Sắp đến ngày khai giảng cũng là lúc các gia đình bắt đầu chuẩn bị đồ dùng học tập, sách vở chuẩn bị cho năm học mới 2019 - 2020.
Hưởng ứng phong trào sống xanh, hạn chế rác thải nhựa, bảo vệ môi trường đang phát động trên toàn quốc, phong trào ‘tẩy chay’ bọc vở nylon đang được phát động rộng rãi trong cộng đồng phụ huynh, học sinh và ở các trường.
Hình ảnh những cuốn vở được bọc bằng giấy xi-măng, giấy trắng, bìa carton, giấy báo, giấy gói quà đang được chia sẻ mạnh mẽ trên mạng xã hội, mang theo cả tâm trạng háo hức của cha mẹ và các bé, khi được quay về với cách bọc vở truyền thống tuổi thơ của những năm 1970 - 1980.
Chuẩn bị cho năm học mới, chị Nguyễn Thu Minh (Hà Nội) đã đưa các con lên phố Lương Văn Can để mua giấy xi măng về “may áo mới” cho tập vở và sách giáo khoa. Chia sẻ với PNVN, chị Minh cho biết tại con phố này có bán rất nhiều loại giấy có thể dùng để bọc vở. Trung bình, một tờ giấy khổ A0 có giá bán trên dưới 1.000 đồng, có thể bọc được 4 cuốn vở.
Không chỉ bọc vở, dán nhãn theo cách thông thường, bé Khánh Vi, con gái chị Thu Minh (học sinh trường THCS Ngôi Sao Hà Nội) còn tự vẽ, trang trí nhiều họa tiết độc đáo, sáng tạo để trang trí cho những cuốn vở của mình và em gái.
Ở một số trường học, chương trình Nói không với bọc vở nylon cũng đang được các thầy cô giáo phát động với lời nhắn nhủ phụ huynh: “Hãy tìm các bìa giấy báo cũ, các tờ rơi quảng cáo phù hợp... để bọc sách vở. Mà với những quyển vở bìa đã đẹp và cứng rồi, chúng mình chỉ cần dán nhán vở thôi không cần bọc vở đâu. Hành động nhỏ của chúng mình sẽ có ý nghĩa rất lớn góp phần rất lớn cho môi trường Trái đất đấy. Các bạn hãy ghi lại hình ảnh cả nhà cùng bọc và chuẩn bị sách vở để gửi cô giáo chủ nhiệm trong ngày đầu đi học nhé”.
“Dù cách bọc bằng giấy mất thời gian hơn nhưng khi bọc xong, nhìn mỗi cuốn sách giáo khoa hay vở viết được bao bằng những hình vẽ, màu sắc khác nhau rất sinh động, có cảm thấy yêu thích và có ý thức bảo vệ sách vở hơn”, em Quỳnh Trang, học sinh lớp 9, hào hứng giới thiệu về những cuốn vở mình vừa bọc xong.
Bắt đầu từ những hành động nhỏ, việc thay thế bọc sách vở nylon bằng những chất liệu thân thiện hơn với môi trường không chỉ góp phần giảm thiểu rác thải nhựa mà còn giúp thế hệ trẻ thay đổi thói quen, cùng thay đổi để bảo vệ cuộc sống xanh cho chính bản thân mình.