pnvnonline@phunuvietnam.vn
Trước năm 2025 sẽ có mức giá mới cho các dịch vụ khám chữa bệnh
Giá dịch vụ khám chữa bệnh sẽ thay đổi ra sao đang là vấn đề được nhiều người quan tâm.
Nội dung được đưa ra tại buổi gặp mặt cũng cấp thông báo chí tế quý I/2024 và các hoạt động hướng tới kỷ niệm 69 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam (27/2/1955 - 27/2/2024) do Bộ Y tế vừa tổ chức.
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, cho biết, trong luật khám chữa bệnh cũng đã quy định cụ thể về cách tính giá, các thành tố, thành phần hình thành giá dịch vụ khám chữa bệnh. Tất cả các cơ sở khi thực hiện xây dựng giá, kể cả cơ sở y tế tư nhân phải đảm bảo tính minh bạch, xác định rõ cấu phần giá. "Trong luật cũng đã đưa ra những thành tố tính toán vào giá dịch vụ. Hiện nay chúng tôi cũng đang nỗ lực cùng các cơ sở khám chữa bệnh xây dựng mức chi phí kỹ thuật làm căn cứ cho mức giá cụ thể. Lộ trình của giá cũng sẽ theo lộ trình của Chính phủ quy định, dựa trên các chỉ số cũng như các yếu tố kinh tế xã hội", ông Khoa nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, Bộ Y tế thông tin, để thực hiện thành công các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025, trong quý I/2024, Bộ Y tế thực hiện một số pháp trọng tâm: Thứ nhất, tăng cường xây dựng và thực thi văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực y tế. Trên cơ sở Luật Khám bệnh, chữa bệnh sửa đổi có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2023. Bộ Y tế đã tham mưu, trình Chính phủ ban hành Nghị định số 96/2023/NĐ-CP ngày 30/12/2023 quy định chi tiết một số điều của Luật Khám bệnh, chữa bệnh. Đồng thời, Bộ Y tế đã ban hành Thông tư số 32/TT-BYT ngày 31/12/2023 quy định chi tiết một số điều của Luật Khám bệnh, chữa bệnh.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương cho biết, sẽ tiếp tục xây dựng, hoàn thiện các dự án luật, đề án, văn bản trong Chương trình công tác của Chính phủ, Bộ Y tế năm 2024, trong đó tập trung hoàn thành xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược và Nghị định hướng dẫn Luật; tiếp tục hoàn thiện dự án Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi; khẩn trương nghiên cứu, xây dựng Luật phòng bệnh, Luật về thiết bị y tế, Luật an toàn thực phẩm.
Đồng thời tiếp tục xây dựng, hoàn thiện các đề án thực hiện các nhiệm vụ được liên quan đến lĩnh vực y tế, rà soát các văn bản quy phạm pháp luật, xác định vướng mắc, bất cập, chồng chéo để kịp thời sửa đổi, bổ sung, giải quyết hiệu quả các vấn đề phát sinh trong thực tiễn.
Nâng cao hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật ngành y tế và tổ chức thực thi pháp luật nghiêm minh; tiếp tục thực hiện công tác kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật do các bộ, ngành, địa phương ban hành liên quan đến lĩnh vực y tế.