pnvnonline@phunuvietnam.vn
Trường Trung cấp Lê Thị Riêng mời chuyên gia "hiến kế" giúp sinh viên nữ khởi nghiệp
Lãnh đạo trường Trung cấp Lê Thị Riêng và trường Cao đẳng Kỹ nghệ II ký kết biên bản ghi nhớ về việc thỏa thuận hợp tác đào tạo nguồn nhân lực kỹ thuật cao.
Nhận định trên được đưa ra tại Hội thảo “Phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo” ngày 13/11 do trường Trung cấp Lê Thị Riêng (TP Thủ Đức, TPHCM) tổ chức.
Tại Hội thảo "Phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo", các đại biểu cùng nhìn nhận rằng, trong thời đại toàn cầu hoá và chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo chính là chìa khoá để các sinh viên tự tin, sẵn sàng bước ra thị trường lao động với những đòi hỏi ngày càng cao. Trong đó, việc thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, phát triển văn hóa khởi nghiệp, khơi dậy khí thế, đổi mới sáng tạo, khát vọng vươn lên đến nữ học sinh, sinh viên cần được quan tâm nhiều hơn nữa.
Tiến sĩ Vũ Thị Phương, ĐH Văn hóa TPHCM, đánh giá: "Sinh viên nữ thường gặp khó khăn trong quá trình khởi nghiệp về các vấn đề như tìm nguồn vốn, tiếp cận thị trường, xây dựng thương hiệu, sự trợ giúp từ gia đình, nhà trường chưa phát huy hiệu quả".
Để nâng cao tỷ lệ khởi nghiệp thành công cho sinh viên nữ, Tiến sĩ Vũ Thị Phương đề xuất một số giải pháp như: Gia đình có vai trò quan trọng trong định hướng nghề nghiệp của con cái, đặc biệt là với sinh viên nữ. Gia đình là môi trường đầu tiên giúp định hướng nghề nghiệp, đồng hành về tinh thần và tăng cường hỗ trợ về tài chính, hỗ trợ vay vốn để các em có điều kiện khởi nghiệp. Phía nhà trường, cần đưa vào các khóa học chuyên sâu về khởi nghiệp, bao gồm kiến thức quản lý doanh nghiệp, lập kế hoạch kinh doanh, kỹ năng lãnh đạo, đàm phán, giải quyết vấn đề. Các khóa học cần kết hợp với thực tiễn, các dự án để sinh viên thực hành trải nghiệm. Tổ chức các hội thảo, hội nghị để phụ huynh hiểu rõ vai trò của mình trong khuyến khích con gái khởi nghiệp. Cần có sự phối hợp giữa nhà trường và các doanh nghiệp để tạo điều kiện cho sinh viên nữ tiếp cận và có cơ hội học tập thực tế.
Tương tự, GS.TS Vũ Gia Hiền, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Khoa học và Công nghệ TPHCM, cho biết: "Sinh viên nữ muốn khởi nghiệp trước hết phải đi vào con đường khởi nghiệp chung. Tuy nhiên, bên cạnh sự cố gắng của mỗi người thì phải có ưu tiên nhất định dành cho phụ nữ, trong đó có sinh viên nữ. Hiện nay, ưu tiên khởi nghiệp đối với học sinh, sinh viên là chưa rõ ràng".
Thạc sĩ Nguyễn Thị Ngọc Ánh, trường ĐH Văn hóa TPHCM, còn nhấn mạnh thêm tầm quan trọng của đào tạo kỹ năng mềm cho sinh viên nói chung và nữ sinh viên nói riêng để tăng tỷ lệ khởi nghiệp thành công. Theo đó, ngoài kiến thức được đào tạo trên ghế nhà trường thì kỹ năng mềm như kỹ năng phân tích thế mạnh, kỹ năng giao tiếp, kỹ năng quản trị rủi ro… cần được nhà trường trang bị ngay từ đầu, giúp sinh viên rèn luyện thường xuyên, hằng ngày. Các giảng viên cần kết hợp linh hoạt giữa dạy kiến thức và trang bị thêm kỹ năng mềm, ngành nghề nào thì cần có kỹ năng mềm cụ thể đó.
"Với kỹ năng phân tích thế mạnh, các em sẽ hiểu được ưu - nhược điểm để vạch ra chiến lược cụ thể hay kỹ năng quản trị rủi ro để giúp các em phân tích, vượt qua khó khăn để, xử lý tình huống xấu trong quá trình khởi nghiệp. Để khởi nghiệp thành công, cần có giải pháp đồng bộ từ phía nhà trường, doanh nghiệp đến các nữ sinh viên", Thạc sỹ Nguyễn Thị Ngọc Ánh phân tích.
Bà Nguyễn Thị Hoàng Ánh, Hiệu trưởng trường Trung cấp Lê Thị Riêng, phát biểu tại chương trình: "Hội thảo có sự tham gia đóng góp ý kiến của các đại biểu là các chuyên gia ngành giáo dục, nhà khoa học. Các đại biểu tham gia cùng nhau đánh giá thực trạng, đề xuất giải pháp để phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp mở, liên kết doanh nghiệp để dẫn dắt và nuôi dưỡng tài năng khởi nghiệp, khuyến khích nữ học sinh – sinh viên giáo dục nghề nghiệp phát triển ý tưởng khởi nghiệp".
Dịp này, Trường Trung cấp Lê Thị Riêng và trường Cao đẳng Kỹ nghệ II cũng ký kết biên bản ghi nhớ về việc thỏa thuận hợp tác đào tạo nguồn nhân lực kỹ thuật cao.
Cùng ngày, Trường Trung cấp Lê Thị Riêng đã tổ chức Hội thảo "Góp ý dự thảo chức năng, nhiệm vụ, sứ mệnh và mục tiêu của Trường Trung cấp Lê Thị Riêng" nhằm ghi nhận các ý kiến, kinh nghiệm từ các chuyên gia, từ đó định hình rõ nét hơn vai trò và hướng phát triển của trường trong bối cảnh đổi mới giáo dục nghề nghiệp. Hội thảo tập trung vào việc góp ý xây dựng một hệ thống chức năng, nhiệm vụ, sứ mệnh và mục tiêu phù hợp với quy định hiện hành và đáp ứng nhu cầu việc làm ngày càng cao của xã hội, đặc biệt là tạo việc làm bền vững cho phụ nữ.