có thể cân nhắc trồng rau trong nhà kính hoặc phải che chắn kỹ để bụi không bay vào những khu vực trồng rau. Tuy nhiên những hạt bụi nhỏ dưới 2,5 micromet vẫn có thể xuyên qua nhiều chất liệu, bám vào rau, những hạt này có thể mang theo chất gây ô nhiễm hay cả vi trùng, vi khuẩn.
“Nếu trồng rau ở trên đường quốc lộ sẽ không đảm bảo an toàn cho sử dụng”, PGS Nga nói. PGS. Nga cũng cho biết thêm, nếu bất đắc dĩ cần trồng rau cạnh những khu vực có đường giao thông, các gia đình có thể cân nhắc trồng rau trong nhà kính hoặc phải che chắn kỹ để bụi không bay vào những khu vực trồng rau. Tuy nhiên những hạt bụi nhỏ dưới 2,5 micromet vẫn có thể xuyên qua nhiều chất liệu, bám vào rau, những hạt này có thể mang theo chất gây ô nhiễm hay cả vi trùng, vi khuẩn.