pnvnonline@phunuvietnam.vn
Trưa nay ăn gì? Câu hỏi khiến chúng ta "đau đầu"
Đã gần 12 giờ, “Trưa nay ăn gì?”. Ai đó ném câu hỏi đó ra. Và rồi, tất cả chúng ta ngồi nhìn nhau, và phải đợi ít nhất 20 phút im lặng…
Lúc này, một đồng nghiệp lên tiếng: “Cứ ra ngoài đã, vừa đi vừa bàn!” Cứ như vậy, một nhóm người cuối cùng cũng rời khỏi bàn làm việc, ra ngoài tìm đồ ăn, để rồi phát hiện ra rằng giờ nghỉ trưa không còn nhiều, không thể đi ăn ở quán nào quá xa.
Kết quả là, nhiều khi, mọi người chỉ có thể chọn đồ ăn nhanh ở nơi gần nhất và quay trở lại văn phòng một cách vội vàng.
Đó là lý do tại sao, bữa trưa tại nơi làm việc lại trở thành “vấn đề đau đầu” của không ít dân công sở.
Là chúng ta đang đánh giá quá thấp tầm quan trọng của bữa trưa? Hay chúng ta không thể ăn trưa một cách tự do đàng hoàng?
1. "Căn bệnh ăn trưa" mà người hiện đại không thể thoát khỏi
Ăn trưa, đặc biệt là ở nơi làm việc, là một vấn đề liên quan tới kinh tế. Nó giống như một cuộc đối đầu giữa mong muốn và khả năng chi tiêu của bạn.
Muốn ăn ngon, hoặc là phải tốn tiền, hoặc là phải tốn thời gian.
Giá cả gia tăng, đặc biệt là giai đoạn sau dịch càng biến việc ăn trưa trở thành một bài toán khó với dân công sở.
Nếu như trước đây, chỉ cần từ khoảng 25.000-35.000 đồng là đã có thể có một bữa trưa đủ dinh dưỡng thì với mức chi phí hiện nay, 50.000 ngàn cho một bữa ăn đang dần trở thành thường thái.
Một trang web thực phẩm của Anh đã thực hiện một cuộc khảo sát về thói quen ăn trưa của nhân viên văn phòng và cho thấy rằng 1/6 số người được hỏi đã ăn cùng một loại thức ăn vào bữa trưa trong hai năm liên tiếp.
Sandwich thịt nguội, Sandwich kẹp phô mai, Sandwich kẹp gà, Sandwich kẹp tôm, Sandwich trứng…
Hãy cho một nhân viên văn phòng người Anh một chiếc bánh sandwich, và họ có thể cho bạn cả tháng những bữa trưa khác nhau, đó là cách rẻ nhất và dễ nhất.
Bên cạnh chế độ ăn trưa không lành mạnh, nhàm chán, ít sự lựa chọn và tiêu tốn nhiều sức lực thì việc ăn trưa như thế nào cũng là một căn bệnh mãn tính dày vò tinh thần dân công sở.
Công ty tư vấn Hartman của Mỹ đã thực hiện một cuộc khảo sát về thói quen ăn uống của dân công sở tại nơi làm việc, kết quả cho thấy 62% người quen dùng bữa trưa tại bàn làm việc, họ vừa ăn vừa gọi điện và trả lời email, sửa PPT ...
Với nhiều người, dành thời gian ra ngoài ăn trưa nghiêm túc vào buổi trưa dường như là một nhiệm vụ bất khả thi, ngay cả khi công việc trước mắt không quá gấp gáp.
Ngoài căn bệnh ăn trưa mãn tính, gặp khó khăn trong việc lựa chọn không biết ăn gì vào buổi trưa, bữa ăn trưa ở một góc độ nào đó còn có rào cản về giao tiếp xã hội nơi công sở.
Đối với nhân viên mới, bữa trưa là một phép thử xã giao ở nơi làm việc, vì vậy nếu họ không tìm được đồng nghiệp để ăn trưa, nó cũng có thể dẫn đến một loại "rối loạn lo âu" khác.
Còn nếu được lãnh đạo mời đi ăn trưa thì bạn có lẽ cũng phải để ý rất nhiều điều, vô hình chung, một bữa ăn trưa ngon lành bỗng trở thành “bữa ăn thăm dò”.
Nhân viên văn phòng Nhật Bản, những người nổi tiếng với khối lượng công việc khắc nghiệt, thậm chí còn mang bữa trưa vào nhà vệ sinh ăn để tránh ánh mắt kì thị của người khác, kiểu như, “Tôi còn đang làm, sao anh lại dám ăn trưa?”
Vậy mới nói, ở xã hội hiện đại, một bữa ăn trưa không còn đơn giản là một bữa ăn. Bữa trưa không còn là quyền của chúng ta để ăn bao nhiêu tùy thích, mà đã trở thành một trạm xăng chỉ hoạt động khi đến giờ và được bao phủ bởi một rào cản kết nối xã hội vô hình.
Không phải chúng ta chọn bữa trưa mà là bữa trưa quy định chúng ta.
2. Hai thái độ với bữa trưa, bạn đứng về phía nào?
Trên bản đồ ăn trưa thế giới, vấn đề không phải là giá thức ăn mà là thời gian ăn. Việc bạn có đủ thời gian để ăn trưa hay không quyết định sự phong phú của bữa trưa.
Ở Đức, thời gian ăn trưa hợp pháp chỉ có nửa tiếng, nhưng may mắn thay, thời gian đi và tan làm cơ bản không quá khắt khe.
Các công ty Đức không bủn xỉn với tiền ăn trưa của nhân viên và thường tạo điều kiện ăn uống tốt cho nhân viên của mình. Họ thích ăn trong nhà ăn của công ty, vì vậy, chỉ có một số ít người chọn dành thời gian ăn trưa tại các quán cà phê hoặc nhà hàng gần đó.
Bữa trưa của họ thường không quá phong phú, bởi họ tin rằng ăn trưa ít hơn có thể làm giảm cơn buồn ngủ vào buổi chiều, và đơn giản là nhường chỗ cho bữa sáng. Họ cũng chỉ dùng bữa nửa buổi (brunch, bữa ăn được ăn từ 10 giờ sáng đến 11 giờ 59 phút sáng) vào những ngày nghỉ ngơi.
Mặc dù nhân viên văn phòng Anh có một giờ để ăn trưa, nhưng cuộc khảo sát mới nhất cho thấy họ chỉ dành ba phút rưỡi cho bữa trưa, nhiều nhất cũng không quá 30 phút. Bữa trưa điển hình của người Anh là một chiếc bánh sandwich, khoai tây chiên, trái cây và đồ uống.
Người đi làm Nhật Bản và Hàn Quốc cũng ăn trưa một cách khá vội vàng. Theo khảo sát do trang web tuyển dụng của Hàn Quốc thực hiện, mặc dù công ty quy định thời gian ăn 1 tiếng nhưng 43,5% người được hỏi nói rằng thời gian ăn thực tế chỉ từ 10 - 20 phút.
Bữa trưa ưa thích của người dân Hàn Quốc là món thịt lợn. Theo ý kiến của họ, bữa trưa ăn kèm với kim chi là ngon nhất.
Người Nhật về cơ bản sẽ tự mang theo hộp cơm của mình. Nhân viên văn phòng Nhật Bản thường sợ việc ăn trưa sẽ ảnh hưởng đến người khác.
Tất nhiên, bên cạnh những bữa trưa hời hợt, cũng không thiếu những bữa trưa ngon.
Ở Ấn Độ, một bữa trưa truyền thống có thể bao gồm bảy món, khá xa hoa.
Người Pháp có một thái độ rất khác đối với bữa trưa, họ xem nó là quyền tận hưởng cuộc sống xã hội chứ không phải để nạp năng lượng.
Người Pháp có trung bình 2 giờ để thưởng thức bữa trưa. 43% người Pháp sẵn sàng dành hơn 45 phút cho bữa trưa. Hầu hết họ thích rời văn phòng và đến một nhà hàng hoặc quán rượu để dành thời gian ăn trưa. Nói chung, có 3 món chính và một ly rượu, và cả cà phê sau bữa ăn.
Coi trọng bữa trưa giống người Pháp còn có người Ý, người Hy Lạp và người Tây Ban Nha. Đặc biệt là người Tây Ban Nha, họ ăn trưa và nghỉ ngơi suốt 3 tiếng đồng hồ, khoảng thời gian mà họ gọi là “Siesta”. Ở đây, nhân viên văn phòng có thể ăn trong một giờ và ngủ nghỉ hai giờ, vì thời gian này là thời điểm nóng nhất trong ngày, và họ không thể tập trung vào công việc.
Bữa trưa của người Thụy Điển cũng có 3 tiếng. Người Thụy Điển rất coi trọng sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống. Họ cũng có một truyền thống vui nhộn được gọi là “Lunch Beat Manifesto” (tạm dịch: Tuyên ngôn Đánh bại Bữa trưa), nơi những nhân viên tham gia sẽ được ăn miễn phí.
Mọi người tập trung ở một nơi công cộng và nhảy theo nhạc, luật chơi rất đơn giản, bạn phải nhảy, và nói chuyện về công việc là điều cấm kỵ.
3. Bạn chọn đối xử với bữa trưa của mình như thế nào?
Bữa trưa hiện đại ngày càng trở nên xa hoa, tất nhiên đối với giới nhà giàu và nhàn hạ thì câu hỏi ăn gì cho bữa trưa sẽ chẳng khiến họ bận tâm chút nào.
Hầu hết những người gặp rắc rối là những người đang phải đi trên hai đầu của công việc và cuộc sống, và không thể kiểm soát sự cân bằng.
Thái độ của chúng ta đối với bữa trưa phần nào phản ánh quy mô công việc và cả nhịp sống hối hả trong xã hội đương thời.
Một số người sẵn sàng tham gia vào bữa trưa cho việc xã giao, biến thói quen ăn trưa trở thành một kiểu nạp năng lượng và bổ sung năng lượng bên ngoài công việc.
Một số người muốn bữa trưa trở nên cá nhân hơn, họ thích ăn trưa một cách tự do.
Một số người khác lại coi bữa trưa như một khoảng trống lãng phí thời gian, trong khi những người khác sẽ cố gắng hết sức để làm cho thời gian ăn trưa ngắn ngủi trở nên có ích hơn để có thể gây được ấn tượng với mọi người.
Trên thực tế, thời gian nghỉ trưa không phải là vấn đề cuối cùng, xét cho cùng, nó phụ thuộc vào việc bạn ăn trưa trong bao lâu và cách bạn đối xử với bữa trưa của mình như thế nào.
Không thiếu những minh chứng và nghiên cứu cho thấy việc cần thiết của bữa trưa cũng như giờ nghỉ việc đối với cả sức khỏe thể chất và tinh thần của chúng ta. Ăn trưa đàng hoàng, vừa cho thấy được cách chúng ta quản lý thời gian hiệu quả, vừa cho thấy được một sự tự do về tinh thần.
Bữa trưa không cần quá xa hoa hay trang trọng, hay cần thiết phải tốn của bạn cả tiếng đồng hồ để suy nghĩ, mọi thứ thực ra rất đơn giản, chỉ là con người hiện đại chúng ta thích làm mọi thứ phức tạp lên. Nếu bạn không muốn ăn cùng quá đông người, bạn có thể rủ một người bạn thực sự muốn ăn trưa cùng, hoặc thậm chí thưởng thức bữa ăn thịt rang rau muống luộc với vài quả cà đơn giản và thoải mái của mình.
Hãy nhớ rằng, trước khi để ý tới cảm nhận của người khác, hãy quan tâm tới cái bụng và cảm xúc của mình trước. Sử dụng thời gian nghỉ trưa ra sao là quyền của bạn.
Cuối cùng, hy vọng rằng tất cả chúng ta có thể thoát khỏi vấn đề hàng thập kỷ về việc “ăn gì cho bữa trưa”.