Trường học chuyên 'trị' những cô nàng tuổi ô mai nổi loạn

01/07/2018 - 07:43
Đây là năm thứ 2 Huỳnh Như Tú (SN 2003) sống và học tập tại Trường nội trú IVS (cơ sở quận Thủ Đức, TPHCM). Năm nay Như Tú học lớp 9. Cô bé với nước da trắng như sữa, tóc tết hai bím, khuôn mặt bụ bẫm cực dễ thương, khó ai ngờ em từng là một học sinh cá biệt.

Ngả rẽ bất ngờ

Tú kể, năm lớp 7 em chuyển ra học trường tư, đến năm lớp 8 thì quay lại trường cũ. Vào ngày đầu tiên nhập học, em đã bị các bạn kiếm chuyện bắt nạt. “Em vốn là học sinh cũ ở trường mà mấy bạn xem em như học sinh mới, thế là bắt nạt. Mà bắt nạt em đâu có được, em cũng đánh lộn luôn”, Như Tú hồn nhiên kể về “quá khứ iêng hùng” của mình. Tú cho hay, về nhà bị mẹ chửi hoài nên ngán quá, em trốn học luôn, bỏ nhà đi 2 ngày. Tú được một người anh chở đi chơi, hút shisha rồi bị mẹ bắt gặp. Cô bé không ngờ sau lần đó bị mẹ đưa vào trường IVS.

5a.jpg
Ảnh minh họa

 

“Ngay trong tối hôm đó, cả nhà đưa em tới trường IVS, trên xe có cả cô, dì, chú, bác luôn. Dù trước đây mẹ từng dọa là nếu em hư thì sẽ đưa vào trường này, nhưng em vẫn nghĩ là mẹ không dám vì sợ xa con. Chỉ đến khi ngồi ở phòng trực ban, nhìn vào camera thấy mẹ đi về em mới bật dậy mở cửa chạy ra nhưng bị chặn lại...”, Như Tú nhớ về ngày đã thay đổi cuộc đời cô bé.

 

Sợ. Khóc. 12h đêm Tú vẫn không ngừng khóc, các thầy cô phải xức dầu vào người cho em. “Em khóc nguyên đêm luôn. Lúc đó cảm giác sợ lắm, không được gặp ba mẹ nhớ lắm, lại sợ bị quản thúc, không được chơi, không được quậy, giống như con chim đang bay thì bị nhốt trong lồng vậy đó”, cô bé kể, giọng vẫn chưa hết hoàn hồn.

 

Cũng có một “quá khứ iêng hùng” không kém Tú, cô bé Mai Lan Vy (SN 2002, quê Biên Hòa, Đồng Nai) kể lại: Hồi xưa em học trường ngoài, thường xuyên đánh lộn với các bạn trong trường. Lần đầu em bị trường cảnh cáo, lần hai mời phụ huynh, lần ba thì bị nhà trường đuổi học. Lan Vy nghỉ học 1 năm trước khi vào trường IVS.

 

Vy kể, hồi tiểu học em vốn là một học sinh ngoan nhưng từ năm lớp 6 thì với sự phát triển của mạng xã hội, tiếp xúc với môi trường mới, Vy trở nên đua đòi. “Em đánh nhau, rồi xăm mình, tập hút thuốc, thấy bạn làm gì cũng đua đòi theo trở thành bản tính, đến khi muốn thay đổi thì cũng không được nữa”...

 

Năm nay, Lan Vy đang học lớp 9A2 của Trường nội trú IVS.

 

“Đơn thuốc” riêng cho những học trò cá biệt

 

Trường nội trú IVS là một hệ thống trường đặc biệt dành cho những học sinh cá biệt và trẻ nghiện game, thuộc Viện nghiên cứu phát triển Võ Việt Nam và Thể thao, được thành lập từ năm 2009.

thay-le-anh.jpg
Thầy Đặng Lê Anh, Phó viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển Võ Việt Nam và Thể thao

 

Thầy Đặng Lê Anh – Phó viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển Võ Việt Nam và Thể thao, nói rằng: “Học sinh cá biệt không phải là hư mà là các em có những suy nghĩ và hành vi chưa đúng với chuẩn mực xã hội. Đối với học sinh nói chung, đặc biệt là học sinh cá biệt thì điều quan trọng mà các em cần đó là tình yêu thương, nhưng đó phải là tình yêu thương đúng cách”.

 

Thầy Lê Anh phân tích, ví dụ như cha mẹ ở nhà rất yêu thương các con nhưng nếu quá chiều chuộng, quá nô lệ vào những sở thích của con thì chính điều đó làm con hư. Đối với một học sinh cá biệt, chúng ta cần biết các em đang hạn chế ở điểm gì, gặp khó khăn ở mặt gì và cần chấp nhận các em, không lên án, không phê phán và không coi những hành vi của các em là xấu xa, tội lỗi. Chúng ta cần phân tích cho các em hiểu cần thay đổi để cuộc sống trở nên tốt hơn, để các em học tập, trưởng thành và làm việc ngoài xã hội hiệu quả hơn. “Gọi học sinh cá biệt tức là rất đặc biệt, mà đặc biệt thì không giống nhau, mỗi em giống như một cá thể riêng biệt và chúng ta phải làm việc với từng cá thể đó để đưa ra những liệu pháp giáo dục phù hợp. Liệu pháp giáo dục nó giống như một đơn thuốc vậy”, thầy Lê Anh nói.

 

Điều quan trọng để có thể cảm hóa “những trái tim non nổi loạn”, là thầy cô phải luôn song hành với các em, còn gia đình thì phải đồng hành cùng nhà trường, chia sẻ và thay đổi quan niệm về tình yêu thương cũng như sự chăm sóc con cái thì giáo dục mới hiệu quả. Qua quá trình rèn luyện tại ngôi trường này, những nữ sinh cá biệt như Lan Vy, Như Tú đều đã có sự thay đổi đáng ghi nhận.

 

Giác ngộ lẽ sống thiện

 

Đúng 3 tháng sau khi vào trường IVS, Như Tú được gặp mẹ. “Em khóc quá trời luôn, em bày tỏ suy nghĩ của mình với mẹ, nói là con biết lỗi rồi, hồi trước con đã làm ba mẹ buồn, con xin lỗi. Lời xin lỗi đó làm mẹ em khóc luôn”, Như Tú ngậm ngùi.

 

Tú kể, tại IVS, em vừa học văn hóa như ở những ngôi trường ngoài, lại được học nhiều môn thể thao như võ, bơi, bóng chuyền, bóng rổ... “Em thích học võ, nhưng là để tự vệ chứ không phải để đánh lộn. Giờ em đã biết suy nghĩ rằng, chuyện gì cũng phải giải quyết bằng cái đầu chứ không phải bằng tay chân, nắm đấm”.

 

Đó cũng là lời khẳng định của Lan Vy - cô bé từng nhiều lần đánh bạn đến mức bị nhà trường cho nghỉ học trước khi vào IVS. “Em ân hận vì ngày xưa mình không biết suy nghĩ mà lại đánh lộn, đó cũng là bạn của mình mà tại sao lại đánh bạn ấy trước mặt mọi người, em cảm thấy ngày xưa mình không tôn trọng bạn ấy, em thấy em sai...”, Lan Vy nói, khuôn mặt trầm tư.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm