Lupus ban đỏ - căn bệnh oái oăm

07/08/2015 - 16:07
Tết GIáp Ngọ là cái Tết đầu tiên xa nhà của chị Nguyễn Thị Minh. Không những xa nhà, chị còn ăn Tết trong bệnh viện và phải nghỉ việc không lương, tất cả chỉ vì căn bệnh Lupus ban đỏ hệ thống.

Từ Hậu Lộc (Thanh Hóa) vào TPHCM theo học ngành Giáo dục chuyên biệt của trường ĐH Sư phạm TPHCM, sau khi tốt nghiệm, chị Minh trở thành giáo viên mầm non cho trẻ khuyết tật trong một ngôi trường tại Q.1. Mỗi năm, chị cố gắng thu xếp về quê ít nhất 2 lần, bởi: “Không có gì quan trọng bằng gia đình”. Vì vậy, trong gần 10 năm qua, năm nào chị Minh cũng tranh thủ thời gian nghỉ hè và nghỉ Tết để về thăm gia đình. Song, căn bệnh Lupus ban đỏ hệ thống bất ngờ ập đến, khiến cuộc sống của chị bị xáo trộn.

Đó là những ngày giữa tháng 5/2013, khi chị Minh và những người bạn của mình vừa kết thúc chuyến du lịch tại Campuchia, chị bỗng thấy trong người xuất hện những dấu hiệu khác thường: Trên gò má và trán nổi đầy những mụn đỏ, tóc rụng và có cảm giác nóng bừng bừng từ trong bốc ra. Quá hoang mang, chị tìm tới một phòng khám tư của bác sĩ da liễu tại Q.Tân Bình. Sau vài xét nghiệm, bác sĩ kết luận chị bị Lupus ban đỏ hệ thống. “Khi đó, tôi còn không biết Lupus ban đỏ hệ thống là bệnh thế nào, tôi chưa từng thấy ai mắc bệnh đó nên chẳng biết có thể chữa trị được không? Sau khi nghe bác sĩ phân tích và tìm hiểu trên mạng, tôi cũng yên tâm phần nào, bởi cho dù chưa có biện pháp điều trị triệt để nhưng nếu tuân thủ một vài nguyên tắc thì bệnh cũng không quá nguy hiểm”, chị Minh chia sẻ.

Cô giáo Nguyễn Thị Minh đang được điều trị căn bệnh lupus ban đỏ (Ảnh chụp tháng 14/1/2014)

Sau 6 tháng điều trị tích cực và tái khám định kỳ, bệnh được cải thiện rõ rệt, chị Minh tìm đến bác sĩ hỏi “Liệu có thể giảm liều lượng thuốc hay không?”. Sau khi xem xét, bác sĩ đồng ý giảm liều lượng thuốc cho chị Minh và để chị uống bổ sung thuốc kích thích mọc tóc. Song, “Mới chỉ uống được 2-3 viên thì trong người lạ lắm, có cảm giác nóng phừng phừng giống như những ngày đầu, toàn thân bị phù lên. Mọi người buộc phải cho tôi nhập viện cấp cứu. Nằm điều trị được nửa tháng tại bệnh viện, triệu chứng sưng phù toàn thân đã được cải thiện nhưng bác sĩ vẫn chưa cho biết tới khi nào tôi có thể xuất viện điều trị ngoại trú. Họ bảo lúc sưng, phù toàn thân là do mình bị bí tiểu nên phải chích thuốc lợi tiểu và những loại thuốc đặc trị, giờ đang tiếp tục theo dõi”, chị Minh ngán ngẩm.

Mong năm mới sẽ bớt bệnh!

Dạy học tại Q.1 nhưng chị Minh và 2 người em quyết định thuê nhà tại Q.Tân Phú để tiết giảm chi tiêu. Chị bảo: “Đi làm đã được gần 3 năm, vậy mà chẳng để ra được đồng nào tiết kiệm, chỉ dư chút đỉnh để mua vé về quê 2 lần mỗi năm. Từ khi bị bệnh, mỗi tháng tôi phải bỏ ra ít nhất 1,2 triệu đồng tiền thuốc đặc trị, chưa kể tái khám và các loại thuốc phát sinh. Từ hôm nhập viện, tôi phải xin nghỉ việc không lương, chưa biết tới khi nào mới có thể tiếp tục đi dạy”.

Hay tin con gái phải nhập viện điều chị, mẹ chị Minh, bà Nguyễn Thị Hoa, tức tốc mua vé xe vào chăm sóc con. Trong khoa Thận tiết niệu, Bệnh viện Nhân Dân 115, TPHCM, những giường bệnh trống không rất nhiều bởi bệnh nhân đều xin xuất viện về quê ăn Tết, căn phòng rộng chừng 40m2 chỉ còn lại chị Minh và vợ chồng một bệnh nhân quê An Giang. Lấy trên bàn liều thuốc bác sĩ phát khi sáng, chị bỏ hết vô miệng rồi cầm phần bánh chưng rệu rã nhai.

Nhìn về phía hành lang thỉnh thoảng mới có người qua lại, chị Minh kể: “Bố tôi đi làm thuê ở tận Quảng Ninh tới 30 Tết mới về được, em trai tôi mới học lớp 8, mẹ tôi bỏ hết việc để vào đây chăm sóc tôi, tới tối 29 Tết mẹ mới mua vé xe về quê. Nói là ở ăn Tết Sài Gòn rất vui cho bố mẹ yên tâm, chứ thực tình, tôi rất thèm “mùi” Tết quê. Không khí nhộn nhịp khi cả nhà quây quần gói bánh chưng, cùng ngồi ăn bữa cơm tất niên và chúc nhau những lời tốt đẹp. Biết làm sao được, hy vọng năm mới sẽ mang đến nhiều may mắn, bệnh tình sẽ bớt và tôi lại có thể tiếp tục đi làm!”.

Bác sĩ Tạ Phương Dung (Trưởng khoa nội thận miễn dịch, Bệnh viện Nhân Dân 115, TPHCM)

Lupus ban đỏ hệ thống là một bệnh tự miễn của mô liên kết, có thể ảnh hưởng đến mọi bộ phận cơ thể. Bệnh này gây nguy hiểm nhiều nhất cho tim, các khớp, da, phổi, các mạch máu, gan, thậnhệ thần kinh. Tổn thương thận chiếm khoảng 2/3 trường hợp. Bệnh này phổ biến ở phụ nữ, nhiều hơn gấp 9 lần so với nam giới, đặc biệt là ở lứa tuổi từ 15 đến 50.

Lupus ban đỏ hệ thống có thể điều trị được bằng corticosteroid và các chất ức chế miễn dịch nhưng chưa có biện pháp chữa trị triệt để. Bệnh nhân bị Lupus ban đỏ hệ thống sẽ phải uống thuốc điều trị suốt đời.

Bệnh nhân phải tuân thủ quy định của bác sĩ, tái khám định kỳ và không được tự ý đổi thuốc hoặc giảm liều. Nên tránh cà phê, thuốc lá, không ăn mặn và bớt ăn mỡ, thể dục nhẹ, tránh tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời... Đặc biệt, đối với phụ nữ bị bệnh, khi điều trị đã ổn định ít nhất 3 tháng thì mới nên có em bé và phải thông báo rõ về bệnh tình với bác sĩ sản khoa.

 

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm