Trường nghề ứng biến dạy học thực hành trong bối cảnh Covid-19

Nhật Lam
11/10/2021 - 08:25
Trường nghề ứng biến dạy học thực hành trong bối cảnh Covid-19

Sinh viên đảm bảo phòng dịch khi thực hiện "3 tại chỗ" tại trường nghề - Ảnh: Tổng cục Giáo dục Nghề nghiệp (Bộ LĐTBXH)

Với đặc thù thực hành chiếm phần lớn nội dung đào tạo, không ít trường nghề đang đối mặt với khó khăn khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Trong khi một số cơ sở lựa chọn cách đào tạo “3 tại chỗ”, nhiều cơ sở ứng biến trong bài giảng online, ưu tiên học lý thuyết trước và chờ ngày học tập trung để triển khai thực hành.

Cùng với nhiều cơ sở giáo dục khác, khối trường nghề cũng đang tìm mọi cách ứng biến trước khó khăn do đại dịch Covid-19 gây ra, bước đầu thực hiện phương pháp dạy học trực tuyến. Nhận định của Cục Giáo dục Nghề nghiệp (Bộ LĐTBXH) cho thấy, cách dạy và học trực tuyến ở trường nghề bước đầu có hiệu quả. Phương thức này giúp thầy và trò chủ động làm chủ công nghệ, tiếp cận với khối kiến thức không giới hạn. Một ưu điểm nữa là nhà trường có thể tiếp cận và mời giảng viên giỏi trong nước, quốc tế tham gia tư vấn, giảng dạy, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo. Sinh viên học trực tuyến cũng linh hoạt hơn khi dễ dàng trao đổi, thảo luận nhóm online cũng như hệ thống lại bài giảng dễ dàng hơn. Sau khi quay trở lại trường, phần lớn thời gian học tập sẽ được ưu tiên cho phần thực hành.

Tuy nhiên, với phần thực hành thì đây quả là bài toán khó, đặc biệt với những ngành nghề có phần đào tạo thực hành chiếm phần lớn chương trình như cơ điện, điện tử điện lạnh, công nghệ ô tô... Ông Chu Đức Khoan, Trưởng khoa Điện tử - Điện lạnh, trường Cao đẳng nghề Kỹ thuật công nghệ Hà Nội, cho biết, để khắc phục khó khăn trong thời điểm hiện tại, giáo viên truyền tải các kỹ năng hướng dẫn mẫu bằng cách mô phỏng qua video. Sau khi xem video hướng dẫn, cả thầy và trò cùng tương tác, trao đổi. Tuy nhiên, việc dựng video mô phỏng rất tốn kém, đòi hỏi người quay phải có kỹ năng. Vì vậy, đây chỉ là phương án tình thế, bởi khâu thực hành vẫn chiếm nội dung quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến tay nghề của học viên về sau.

Nỗ lực vì người học

Một số cơ sở khác lựa chọn phương án "3 tại chỗ" khi đào tạo nghề (cả giảng viên và sinh viên học tập và sinh hoạt tại trường) đối với sinh viên năm thứ 2 trở đi ở một số ngành và có đơn đặt hàng nhân lực của doanh nghiệp. Trao đổi điều này, ông Đồng Văn Ngọc, Hiệu trưởng trường Cao đẳng nghề cơ điện Hà Nội, cho hay, thông qua mô hình này, nhà trường vẫn có thể cung ứng cho thị trường nguồn nhân lực có kỹ năng. Đối với những người học nghề năm cuối, các nhà trường lên kế hoạch tổ chức thi tốt nghiệp trực tuyến với các môn học lý thuyết, đồng thời xây dựng các kịch bản để có thể bố trí cho từng nhóm nhỏ học sinh, sinh viên thi tốt nghiệp trực tiếp đối với các môn thực hành...

Đây cũng là cách mà trường Cao đẳng Công nghiệp Bắc Ninh áp dụng đối với sinh viên năm cuối cần tăng tốc thực hành. Hiệu trưởng Nguyễn Đức Lưu thông tin, một dây chuyền sản xuất tự động đang được trường phối hợp với doanh nghiệp lắp đặt. Dưới sự hỗ trợ, giám sát, hướng dẫn của các kỹ thuật viên công ty, các giảng viên, sinh viên sẽ có điều kiện được thực hành, thực tập ở nhiều chuyên ngành như: Chế tạo máy, thiết kế cơ khí, cơ điện tử, điện tử công nghiệp, tự động hóa... "Đây có thể xem là bước đổi mới có tính đột phá trong công tác tổ chức dạy và học của nhà trường trong năm học này", ông Nguyễn Đức Lưu cho biết thêm.

Do đặc thù đòi hỏi thực hành, khâu quan trọng quyết định chất lượng đầu ra, việc bị gián đoạn bởi dịch Covid-19 là khó khăn rất lớn với nhiều trường nghề. Bởi thực tế, dù đào tạo nghề thuận lợi trong bối cảnh bình thường, không ít doanh nghiệp khi tiếp nhận ứng viên đều phải đào tạo lại, đào tạo thêm mới có thể sử dụng được nguồn nhân lực. Trước mắt, để khắc phục, tận dụng quỹ thời gian học tập trực tuyến, các trường tập trung nâng cao chất lượng bài giảng lý thuyết để sinh viên nắm chắc nội dung.

Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp cho biết, cơ quan này đang nỗ lực hỗ trợ bằng cách tiếp tục mở rộng hợp tác quốc tế, liên kết với các tập đoàn, doanh nghiệp, tạo điều kiện cho hoạt động giáo dục nghề nghiệp, dù theo hình thức nào cũng bảo đảm có việc làm cho đại đa số người học sau khi tốt nghiệp.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm