Trường công ở Ấn Độ ưu tiên môn học Hạnh phúc

09/01/2019 - 16:26
Nhận thức được tầm quan trọng đó, từ tháng 7/2018 đến nay, các trường học công ở Ấn Độ đã đưa môn hạnh phúc vào trong trường học. Môn học về hạnh phúc luôn được ưu tiên xếp vào giờ học đầu tiên trong thời khoá biểu, được học liên tục từ thứ 2 đến thứ 7. 
Dạy trẻ cảm nhận hạnh phúc bằng cách đi sâu nội tâm
 
Ngày nay, trẻ em không chỉ cần được trang bị kiến thức mà còn cần được hướng dẫn, chuẩn bị tâm lý đối diện với những vấn đề thực tiễn của cuộc sống trước khi bước vào đời. Trước nhu cầu thực tế đó, một số quốc gia trên thế giới, trong đó có Ấn Độ và Nhật Bản đã có nhiều nỗ lực và sáng tạo trong việc đưa vào trường học những môn học mới nhằm giúp học sinh có một cuộc sống hạnh phúc hơn.
 
Các công trình nghiên cứu gần đây cho thấy, chỉ số cảm xúc có vai trò quan trọng trong thành công của mỗi người. Nhận thức được tầm quan trọng đó, từ tháng 7/2018 đến nay, các trường học công ở Ấn Độ đã đưa môn Hạnh phúc vào trong trường học.
 
a-2.jpg
Một trong các hoạt động của học sinh trong giờ học hạnh phúc

 

Môn học về hạnh phúc luôn được ưu tiên xếp vào giờ học đầu tiên trong thời khoá biểu, được học liên tục từ thứ Hai đến thứ Bảy. Trong một tiết học về hạnh phúc, học sinh có thể tham gia rất nhiều hoạt động như: học cách hít thở sâu, làm chủ hơi thở - thiền định và học cách kể chuyện… Ví dụ như: giáo viên cầm cây bút lên trước lớp và nói với học sinh về nguồn gốc, cách thức sản xuấ, và những người tham gia vào các công đoạn sản xuất cây bút. Trên cơ sở đó, học sinh có thể tham gia ý kiến, kể những câu chuyện có liên quan để tìm ra giá trị và ý nghĩa của những điều mình đang nói đến. Đặc biệt là ở môn học hạnh phúc, học sinh không cần mang sách vở, ghi chép bài học, giáo viên cũng không đánh giá học sinh bằng điểm số.
 
Suraj Sharma, một học sinh 12 tuổi cho rằng: “Em rất vui khi được học môn học này. Ở đây em học được nhiều kỹ năng lý thú, nhất là cách tập trung, làm chủ hơi thở. Điều đó, giúp em học tốt hơn và ngủ ngon hơn”.
 
a-4.jpg
Giờ học hạnh phúc là cách giúp học sinh tránh được áp lực học hành, thi cử và làm chủ cuộc đời một cách tốt hơn

  

Bà Madhuri Mehta - CEO của Blue Orb, một tổ chức giáo dục truyền bá các giá trị tinh thần, đơn vị được chính phủ Ấn Độ chọn để thực hiện đề án giờ học hạnh phúc cho các trường học, cho biết: “Môn học hạnh phúc không phải là môn học lý thuyết, không có sách vở nào dạy hạnh phúc, giáo viên chủ động soạn ra giáo án của riêng mình và linh hoạt trong cách tổ chức và giảng dạy. Đây cũng là môn học cần nhiều sự sáng tạo để giúp học sinh hiểu được ý nghĩa, giá trị thông qua câu chuyện kể, hoặc thông qua các hoạt động. Mục đích của giờ học “hạnh phúc” là giúp học sinh làm chủ cuộc đời một cách tốt hơn. Cụ thể hơn là giúp trẻ giảm áp lực học tập, vượt qua những cú sốc như điểm số thấp hay thi rớt. Bên cạnh đó, giúp trẻ hiểu về chính bản thân mình cũng rất quan trọng, khi hiểu rằng mỗi người đều có kỹ năng, sở trường, và sở đoản riêng, trẻ sẽ tránh được cảm giác tự ti và mặc cảm tiêu cực để hoàn thiện mình theo hướng tích cực hơn”.
 
Khám phá niềm vui từ những giọt nước mắt
 
Những năm gần đây, Nhật Bản được xếp vào một trong những nước có cường độ làm việc cao nhất thế giới. Nhiều người tự tử vì áp lực công việc. Đó là lời cảnh báo buộc Nhật phải quan tâm nhiều hơn đến việc chăm sóc sức khỏe tinh thần. Cũng chính vì lý do đó mà thầy giáo Hidefumi Yoshida (43 tuổi) được nhận được rất nhiều lời mời đến các trường học và công ty để dạy "khóc". 
 
Sau một thời gian làm việc với các giáo sư ở khoa Dược, Trường Đại học Toho, Yoshida đã nhận ra rằng khóc giúp ích rất nhiều trong việc giảm các áp lực tâm lý. Chính vì vậy, từ năm 2014 đến nay, anh đã bắt đầu tổ chức những lớp dạy khóc. Trong vòng 2 năm, Yoshida đã nhận được hàng trăm lời mời của các trường học và công ty.
 
a1.jpg
Thầy giáo Hidefumi Yoshida cho rằng, khóc là cách giảm stress còn tốt hơn cả nụ cười và giấc ngủ

  

Giáo sư Junko Umihara thuộc trường Y khoa Nippon cho biết: "Khóc làm thư giãn các dây thần kinh tự chủ bằng cách kích thích hoạt động dây thần kinh giao cảm. Khóc vì vui hay buồn cũng là cách giảm stress và cải thiện sức khỏe tinh thần hiệu quả”.
 
Thầy giáo Yoshida cho rằng: “Khóc một tuần một lần sẽ giúp giải tỏa mọi căng thẳng. Khóc giúp giảm stress còn tốt hơn cả nụ cười và giấc ngủ”. Nếu như không biết làm thế nào để khóc thì thầy giáo Yoshida đề nghị các học viên của mình có thể đọc truyện, nghe nhạc, xem phim buồn… để những cảm xúc sâu kín chất chứa trong trái tim có dịp được giải phóng. Thầy Yoshida còn kể thêm: “Trước đây, học trò thường hay chia sẻ những phiền muộn với tôi. Từ khi tôi dạy khóc, tôi nhận ra rằng các em không cần tôi tư vấn nữa”.
 
Yoshida và các giáo sư Nhật Bản không phải là người đầu tiên khám phá ra rằng khóc có lợi cho sức khỏe tinh thần. Trước đó, năm 1981, tiến sĩ William Frey, Đại học Minnesota đã tuyên bố sau công trình nghiên cứu của ông rằng: Khóc sẽ giải phóng endorphin, thúc đẩy cảm giác hạnh phúc khiến người ta cảm thấy dễ chịu hơn trong những hoàn cảnh khó khăn ngặt nghèo.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm