Trường học nhập nhèm thu BHYT với 'thu hộ' bảo hiểm thương mại

14/03/2019 - 15:43
Theo BHXH Việt Nam, hiện nay đang diễn ra tình trạng đánh đồng vai trò cơ sở giáo dục trong thực hiện BHYT với việc thu các loại hình bảo hiểm thương mại, gây ra sự hiểu nhầm, hiểu sai bản chất và tính nhân văn của chính sách BHYT.
Những năm qua, quyền lợi khám, chữa bệnh của nhân dân nói chung và học sinh sinh viên (HSSV) nói riêng khi tham gia BHYT đang được mở rộng, đặc biệt từ ngày 01/01/2016, quy định thông tuyến huyện đã tạo nhiều thuận lợi cho việc khám, chữa bệnh đối với người tham gia BHYT, trong đó có học sinh, sinh viên. Nhiều bệnh nhân là học sinh đã được Quỹ BHYT chi trả chi phí điều trị lên đến hàng trăm triệu đồng như các trường hợp điều trị ung thư, chạy thận nhân tạo; phẫu thuật tim mạch từ vài chục triệu đến hàng trăm triệu đồng...
 
Theo thống kê, tỷ lệ HSSV tham gia BHYT tăng đáng kể qua các năm; từ 70% năm học 2010 – 2011; đến năm học 2017 – 2018 là 93,97% với khoảng 1,59 triệu học sinh, sinh viên tham gia. Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn khoảng 6,03% số HSSV chưa tham gia BHYT.
 
Một thực tế đang diễn ra hiện nay là tỷ lệ HSSV tham gia BHYT ở những năm thứ nhất khá cao; đến năm thứ 2 trở đi thì giảm không ít. Qua đây có thế thấy nhận thức còn hạn chế của một bộ phận không nhỏ HSSV và phụ huynh về tầm quan trọng của BHYT. Đồng thời hoạt động tuyên truyền, phổ biến về vai trò và ý nghĩa của việc tham gia BHYT đối với HSSV còn có những bất cập; sự vào cuộc chưa thực sự quyết liệt của các cơ quan, ban ngành liên quan để đạt được mục tiêu 100% các trường và số HSSV tham gia.
 
Theo BHXH Việt Nam, thực tiễn tổ chức triển khai thực hiện, có một số cơ sở giáo dục tổ chức thu nhiều khoản phải đóng góp vào đầu năm học, gây sức ép tài chính cho các hộ gia đình, bên cạnh những khoản đóng góp có tính chất bắt buộc, trong đó có BHYT thì có những khoản “thu hộ” như bảo hiểm thương mại.
 
Tuy nhiên, các cơ sở giáo dục không tuyên truyền, phổ biến rõ cho phụ huynh học sinh biết với việc thu BHYT là trách nhiệm của cả gia đình và nhà trường nhằm đảm bảo quyền lợi và sức khỏe của các em học sinh. Điều này dẫn đến hiểu nhầm, thậm chí là hiểu sai bản chất ưu việt, tính nhân văn trong chính sách, pháp luật BHYT của Nhà nước; đánh đồng vai trò của cơ sở giáo dục trong thực hiện BHYT với việc thu các loại hình bảo hiểm thương mại.
 
Đây là hạn chế, bất cập cần phải chấn chỉnh ngay, vì nếu không sẽ tác động, ảnh hưởng tiêu cực đến quá trình tổ chức thực hiện chủ trương, chính sách, pháp luật của Nhà nước về BHYT. Cách làm như vậy dễ dẫn đến những nhận thức không đúng bản chất, không toàn diện của phụ huynh và đặc biệt là các em HSSV – thế hệ chủ nhân tương lai của đất nước về BHYT.  
 
Khắc phục tình trạng này, BHXH Việt Nam đã chỉ đạo BHXH các tỉnh, thành phố phối hợp chặt chẽ với Sở Giáo dục - Đào tạo, tham mưu UBND tỉnh, thành phố ban hành công văn chỉ đạo các cơ sở giáo dục; quán triệt thực hiện nghiêm túc BHYT học sinh, sinh viên, nhận thức rõ vai trò và thực hiện công tác thu, y tế học đường theo đúng quy định pháp luật, với tinh thần trách nhiệm cao nhất. Yêu cầu các cơ sở giáo dục phải phổ biến rõ tới phụ huynh học sinh, sinh viên về nghĩa vụ tham gia BHYT là quy định bắt buộc đã được Luật hóa.
bao-hiem-y-te-hoc-sinh-sinh-vien2.jpg
Hiên nay có khoảng 1,59 triệu học sinh, sinh viên tham gia BHYT
Ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội, cho rằng: Hiểu đúng ý nghĩa của BHYT, tích cực thực hiện trách nhiệm tham gia BHYT, HSSV sẽ học được cách chia sẻ, đồng cảm với những người không may gặp rủi ro về sức khỏe xung quanh chúng ta và có thể đó là bạn bè, anh em gần gũi với chúng ta. Từ đó góp phần định hình nhân cách sống tốt đẹp của thế hệ trẻ, chủ nhân tương lai của đất nước - một thế hệ không chỉ biết sống có trách nhiệm với bản thân mình mà còn sống có trách nhiệm với cộng đồng, xã hội.
 
Để thực hiện 100% HSSV tham gia BHYT, ông Bùi Sỹ Lợi cho rằng, đòi hỏi sự vào cuộc của các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương và cơ sở, các ngành chức năng, trong đó đặc biệt lưu ý vai trò của ngành giáo dục, đào tạo, lao động, thương binh và xã hội, BHXH và y tế. Các cơ quan này phải phối hợp chặt chẽ trong tổ chức, triển khai thực hiện chính sách BHYT. Trong đó, công tác tuyên truyền, vận động để HSSV nhận thức đúng ý nghĩa của BHYT vẫn là giải pháp quan trọng nhất, trong đó phải đặc biệt gắn quyền lợi và trách nhiệm thực hiện pháp luật của công dân đối với mỗi HSSV.
 
bao-hiem-y-te-hoc-sinh-sinh-vien.jpg
Ảnh minh họa

Theo báo cáo của BHXH Việt Nam, đến hết tháng 02/2019, số người tham gia BHXH bắt buộc là 14,5 triệu người; BHXH tự nguyện là 280 nghìn người; BH thất nghiệp là 12,73 triệu người; BHYT là 83,6 triệu người, đạt tỷ lệ bao phủ 87,7% dân số.

Trong 02 tháng đầu năm, cả nước đã có gần 30 triệu lượt người được bảo đảm các quyền lợi về BHXH, BHYT. Trong đó, 19.791 người hưởng lương hưu và trợ cấp BHXH hàng tháng; 108.088 người hưởng trợ cấp 1 lần; 1.726.546 lượt người hưởng chế độ ốm đau, thai sản, dưỡng sức, phục hồi sức khỏe; 27,79 triệu lượt người khám, chữa bệnh BHYT.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm