pnvnonline@phunuvietnam.vn
Trước thì về quê ăn Tết, còn giờ là về quê xem mắt
“Có người yêu chưa?”, “Bao giờ thì kết hôn?”…
Đối với những nam thanh nữ tú vẫn còn độc thân, giục cưới là chủ đề khó tránh khỏi mỗi dịp Tết đến xuân về. Cách đây không lâu, một lập trình viên đăng lên trang cá nhân của mình một lịch trình xem mắt kín 7 ngày nghỉ Tết rồi cảm thán “Đi xem mắt còn khó hơn đi làm!”, câu chuyện này khiến một bộ phận lớn cư dân mạng vào bình luận sôi nổi. Ở phần bình luận là một loạt các bình luận đồng cảm như:
“Hiểu hiểu hiểu, tôi cũng đã được lên lịch cho ba cuộc hẹn xem mắt trong một ngày rồi đây!”
“Mỗi năm về nhà lại thấy mình như một cái máy xem mắt không cảm xúc!”
“Sao tôi thấy đi làm còn dễ hơn đi xem mắt ấy nhỉ!”
Những câu chuyện không của riêng ai
Hạ, 29 tuổi, là một nhân viên công sở đang đi làm ở thành phố. Năm ngoái, còn chưa có lịch nghỉ Tết, cô đã được người thân ở quê sắp xếp cho 7 cuộc gặp gỡ xem mắt trong 7 ngày nghỉ Tết. Vì quá áp lực, buổi tối cô đã không thể ngủ được, ban ngày không có tinh thần đi làm. Qua chẩn đoán, Hạ bị mắc phải “hội chứng trước kì nghỉ”. Các chuyên gia cho rằng, đây là vấn đề tâm lý, người trẻ nên học cách tự điều chỉnh, còn cha mẹ cũng nên học cách tôn trọng ý muốn của con cái.
Câu chuyện của lập trình viên và cả Hạ không phải là trường hợp cá biệt, Hân cũng từng được người nhà sắp xếp cho 14 buổi hẹn hò giấu mặt trong 7 ngày, mỗi ngày, một sáng và một chiều, cha mẹ của đằng trai thậm chí còn tới tận nhà để thăm hỏi gia đình cô. Hân chia sẻ rằng cô ấy sẽ bắt đầu mặc quần áo từ sáng sớm, sau đó gặp chàng trai do cha mẹ cô ấy "sắp đặt", cha mẹ của cả hai bên thì trò chuyện sôi nổi trong sân, để lại hai "công cụ hẹn hò" vô hồn lúng túng trong phòng khách trò chuyện với nhau.
Câu chuyện giục cưới, xem mắt có lẽ đã trở thành một “đặc sản” không thể thiếu đối với những “trai chưa vợ, gái chưa chồng”. Đằng sau buổi xem mắt đó có thể là sự bất lực của những người trẻ tuổi, nhưng lại là sự háo hức của những người lớn tuổi. Thực ra, nếu cha mẹ có thể tôn trọng ý muốn của con cái, không kì vọng quá nhiều, còn con cái không hoàn toàn phản kháng, thì việc xem mắt đôi khi cũng có thể trở thành một cách kết bạn để mở rộng vòng tròn xã hội của bản thân.
Không muốn về nhà vì phải đi xem mắt
Một tháng trước kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, bố mẹ Trang (28 tuổi, nhân viên truyền thông) bắt đầu bận rộn. Nhưng không phải là bận rộn chuẩn bị các thứ cho năm mới, mà là bận rộn sắp xếp cho cô nàng các buổi xem mắt.
"Tôi cũng bất giác rơi vào trạng thái lo lắng kể từ lúc đó, cứ nghĩ tới việc về nhà là để đi xem mắt, tôi lại không muốn về nữa. Nhưng cái gì nên đến thì rồi cũng phải đến. Một buổi chiều nọ, tôi nhận được một cuộc gọi, là tiếng của một người phụ nữ, 'Chào con, bác là mẹ của…, nghe mẹ con nói Tết này con sẽ về nhà, con kết bạn với bác nhé, bác cháu mình kết bạn, làm quen nói chuyện với nhau trước con nhé!', tiếp đó, bác ấy giới thiệu về con trai của mình. Lúc này, tôi, người đang nghe một người mẹ giới thiệu về con trai của mình, đã cau mày rồi nghĩ 'Rốt cuộc anh ta là người như nào mà phải để mẹ ra mặt nói chuyện với con gái nhà người ta trước?'.
Vì phép lịch sự, tôi vẫn kết bạn với bác ấy, và tất nhiên sau đó cũng là kết bạn với cậu con trai của bác ấy luôn. Trải qua gần 1 tháng nói chuyện một cách gượng gạo, chúng tôi có lần gặp mặt đầu tiên, nhưng khoảnh khắc bước vào nơi hẹn, tôi đã rất ngạc nhiên, cả anh ta và mẹ đang ngồi đó đợi tôi. Thấy mẹ anh ta nhiệt tình, đôn đáo lo cho con trai tới mức như vậy, tôi cũng thấy thương anh ta. Nói được khoảng 10 phút, mẹ anh ta đứng dậy đi về để hai đứa nói chuyện với nhau.
Về nhà, tôi nói với mẹ rằng người hôm nay tôi gặp hơi kiểu 'con trai ngoan của mẹ' quá, không muốn tiếp xúc thêm. Mẹ nói vì anh ta hơi nhát, khô khan, lại thật thà quá, nói tôi thử nói chuyện thêm một thời gian nữa xem sao, nói xong, mẹ lại rút ra từ đâu 5,6 bức ảnh, hỏi tôi muốn gặp ai trước. Đợi tới khi gặp tới người thứ ba, tôi thực sự mất kiên nhẫn, bởi lẽ tôi không muốn kì nghỉ dài ngày duy nhất trong năm của mình bị phí phạm vào những người xa lạ với những cuộc nói chuyện nhạt nhẽo. Bất lực, tôi đành về nói với mẹ rằng người đàn ông thứ nhất vẫn là được nhất, để tôi thử nói chuyện tiếp xem sao.
Dù thoát được việc xem mắt, nhưng bố mẹ ngược lại ngày nào cũng hỏi:
'Hôm nay có nói chuyện với nhau không?'
'Tiến triển đến đâu rồi?'
'Rủ nhau đi xem phim ăn uống gì đi chứ!'
Tôi đối phó bằng cách nói 'Nói chuyện cũng hợp ạ', hoặc rủ bạn bè đi chơi rồi về nói rằng 'Hôm nay đi cũng được!', muốn tìm lý do đối phó cho hết kì nghỉ, đợi tới khi quay trở lại thành phố rồi sẽ bịa ra lý do gì đó nói không hợp, không tiếp tục được nữa.
Nhưng có một điều tôi bỏ sót đó là tôi quên mất đối phương là “con trai ngoan của mẹ”, khi mẹ tôi cho tôi xem những bức ảnh chụp màn hình cuộc nói chuyện giữa tôi và anh ta, hỏi tôi 'Thế này là ‘cũng hợp’ của con ấy hả?', tôi mới bàng hoàng nhận ra rằng, cuộc trò chuyện của chúng tôi, dù chỉ là những chi tiết nhỏ nhất cũng đều được anh ta báo cáo lại với mẹ, mẹ anh ta sau đó sẽ nói mẹ tôi nhắc nhở tôi 'Nghiêm túc lên một tý!'.
Hết cách, tôi đành trải lòng với bố mẹ, nói tôi không muốn hẹn hò với một người mà câu cửa miệng luôn là 'Mẹ anh nói…', những người còn lại cũng không thú vị, không thể nào chỉ vì bố mẹ hay mọi người nói rằng họ là những người 'hiền lành, tử tế' mà con cứ phải tiếp tục được. May mắn là bố mẹ cũng hiểu cho tôi, nói sẽ không bắt tôi xem mắt nữa, nhưng vẫn động viên tôi kết giao nhiều bạn bè hơn…".
Khó chịu vì mỗi kỳ nghỉ đều có 4 - 5 buổi xem mắt
Xem mắt trong dịp Tết hàng năm, hay mỗi kỳ nghỉ dài ngày nho nhỏ đã trở thành một việc mặc định trong lịch trình kỳ nghỉ của Nhất (29 tuổi, chuyên viên phân tích số liệu). Trong mắt bố mẹ anh, không có việc gì quan trọng hơn việc đi xem mắt, kết hôn. Hơn nữa, anh cũng có một người cô rất giỏi mai mối, vì vậy mỗi kỳ nghỉ dài ngày, ít cũng phải bốn hoặc năm buổi hẹn hò.
"Nhưng năm ngoái có chút khác biệt, bởi lẽ buổi xem mắt đầu tiên diễn ra vô cùng gượng gạo, tôi cũng đã nói rõ với bố mẹ rằng tôi thực sự không muốn mất thời gian vào mấy chuyện như vậy nữa, tôi chỉ muốn có một kỳ nghỉ yên tĩnh và thảnh thơi.
Công ty chúng tôi nghỉ Tết Nguyên đán về sớm hơn 2 ngày so với quy định, và vì tôi sinh ra và lớn lên tại đây nên không cần phải mua vé về quê ăn Tết. Nhưng thấy tôi được nghỉ sớm, bố mẹ tôi đã lập tức hành động.
Mẹ và cô đã bắt đầu lên kế hoạch cho một buổi gặp mặt từ lúc nào tôi không hay. Thực ra trước đó tôi cũng đã thấy ngờ ngợ rồi, mẹ cứ giục tôi đi cắt tóc, còn hỏi tôi có bộ quần áo nào lịch sự tý không, không thì để lát đi chợ mẹ mua luôn cho.
Tới ngày hôm đó, họ hẹn nhau 12h ăn cơm, sáng sớm 8h mẹ đã gọi tôi dậy, nói tôi ăn mặc chỉn chu một tý, bảo rằng hôm nay là ngày hội bạn thân lâu năm của mẹ gặp mặt, con ăn vận trông cho đẹp trai lên một tý cho mẹ mát mặt, không hề đề cập tới việc đây là bữa ăn xem mắt.
Nhưng trùng hợp là ngày hôm đó, sếp lại báo có công việc cần tôi xử lý gấp. Hết cách, tôi chỉ còn biết cách xử lý công việc trước, rồi bảo mẹ cứ đi trước. Trong suốt 1 tiếng tôi xử lý công việc, mẹ gọi điện cho tôi liên tục. Xử lý xong công việc, trong sự gấp gáp và vội vàng, tôi đã ra ngoài trong bộ dạng 'không được đẹp trai cho lắm!'.
Khoảnh khắc bước vào nhà hàng, tôi ngớ người. Ngoài người cô của tôi ra thì bạn thân của mẹ chẳng thấy đâu, chỉ thấy một cô gái mà tôi không hề quen biết cùng mẹ của cô ấy. Khỏi phải nói lúc đó tôi thấy xấu hổ ra sao, nhưng mẹ tôi thì không, vẫn hết mực khen ngợi con trai, nói bình thường tôi cũng rất chỉn chu, chỉ có điều hôm nay công việc bận rộn quá.
Lúc đầu tôi còn ngồi mỉm cười lắng nghe cuộc nói chuyện, nhưng việc bị nói dối và việc ăn mặc vô cùng xuề xòa tới đây khiến tôi cảm thấy khá khó chịu, sau đó, không kiên nhẫn được nữa, tôi nói dối rằng mình đi vệ sinh rồi bỏ về luôn.
Tất nhiên tôi biết hành động đó sẽ khiến mẹ và cô tôi khó xử, nhưng tôi cũng cần thể diện! Sau đó, tôi nghiêm túc nói với họ, chuỗi ngày xem mắt dịp Tết, chính thức kết thúc tại đây. Họ dường như cũng ý thức được cái sự không ổn thỏa trong buổi gặp mặt hôm đó nên cũng cho tôi 'nghỉ lễ'!".