Trưởng đại diện UN Women: "Việt Nam đang ở một vị thế tốt để đạt được sự phát triển bền vững, bao trùm"

Hải Yến (thực hiện)
21/01/2025 - 19:04
Trưởng đại diện UN Women: "Việt Nam đang ở một vị thế tốt để đạt được sự phát triển bền vững, bao trùm"

Các em học sinh tại sự kiện “Trẻ em gái làm chủ tương lai” do UN Women tại Việt Nam phối hợp tổ chức ở tỉnh Vĩnh Long, ngày 12/10/2024

Năm 2025 đánh dấu kỷ niệm 30 năm Tuyên bố và Cương lĩnh Hành động Bắc Kinh (BDPA) được thông qua (1995-2025). Nhân dịp này, PNVN đã có cuộc trao đổi với bà Caroline Nyamayemombe, Trưởng đại diện Cơ quan Liên hợp quốc về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UN Women) tại Việt Nam, xung quanh những thành tựu của Việt Nam cũng như thách thức cần giải quyết nhằm đảm bảo quyền của phụ nữ trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội.
Thành công trong xây dựng khung pháp lý về bình đẳng giới

PV: Trong 30 năm qua, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể trong thúc đẩy bình đẳng giới. Theo bà, thành tựu nổi bật nhất của Việt Nam trong thực hiện Cương lĩnh Hành động Bắc Kinh là gì?

Bà Caroline Nyamayemombe: Theo tôi, thành tựu nổi bật nhất của Việt Nam chính là xây dựng được một khung pháp lý về bình đẳng giới vững chắc. Luật Bình đẳng giới và các Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới trong 10 năm qua đã tạo nền tảng quan trọng để lồng ghép giới vào các văn bản pháp luật trong nhiều lĩnh vực. 

Luật Bình đẳng giới quy định việc đánh giá tác động giới đối với mọi văn bản pháp luật, qua đó đảm bảo các quan điểm giới được lồng ghép hiệu quả vào các quy định pháp luật. Cách tiếp cận này giúp Việt Nam giải quyết 12 lĩnh vực trọng tâm của Cương lĩnh Hành động Bắc Kinh một cách hệ thống và liên ngành.

Tuy nhiên, Việt Nam vẫn còn những thách thức cần giải quyết. Tôi cho rằng việc huy động và phân bổ nguồn lực cho bình đẳng giới vẫn là một vấn đề đáng lưu tâm. Mặc dù các chính sách và luật pháp vững chắc, việc thực thi hiệu quả đòi hỏi phải có đủ nguồn lực tài chính và tăng cường năng lực đội ngũ nhân sự. 

Một thách thức khác là thiếu dữ liệu để theo dõi và đánh giá tác động của các luật và chính sách này. Dữ liệu đáng tin cậy cho phép Chính phủ đánh giá kết quả, điều chỉnh chính sách khi cần thiết và đảm bảo các nỗ lực bình đẳng mang lại lợi ích cho cả phụ nữ và nam giới. 

Trưởng đại diện UN Women: "Việt Nam đang ở một vị thế tốt để đạt được sự phát triển bền vững, bao trùm"- Ảnh 1.

Bà Caroline Nyamayemombe, Trưởng đại diện UN Women tại Việt Nam

Việc củng cố hệ thống dữ liệu và đầu tư vào các cơ chế giám sát là ưu tiên cấp bách để duy trì và mở rộng những tiến bộ đã đạt được.

PV: UN Women đã hợp tác với Việt Nam như thế nào để giải quyết các vấn đề như bạo lực giới, công việc chăm sóc không được trả công và phân biệt đối xử? Theo bà, làm thế nào để tăng cường mối quan hệ hợp tác này?

Bà Caroline Nyamayemombe: UN Women đã tích cực hợp tác với các bộ, ngành trong việc thúc đẩy bình đẳng giới. Để tăng cường mối quan hệ hợp tác này, điều cần thiết là phải thiết lập các mục tiêu và chỉ tiêu rõ ràng, phù hợp với các Mục tiêu Phát triển Bền vững. 

Tuyên bố và Cương lĩnh Hành động Bắc Kinh (BDPA) được thông qua tại Hội nghị Thế giới lần thứ tư về phụ nữ vào năm 1995 tại Bắc Kinh, Trung Quốc. Đây là một cam kết quốc tế mang tính bước ngoặt nhằm thúc đẩy bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ trên toàn cầu. Năm 2025 đánh dấu kỷ niệm 30 năm của BDPA. Việt Nam là một trong nhiều quốc gia đã hoàn thành Báo cáo đánh giá quốc gia về 30 năm thực hiện BDPA.

Việt Nam đã thể hiện cam kết mạnh mẽ trong việc đạt được các Mục tiêu Phát triển Bền vững, đặc biệt là Mục tiêu số 5 về bình đẳng giới. Việt Nam đã nhận thức rằng, cần có sự hợp tác giữa các cơ quan chính phủ, khu vực tư nhân, các tổ chức đoàn thể và cộng đồng.

UN Women đã hợp tác sâu rộng với nhiều đối tác trong việc giải quyết bạo lực đối với phụ nữ. Chúng tôi đã chứng kiến sự tiến bộ đáng kể khi các tỉnh, thành phân bổ nguồn lực để hỗ trợ các dịch vụ thiết yếu, như các trung tâm tạm lánh cho người sống sót sau bạo lực và đầu tư vào các biện pháp phòng ngừa, bao gồm các chiến dịch nâng cao nhận thức. 

Những khoản đầu tư có mục tiêu này có tác động rõ rệt trong việc giảm các vụ bạo lực. Gần đây, UN Women đã hợp tác với Vietnam Airlines để thúc đẩy các hoạt động trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp có thể góp phần chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ. 

Việc hợp tác này đã mang lại kết quả là các khoản quyên góp cho các trung tâm tạm lánh, một trong những dịch vụ thiết yếu mà người sống sót sau bạo lực cần.

Chuyển cam kết thành chương trình hành động

PV: Chuyển đổi số và chuyển đổi xanh đang là xu hướng của thế giới. Theo bà, Việt Nam cần làm gì để đảm bảo rằng phụ nữ không bị bỏ lại phía sau trong quá trình chuyển đổi ấy?

Bà Caroline Nyamayemombe: Việt Nam đã nhận thức được rằng, bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ là yếu tố trung tâm đối với sự thành công của quá trình chuyển đổi xanh và chuyển đổi số. 

Trưởng đại diện UN Women: "Việt Nam đang ở một vị thế tốt để đạt được sự phát triển bền vững, bao trùm"- Ảnh 2.

Người dân tham dự chuyến xe buýt đầu tiên của chiến dịch “30 Bus 2030”, gồm 30 chuyến xe buýt tới các thành phố tại Việt Nam, nhằm ghi nhận những thành tựu về bình đẳng giới tại Việt Nam, nhân kỷ niệm 30 năm thực hiện Cương lĩnh và Tuyên bố hành động Bắc Kinh

Điều cần thiết bây giờ là phải chuyển các cam kết, nhận thức này thành các chương trình rõ ràng và có thể đo lường được. Vẫn còn những khoảng trống đáng kể trong kỹ năng số, nhận thức về an ninh mạng và cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin. 

Để giải quyết những thách thức này, cần có cách tiếp cận tập trung vào phụ nữ, thân thiện với phụ nữ, huy động sự tham gia của các đối tác có chuyên môn. Đặc biệt, cần chú trọng đến phụ nữ dân tộc thiểu số cũng như các nhóm dễ bị tổn thương khác.

Hiện tại, chúng tôi đang hợp tác với các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Hội Nữ doanh nhân Việt Nam để hỗ trợ doanh nghiệp trong việc sử dụng năng lượng tái tạo. Tuy nhiên, một thách thức lớn mà phụ nữ thường xuyên gặp phải là thiếu tài chính. 

Việc thiết lập các cơ chế tài chính để phụ nữ có thể tham gia và đóng góp một cách hiệu quả là yếu tố then chốt để vượt qua rào cản này. Quá trình chuyển đổi xanh dự kiến cũng sẽ tạo ra nhiều công việc và cơ hội mới cho phụ nữ.

Để đảm bảo bình đẳng giới, chúng ta cần giải quyết khoảng cách giới trong giáo dục và việc làm trong các lĩnh vực STEM. Bằng cách tập trung vào các can thiệp có mục tiêu như vậy, Việt Nam có thể đảm bảo rằng phụ nữ không bị bỏ lại phía sau trong các quá trình chuyển đổi xanh và chuyển đổi số. 

Tôi tin rằng, Việt Nam đang ở một vị thế tốt để đạt được sự phát triển bền vững, bao trùm và công bằng cho tất cả mọi người.

PV: Trân trọng cảm ơn bà!

Tại Hội nghị Bộ trưởng Khu vực Châu Á - Thái Bình Dương đánh giá 30 năm thực hiện Tuyên bố và Cương lĩnh hành động Bắc Kinh diễn ra tại Bangkok (Thái Lan) hồi tháng 11/2024, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Hà cho biết, trong 30 năm qua, đặc biệt là giai đoạn 2019-2024, Việt Nam đã quyết tâm hiện thực hóa các mục tiêu của Cương lĩnh hành động Bắc Kinh và các cam kết quốc tế khác về bình đẳng giới.

Chỉ số bình đẳng giới của Việt Nam năm 2024 xếp hạng 72/146 quốc gia. Tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội luôn ở mức cao trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương (đạt 30,26%). Phụ nữ Việt Nam chiếm 46,8% lực lượng lao động cả nước. Tỷ lệ tham gia lực lượng lao động của lao động nữ là 62,4%. Tỷ lệ doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ đạt 28,2%. Ngày càng có nhiều gương mặt nữ doanh nhân và nữ giám đốc điều hành tiêu biểu của Việt Nam được các diễn đàn kinh tế thế giới ghi nhận và tôn vinh.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm