Trường tư "bắt chẹt" phụ huynh với loạt phí ghi danh

Bài, ảnh: Thu Anh
04/04/2025 - 19:40
Trường tư "bắt chẹt" phụ huynh với loạt phí ghi danh

Phụ huynh học sinh Hà Nội phải chuẩn bị nhiều phương án tìm chỗ học lớp 10 cho con. Ảnh minh hoak

Áp lực của cuộc đua vào lớp 10 trường công với học sinh Hà Nội tăng cao khi trong số khoảng 127.000 học sinh xét tốt nghiệp THCS chỉ có khoảng 60% thí sinh đỗ vào trường THPT công lập. Để đảm bảo con có chỗ học, phụ huynh đang phải gánh những khoản phí lên tới hàng chục triệu đồng để “đặt cọc” giữ chỗ cho con tại trường tư thục.

Không hoàn lại, không chuyển nhượng

Hơn 100 trường tư thục tại Hà Nội đã bắt đầu nhận hồ sơ vào lớp 10 năm học 2025-2026 theo hình thức xét học bạ THCS. Trong đó, với lý do "hạn chế tỷ lệ ảo, gây khó khăn trong tuyển sinh", đồng thời để các gia đình có trách nhiệm với lựa chọn của mình, các trường này đưa ra nhiều mức "đặt cọc" với các loại phí khác nhau để lọc những trường hợp có nhu cầu thực sự, mong muốn được học trường mình.

Trường Dwight Hà Nội hiện có mức đặt cọc cao nhất. Phụ huynh đồng thời phải nộp cả 4 loại phí: Đăng ký, nhập học, đặt cọc và đảm bảo, tổng là 113,6 triệu đồng. Trong đó, phí tuyển sinh là 9,8 triệu đồng, phí nhập học là 28,8 triệu đồng và "đặt cọc" học phí 30 triệu đồng. Ba khoản này không hoàn lại và không chuyển nhượng. Riêng phí đảm bảo (45 triệu đồng) sẽ được hoàn nếu học sinh tốt nghiệp ở trường, hoặc thông báo rút hồ sơ bằng văn bản tối thiểu 60 ngày trước ngày học cuối.

Năm 2025, Trường Song ngữ Quốc tế Horizon thu phí giữ chỗ 25 triệu đồng. Trường Ngôi sao Hoàng Mai niêm yết phí giữ chỗ là 24 triệu đồng (hệ chất lượng cao); 26,5 triệu đồng (hệ năng khiếu). Trường THPT Archimedes duy trì mức phí giữ chỗ 23 triệu đồng. Trường THPT Lương Thế Vinh thu 15 triệu đồng. Có mức phí giữ chỗ tương tự là Trường phổ thông liên cấp Olympia, Trường phổ thông liên cấp song ngữ Quốc tế Wellspring. Ngoài ra, nhiều trường THPT tư thục khác có mức phí giữ chỗ dao động từ 1 triệu đến 10 triệu đồng.

Trước áp lực vào lớp 10 trường công ngày càng đè nặng, khi có 48.000 học sinh không có chỗ vào lớp 10 trường công, nhiều phụ huynh Hà Nội đã phải chuẩn bị phương án dự phòng chỗ học ở trường tư nếu con mình không đỗ trường công. Chị Nguyễn Thuý Hà, một phụ huynh có con học tại Trường THCS Lý Thường Kiệt (quận Đống Đa), cho biết, gia đình rất băn khoăn với khoản "cọc" lên tới vài chục triệu đồng vì ưu tiên số 1 là nếu con đỗ vào Trường THPT Lê Quý Đôn thì sẽ cho con học ở trường này. Như vậy đồng nghĩa với việc gia đình hoàn toàn có thể mất khoản tiền "đặt cọc" giữ chỗ vào trường tư cho con.

Thu lợi từ phí giữ chỗ có chính đáng?

Trước tình trạng loạn thu phí giữ chỗ, Giám đốc Sở GD-ĐT Thành phố Hà Nội Trần Thế Cương cho rằng, dù tiền cọc là thỏa thuận dân sự giữa trường và phụ huynh nhưng xét ở khía cạnh giáo dục "là không hay". Ông Trần Thế Cương nêu rõ: "Không nên thu phí giữ chỗ, bởi làm vậy thì mất đi tính mô phạm, nhân văn trong nhà trường". Dù vậy, trên thực tế thì khoản phí nói trên vẫn tồn tại trong mỗi mùa tuyển sinh.

Việc các trường đưa ra những thỏa thuận với phụ huynh như vậy không trái với quy định của Bộ Luật dân sự và không phải các hành vi bị nghiêm cấm trong cơ sở giáo dục theo Luật Giáo dục năm 2019. Do vậy, cơ quan quản lý cũng khó đưa ra chế tài đối với nhà trường. Quan điểm phí giữ chỗ nhằm góp phần đảm bảo sự ổn định trong công tác tuyển sinh của nhà trường cũng không có gì đáng phản đối nếu như phụ huynh đóng một số tiền hợp lý khoảng 1-2 triệu đồng để hỗ trợ công tác hành chính. Nhưng nếu số tiền quá lớn so với thu nhập trung bình của nhiều gia đình thì họ có quyền đặt câu hỏi: Liệu các trường đó có đang "trục lợi" từ khoản phí này và làm mất tính nhân văn của ngành giáo dục?

Thực tế, không phải trường nào cũng áp mức phí đặt cọc. Đơn cử, Trường THPT Mai Hắc Đế (quận Hoàng Mai) hay trường THPT Đặng Thai Mai (huyện Sóc Sơn) đều không áp mức thu phí giữ chỗ trong mùa tuyển sinh năm nay. Thầy Đàm Khắc Sỹ, Hiệu trưởng trường THPT Đặng Thai Mai, cho biết, chỉ có các trường tư ở khu vực nội đô, nơi dân cư đông đúc và tỷ lệ cạnh tranh cao, mới có xu hướng thu phí giữ chỗ. Trong khi đó, các trường tư thục ở khu vực ngoại thành hiếm khi áp dụng hình thức thu phí giữ chỗ để tạo điều kiện cho nhiều học sinh có cơ hội theo học trong điều kiện kinh tế gia đình không dư dả.

Năm học 2025-2026, Hà Nội có khoảng 127.000 học sinh xét tốt nghiệp THPT, trong đó 79.000 em có suất học công lập, còn lại là vào các trường THPT tư thục, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên và học nghề.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm