“Phải cho chúng tôi một khoảng thời gian!”
Rất nhiều lãnh đạo các trường THPT tư thục "hot" nhất ở Hà Nội đã tề tựu tại buổi hội thảo “Thực trạng và giải pháp truyển sinh trường tư thục” do báo Giáo dục Việt Nam tổ chức sáng 26/4 tại Hà Nội. Điều được các vị này phản ánh nhiều, thậm chí gay gắt nhất, chính là các quy định cứng của Sở GD&ĐT về thời gian tuyển sinh, gây khó khăn cho các trường.
Thầy Nguyễn Xuân Khang, Hiệu trưởng trường Marie Cuire, khi nói về thực trạng tuyển sinh trường tư thục tại Hà Nội, đã lập tức nêu lên một bất cập là năm nay, phải đến 30/6/2018 các trường mới được tổ chức tuyển sinh vào lớp 6 và sau đó 1 ngày, từ ngày 1/7, học sinh vào lớp 1 mới được nộp hồ sơ đăng ký tuyển sinh.
Theo thầy Khang, chính vì bị o bế khoảng thời gian tuyển sinh trùng với tuyển sinh các trường công lập theo tuyến nên gây bị động rất lớn cho chính phụ huynh học sinh. Bởi theo phân tích của ông, nếu được tuyển sinh sớm hơn vào các trường tư thục, ít nhất cha mẹ biết con mình có đỗ vào trường hay không, để từ đó có thêm thời gian xoay chuyển nguyện vọng vào các trường khác cho con.
“Có nhất thiết phải như vậy không khi mà tất cả các trường phải tuyển sinh trong cùng 1 ngày một thời điểm? Tất cả các trường đều có đề nghị rằng Sở GD&ĐT ơi, thành phố ơi, hãy cho chúng tôi những khoảng thời gian riêng. Ví dụ tháng 6, trước khi tuyển sinh theo tuyến của trường công, hãy cho chúng tôi một khoảng thời gian để chủ động tuyển học sinh của mình. Điều này chính là tạo điều kiện cho học trò, gia đình của học trò. Với trường tư, phụ huynh bỏ tiền túi ra để cân nhắc lắm, chứ không phải như mua một bó rau muống ven đường đâu. Lý gì sở lại chốt vào chung một ngày như thế?”, thầy Nguyễn Xuân Khang cho hay.
Thầy Khang cũng chia sẻ một điều là trong một cuộc họp gần đây, với sự chủ trì của ông Ngô Văn Quý, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội, vị này đã nói một điều mà bản thân thầy thấy khá đúng. “Anh Quý đã nói là Sở GD&ĐT đề ra kế hoạch như thế nào thì đề nhưng đừng để cho người ta kiện, kiện UBND ra tòa, mà Ủy ban đuối lý là không được. Anh Quý đã cảnh tỉnh về việc đừng cứng nhắc trong tuyển sinh, thế nhưng Sở vẫn cứng nhắc, thậm chí nhấn mạnh nếu không theo thời gian Sở quy định thì sẽ bị xử lý nghiêm”.
Riêng đối với tuyển sinh lớp 1, thầy Khang khẳng định đến thời đểm này, mọi công tác tuyển sinh đã hoàn thành, trường đã tuyển xong trước 2 tháng so với thời hạn quy định.
“Trước khi tuyển sinh, tôi có chủ định hỏi cha mẹ: Mùng 4 - 6/5 chúng tôi làm thủ tục nhập học cho các cháu được tuyển vào lớp 1. Mục đích là được vào trường tôi thì vào, còn không thì tìm phương án 2,3,4, chịu chỉ trích của Sở để dành sự đồng ý của phụ huynh. Các vị có đồng ý hay không? Xin thưa là tất cả phụ huynh đều giơ tay! Chúng tôi chấp nhận chịu phê phán, kỷ luật, nhưng sẵn sàng “vì nhân dân quên mình”, thầy nói.
Vì bị gây khó nên buộc phải… lách
Vấn đề này cũng khiến cô Nguyễn Thị Hiền, Chủ tịch Hội đồng quản trị Trường Đoàn Thị Điểm, bức xúc khi cho rằng, đến 1/7 mới bắt đầu được tuyển sinh thì cô không rõ quan điểm của lãnh đạo Sở GD&ĐT là như thế nào có quy định không hợp lý với trường.
“Cứ đến mùa tuyển sinh là chúng tôi bị khiển trách. Rõ ràng quy định này gây khó khăn cho phụ huynh nên bắt buộc các trường phải lách. Chúng tôi có nhiều cách lách, bởi nếu không lách thì rất khó khăn cho phụ huynh. Cá nhân tôi chấp nhân khiển trách nhưng mang lại niềm vui cho nhiều người, vì phụ huynh sẽ biết con có được vào trường tôi hay không để có kế hoạch khác”, cô Hiền chia sẻ.
Điều mà cô mong muốn, chính là thành phố Hà Nội tháo gỡ cho các trường tư thục về thời hạn tuyển sinh. “Chúng tôi đã tự chủ về tài chính, nhân sự thì hãy cho chúng tôi tự chủ về tuyển sinh để tạo điều kiện cho chúng tôi phát triển”, cô dứt khoát.
Tự chủ tuyển sinh ngoài việc bị kêu về thời gian o bế, còn một vấn đề nữa là khống chế số lượng chỉ tiêu vào trường. Theo cô Văn Liên Na, Phó Hiệu trưởng trường THPT Dân lập Lương Thế Vinh (Cơ sở Tân Triều, Hà Nội), Sở GD&ĐT không thể bó hẹp quyền tự chủ tuyển sinh của các trường. Cô kể rằng, cách đây hơn 10 năm, việc tuyển sinh của trường đã gặp rất nhiều rào cản. Khi đó, cố nhà giáo Văn Như Cương vẫn đang “cầm trịch” trường.
“Đã có thời điểm trường bị bó hẹp chỉ tuyển được số học sinh nhất định thôi dù thừa sức đáp ứng được nhiều chỉ tiêu hơn. Thầy Cương đã chất vấn Sở là tại sao không cho trường thêm học sinh thì câu trả lời nhận được là nếu thả chỉ tiêu thì các trường xung quanh kiện vì trường thầy lấy hết học sinh các trường khác”, cô kể.
Nữ Hiệu trưởng này chia sẻ, bố cô - cố nhà giáo Văn Như Cương - khi ấy đã bẽ bàng chất vấn lại lãnh đạo Sở là nếu có 3 hàng phở, hàng phở của tôi chỉ được bán 100 bát thì các vị liệu có khẳng định là khách sẽ sang ăn phở tại 2 hàng còn lại, hay họ sẽ đi nơi khác.
“Bố tôi đã nói là, học sinh không vào được trường Lương Thế Vinh, không có nghĩa là phụ huynh sẽ cho con họ vào trường lân cận để học”, cô Liên Na cho biết.
“Tôi hứa với thầy cô là sẽ tháo gỡ từng bước trong tuyển sinh!” Đó là khẳng định của bà Ngô Thị Minh, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh thiếu niên và nhi đồng Quốc hội, liên quan đến vướng mắc trong thời gian tuyển sinh của các trường. Theo bà, quy định tuyển cùng thời điểm đồng loạt thì sẽ gây nhiều trở ngại khó khăn cho người dân, vì giáo dục ảnh hưởng đến từng nhà, từng người. “Khi biết thông tin, tôi dã trao đổi trực tiếp với Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ, trao đổi 30 phút trên điện thoại và đồng chí hứa là sẽ thay đổi. Tôi đã phân tích đầy đủ bằng chứng lý do và mong muốn của người học, rõ ràng không thể ghép lại trong một thời điểm như vậy được! Tôi hứa với các thầy cô là sẽ tháo gỡ từng bước về quyền tự chủ của các trường tư, trong đó có tự chủ về tuyển sinh”, bà Minh khẳng định. |