pnvnonline@phunuvietnam.vn
Trung Quốc: Triển lãm đánh giá nhan sắc nữ sinh bị tẩy chay
Bảo tàng đã xin lỗi sau phản ứng dữ dội trên mạng, với nhiều người cho rằng tác phẩm phân biệt giới tính và xúc phạm phụ nữ. Ảnh: Handout
Mới đây, một bảo tàng ở Thượng Hải đã phải lên tiếng xin lỗi về cuộc triển lãm đánh giá nhan sắc của 5.000 nữ sinh viên đại học từ "xinh đẹp nhất đến xấu nhất". Sau đó cuộc triển lãm này đã phải đóng cửa vì phản ứng dữ dội từ công chúng.
Trong một bài đăng WeChat đã bị xóa vào thứ 5 (17/6), OCT Contemporary Art Terminal (OCAT) đã quảng cáo tác phẩm trưng bày của nghệ sĩ Song Ta. Tác phẩm nghệ thuật có tiêu đề tiếng Trung là "Campus Flower" và tiêu đề tiếng Anh là "Uglier and Uglier" (tạm dịch: "Xấu hơn và xấu hơn"), là một bộ sưu tập các hình ảnh tĩnh và video được hoàn thành vào năm 2013.
Trong phần giới thiệu dự án, Song Ta cho biết anh thực hiện tác phẩm ở khuôn viên một trường đại học và ghi lại hình ảnh những nữ sinh viên đi ngang qua camera. Sau đó, anh đánh giá và đánh số họ theo mức độ xinh đẹp và biên tập thành một video dài 7 tiếng, bắt đầu từ những người đẹp nhất đến xấu nhất.
"Vì vậy, nếu bạn muốn nhìn thấy nữ hoàng của khuôn viên trường, bạn phải đến bảo tàng càng sớm càng tốt. Nếu không, khi đến chiều, nó sẽ trở thành địa ngục trần gian", Song Ta nói.
Trước sự chỉ trích của công chúng về tác phẩm này, bảo tàng cho biết họ sẽ ngay lập tức gỡ bỏ tác phẩm và đóng cửa triển lãm.
"Sau khi nhận những lời chỉ trích, chúng tôi đã đánh giá lại nội dung của tác phẩm nghệ thuật này và lời giải thích của nghệ sĩ. Chúng tôi nhận thấy nó không tôn trọng phụ nữ và cách thực hiện có vấn đề về vi phạm bản quyền", OCAT cho biết trên Weibo vào sáng 18/6, "Là một bảo tàng ủng hộ sự đa dạng, chúng tôi sẽ coi đây là một lời cảnh báo, cải thiện dịch vụ của mình và ứng xử với tất cả mọi người bằng sự đồng cảm".
Triển lãm đã gây xôn xao dư luận. Nhiều người tự hỏi làm thế nào mà một dự án như vậy lại có thể được trình chiếu tại một trong những bảo tàng hiện đại uy tín nhất Trung Quốc.
"Tác phẩm đó không chỉ xúc phạm phụ nữ mà còn vi phạm quyền hình ảnh cá nhân của con người. Những người phụ nữ trong tác phẩm thậm chí không biết mình đang bị quay phim", một người bình luận trên Weibo.
"Tôi sẽ không đến đây nếu tôi biết có cuộc triển lãm như vậy", Xiao, một nữ sinh viên đại học 22 tuổi, nói với trang Global Times. Cô nhấn mạnh: "Tôi chắc chắn sẽ khiếu nại tác giả, nếu anh ta lấy hình ảnh của tôi mà không có sự cho phép, cũng như công khai đánh giá ngoại hình của tôi một cách bất lịch sự như vậy".
Một tài khoản Weibo viết: "Tác giả thật thô lỗ khi công khai bình luận từ đầu đến chân về những phụ nữ trẻ này với thái độ trịch thượng". "Dưới lớp vỏ bọc nghệ thuật, điều anh ấy làm đã chà đạp lên điểm quan trọng nhất của đạo đức".
Trước những tiêu cực từ dư luận. tác giả Song Ta không trả lời yêu cầu phỏng vấn từ SCMP.
Đây không phải là lần đầu tiên Song Ta làm dậy sóng dư luận về việc đánh giá ngoại hình phụ nữ. Trước đó, vào tháng 1/2013, dự án "Uglier and Uglier" đã được triển lãm tại Trung tâm Nghệ thuật Đương đại UCCA có trụ sở tại Bắc Kinh cũng gây tranh cãi vào thời điểm ấy. Năm 2019, Song Ta đã trở thành tâm điểm gây tranh cãi sau cuộc phỏng vấn với tạp chí Vice của Trung Quốc, khi đánh giá ngoại hình của phóng viên đạt "277" trên 5.000.
Ngoài ra "One Worse than the Other" - một dự án tương tự như "Uglier to Uglier" cũng đã được triển lãm tại Vũ Hán, Trung Quốc, vào tháng 9/2013 với màn trình diễn của 44 nữ tình nguyện viên trên sân khấu, được anh ta cho là "từ xinh đẹp nhất đến xấu xí nhất".