Phụ nữ Trung Quốc trong "cơn sốt" phẫu thuật thẩm mỹ để có ngoại hình như ý

Kim Ngọc
13/07/2021 - 21:00
Phụ nữ Trung Quốc trong "cơn sốt" phẫu thuật thẩm mỹ để có ngoại hình như ý

Ảnh: Getty

Bất chấp những nguy cơ tiềm ẩn, nhiều phụ nữ Trung Quốc vẫn lựa chọn phẫu thuật thẩm mỹ để có vẻ ngoài như ý.

Ngày càng nhiều phụ nữ Trung Quốc muốn thực hiện phẫu thuật thẩm mỹ để có một ngoại hình hoàn hảo. Theo đó, ngành công nghiệp phẫu thuật thẩm mỹ của Trung Quốc đã nhanh chóng phát triển, trở thành thị trường lớn nhất thế giới trong những năm gần đây và được dự đoán sẽ đạt 300 tỷ NDT (46 tỷ USD) vào năm 2025.

Trước đây, phụ nữ chiếm 90% số người phẫu thuật thẩm mỹ ở Trung Quốc với các lựa chọn chỉnh sửa những đường nét trên khuôn mặt như cắt mí mắt hoặc sửa mũi. Nhưng hiện tại, nhu cầu phẫu thuật thẩm mỹ ngày càng tăng đối với các bộ phận khác, kéo theo đó là rủi ro cao hơn.

Theo ước tính, phẫu thuật thu nhỏ bắp chân, mở rộng tai để có "tai yêu tinh", hay phẫu thuật thẩm mỹ vùng kín đều đang tăng vọt về mức độ phổ biến, trong bối cảnh phụ nữ cảm thấy ngày càng áp lực về một ngoại hình hoàn hảo.

"Phong bế bắp chân"

Kaola, 30 tuổi, một nữ nhân viên công nghệ làm việc ở Thượng Hải, luôn tự ti về đôi chân "quá cỡ" của mình. Ở độ tuổi 20, cô đã thử gần như mọi cách để khiến chúng thon thả hơn, bao gồm việc ăn kiêng, tập thể dục, thậm chí là hút mỡ nhưng vẫn không hài lòng với kết quả.

Vì vậy, vào tháng 2, Kaola quyết định thử một phương pháp đầy rủi ro – phẫu thuật thu nhỏ bắp chân được gọi là "phong bế bắp chân". Phẫu thuật này liên quan đến việc cắt đứt một số dây thần kinh bên trong bắp chân và làm teo cơ. Nếu mọi việc diễn ra suôn sẻ, người phẫu thuật sẽ có đôi chân thon thả hơn.

Trung Quốc: Cơn sốt phẩu thuật thẩm mỹ và việc đánh đổi để có ngoại hình như ý muốn - Ảnh 1.

Một bác sĩ thực hiện quy trình thu nhỏ bắp chân "phong bế bắp chân". Ảnh: Weibo

Phẫu thuật "phong bế bắp chân" được phát triển ở Hàn Quốc vào những năm 1990, từ đó lan rộng ra các khu vực khác của Đông Á, nơi tiêu chuẩn vẻ đẹp truyền thống cho rằng phụ nữ phải có cơ thể mảnh mai với ít cơ bắp.

Hiện nay, có rất nhiều cơ sở thẩm mỹ Trung Quốc đang quảng cáo phẫu thuật "phong bế bắp chân". Với những người muốn có thân hình hoàn hảo trong thời gian ngắn thì đây được xem là một giải pháp "mì ăn liền".

"Cuộc phẫu thuật ngay lập tức sẽ khiến đôi chân của bạn trở nên thon, dài và thẳng! Bạn sẽ không bao giờ phải lo lắng về việc đôi chân của mình quá to", biểu ngữ quảng cáo từ một thẩm mỹ viện được đăng trên mạng xã hội Weibo của Trung Quốc.

Lợi bất cập hại

Trên thực tế, tiến hành loại phẫu thuật này không phải là không có rủi ro. Mặc dù nghiên cứu chỉ ra rằng, hầu hết những người trải qua phẫu thuật đều gặp ít tác dụng phụ, nhưng nếu không thành công, một số người có thể bị chấn thương, thậm chí mất khả năng vận động vĩnh viễn.

Ngoài ra, "phong bế bắp chân" chưa được Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc phê duyệt và các chuyên gia y tế Trung Quốc đã cảnh báo phẫu thuật này có khả năng nguy hiểm.

"Điều khiến việc tiến hành phẫu thuật khó kiểm soát là chúng tôi (bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ) thường không biết số lượng dây thần kinh phù hợp để cắt, vì cơ bắp chân thường khá phức tạp để phân biệt," Xue Hongyu, Giám đốc khoa phẫu thuật thẩm mỹ tại Bệnh viện thứ ba của Đại học Bắc Kinh, nói.

Trung Quốc: Cơn sốt phẩu thuật thẩm mỹ và việc đánh đổi để có ngoại hình như ý muốn - Ảnh 2.

Trước (trái) và sau (phải) phẫu thuật để có "tai yêu tinh". Ảnh: Weibo

Về phía Kaola, mặc dù biết "phong bế bắp chân" không được đảm bảo, nhưng vẫn quyết định thực hiện. Kaola từ nhỏ đã hằng ao ước có được đôi chân thon thả, vì vậy cô không thể từ bỏ sức hấp dẫn từ kết quả cuối cùng.

"Tất nhiên, khi quyết định thực hiện tôi biết cuộc phẫu thuật sẽ gây hại cho sức khỏe của tôi. Nhưng hy vọng về kết quả đã giúp tôi vượt qua nỗi sợ", Kaola nói trong một video đăng trên mạng xã hội Xiaohongshu.

Kaola đã chi 30.000 NDT (hơn 100 triệu đồng) cho phẫu thuật thu nhỏ bắp chân ở một phòng khám phẫu thuật thẩm mỹ tư nhân ở Thượng Hải, nhưng kết quả không mấy khả quan. Hơn 4 tháng sau ca phẫu thuật, bắp chân của Kaola vẫn có kích thước như cũ. Điều thay đổi duy nhất là cô thỉnh thoảng cảm thấy đau chân và khó chạy nhảy hơn trước.

Tuy nhiên, Kaola cho biết sẽ không để những điều này ảnh hưởng đến ý định phẫu thuật thẩm mỹ của cô. Cô dự định sẽ sớm tiêm botox có nguồn gốc chất botulinum, một phương pháp khác giúp làm thon chân.

"Tôi mong chờ một ngày tôi có thể bỏ đi những chiếc đầm dài và được mặc váy ngắn", cô nói.

Những phụ nữ Trung Quốc khác cũng cho biết họ phải chịu những tác dụng phụ tương tự sau khi phẫu thuật thu nhỏ bắp chân, làm dấy lên những cuộc thảo luận sôi nổi trên mạng xã hội. Theo đó, một hashtag liên quan đã nhận được hơn 320 triệu lượt xem trên Weibo.

Những câu chuyện này một lần nữa làm dấy lên lo ngại về quy định lỏng lẻo của ngành phẫu thuật thẩm mỹ Trung Quốc, vốn từ lâu đã khét tiếng với những chiêu trò tiếp thị rầm rộ và những ca phẫu thuật vô hiệu.

Thẩm mỹ vùng kín

Trung Quốc: Cơn sốt phẩu thuật thẩm mỹ và việc đánh đổi để có ngoại hình như ý muốn - Ảnh 3.

Một quảng cáo thẩm mỹ vùng kín tại một cơ sở thẩm mỹ ở Thượng Hải, tháng 6/2020. Ảnh: Winifred Wang/Sixth Tone

"Phong bế bắp chân" không phải là phương pháp phẫu thuật thẩm mỹ thời thượng duy nhất khiến các chuyên gia y tế Trung Quốc lo ngại. Nhiều thẩm mỹ viện cũng giới thiệu phẫu thuật thẩm mỹ vùng kín, tuyên bố rằng điều này làm cho cơ quan sinh dục hồng hào hơn và trông thẩm mỹ hơn.

"Chất lượng đời sống tình dục chắc chắn có liên quan đến màu sắc của vùng kín", một bác sĩ tại một phòng khám khác có trụ sở tại Thượng Hải nói. Phía sau người này là những bức tường phòng tư vấn được dán đầy những tấm áp phích mang khẩu hiệu "hãy làm tình yêu trở lại màu hồng như trước đây!"

Theo một báo cáo của nền tảng phẫu thuật thẩm mỹ Gengmei, thị trường phẫu thuật thẩm mỹ vùng kín của Trung Quốc đã tăng trưởng 100% so với cùng kỳ năm ngoái.

Thẩm mỹ vùng kín nữ có thể bao gồm nhiều loại khác nhau. Các loại phổ biến nhất bao gồm sử dụng tia laser để loại bỏ melanin từ môi âm hộ, tiêm chất làm đầy hay cấy mỡ tự thân vào thành âm đạo và loại bỏ vùng môi âm hộ phì đại.

Tuy nhiên, có rất ít bác sĩ được cấp phép được đào tạo để thực phẫu thuật thẩm mỹ vùng kín ở Trung Quốc. Theo một bài báo trên Tạp chí Phẫu thuật Thẩm mỹ Trung Quốc năm 2021, việc thiết lập các tiêu chuẩn công nghiệp để điều chỉnh các quy trình này là "một mối quan tâm cấp bách".

Theo Xue, bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ tại Bệnh viện Thứ ba Đại học Bắc Kinh, có khả năng các "bác sĩ dỏm" có thể vô tình tiêm chất béo vào hệ thống mạch máu, gây ra tắc mạch phổi.

Áp lực ngầm từ bản thân và mạng xã hội

Kaola cho biết, cô ghét cơ thể của chính mình, điều này do những nhận xét từ người thân và người quen về cân nặng của cô trong nhiều năm. Trong tủ quần áo của mình, Kaola có ít váy hoặc quần đùi, nhưng có rất nhiều đầm dài.

Kaola nói: "Chân của tôi to hơn rất nhiều so với phần lớn phụ nữ có thân hình giống tôi. Điều khiến tôi đau lòng nhất là lúc thử quần áo mới. Tôi cảm thấy rất căng thẳng khi không thể mặc vừa những bộ quần áo đẹp ".

Trung Quốc: Cơn sốt phẩu thuật thẩm mỹ và việc đánh đổi để có ngoại hình như ý muốn - Ảnh 4.

Khẩu hiệu tại một phòng khám phẫu thuật thẩm mỹ ở Thượng Hải, tháng 6/2020. Ảnh: Zhang Wanqing

Ngoài ra, trên phương tiện truyền thông xã hội, nhiều cư dân mạng bình luận chỉ trích phụ nữ trải qua các cuộc phẫu thuật như vậy, cho rằng những người này thiếu suy xét và thận trọng, thay vì đổ lỗi cho áp lực xã hội hoặc sơ suất trong khi tiến hành phẫu thuật.

"Chúa ơi, sao họ không chặt chân luôn đi? Điều đó sẽ dễ dàng hơn nhiều! ", một bình luận được nhiều người ủng hộ trên Weibo.

Tuy nhiên, Chelsea Yang, chuyên gia sức khỏe tâm thần về các vấn đề ngoại hình cơ thể tại Baltimore nói rằng, sự gia tăng của mạng xã hội là một yếu tố chính thúc đẩy cơn sốt "phẫu thuật thẩm mỹ cho mọi bộ phận" ở Trung Quốc.

"Ngoài mặt, có vẻ như những phụ nữ này đang tự nguyện thay đổi ngoại hình của mình, nhưng lý do đằng sau đó luôn là áp lực họ phải chịu đựng từ một xã hội nam quyền", Yang nói.

Trong những năm gần đây, một loạt các thử thách khắc nghiệt từ những người có ảnh hưởng ở Trung Quốc nhằm chứng minh họ có thân hình hoàn hảo, chẳng hạn như "vòng eo A4" đã thúc đẩy xu hướng này.

Theo Yang, những xu hướng này đã khiến nhiều phụ nữ thay đổi ngoại hình theo hướng không lành mạnh. Yang ước tính rằng hơn 85% khách hàng Trung Quốc của cô có vấn đề về hình thể là nữ.

Yang nói: "Phương tiện truyền thông xã hội đóng một vai trò rất lớn trong các mối lo ngại về ngoại hình. Nhiều người thường cảm giác như số lượt thích và bình luận trên mạng xã hội quyết định giá trị của cá nhân đó".

Nguồn: Sixth Tone
Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm