pnvnonline@phunuvietnam.vn
Truyện ngắn: “Bến đỗ” xa lạ
Ảnh minh họa
Nó là con của một người-nổi-tiếng! Ngay từ nhỏ, nó đã ý thức rất rõ về điều đó. Nó còn nhớ như in cái cảm giác tự hào đến… nổ mũi trước lũ bạn khi cô giáo dạy Văn cấp hai đọc cho cả lớp nghe những vần thơ mà bố nó sáng tác với một thái độ rất yêu kính. Dĩ nhiên, nó trở thành một học trò đáng yêu trong mắt cô. Lũ bạn chỉ có nước ngước mắt mà thèm (thèm cái gì thì chính nó cũng không biết rõ!).
Nó không hiểu người nổi tiếng sẽ khác gì so với người bình thường. Mẹ bảo, cứ nhìn bố thì biết. Nó thấy bố bận suốt với trăm công nghìn việc. Cũng phải thôi, bố vừa là nhà thơ, vừa là nhà báo, lại thêm những buổi nói chuyện tuyên truyền dài ngày khắp nơi. Dạo này ít khi nó gặp bố ở nhà. Đôi lúc, đi công tác ở tỉnh nào gần thật gần, bố mới tạt qua nhà một lát rồi lại vội đi, cũng như khi đến thật vội vậy. Nó có muốn níu giữ cũng không được. Mẹ cười buồn, gỡ tay nó ra. Mẹ ôm lấy nó vào lòng, nhìn theo con đường xa ngái bố đi. Nó thầm ước được như cái Hương, thường được bố công kênh trên cổ hay chở phía sau xe chạy khắp xóm mỗi chiều. Rồi nó quên dần cái ước mong trẻ con ấy, hiểu một cách chấp nhận rằng, bố không có nhiều thời gian dành cho gia đình. Nó yêu bố bằng tình yêu mẹ truyền cho, cả niềm tự hào cũng là mẹ và mọi người tạo dựng cho. Dần dà, nó không tránh khỏi cảm giác xa lạ, kể cả khi bố ôm nó vào lòng mà thủ thỉ, âu yếm. Lúc nhỏ, nó chỉ biết ngồi im, thỉnh thoảng trả lời những gì bố hỏi. Lớn lên một chút, nó biết nói dối để thoái thác chạy đi đâu đó chơi mỗi lúc bố về nhà. Nó cũng không thể hiểu tại sao mình lại như vậy.
Buổi tối, nó đang ngồi học bài thì bé Hoài reo lên phía ngoài nhà: "Mẹ ơi, bố kìa!". Cả mẹ và bé Hoài mừng húm, chạy lại nơi cái ti vi xem hình bố đang nói nói cười cười. Hình như họ đang phỏng vấn bố về vấn đề gì đó. Nó ngồi im, nhớ lại cảm giác tự hào ngây ngô của nó trước đây, cũng như bé Hoài vậy. Bây giờ, nó dường như mất sạch cảm giác đó. Nó ậm ờ cho qua khi một đứa bạn nào đó nghe danh mà hỏi đến bố. Nó không đủ hào hứng khi cầm tập thơ hay bài báo bố làm. Cứ xách về như một trách nhiệm nếu ai đó dúi cho, rồi ném ở nhà, mặc cho con em mới bập bẹ tập đọc dịch từng chữ. Mẹ thường thở dài một cách trách móc. Mẹ hiểu hết thái độ của nó nhưng cũng chẳng thay đổi được gì. Mẹ không thể tạo trong nó tình yêu bố như trước đây. Đơn giản chỉ vì nó là một con bé 17 tuổi, lì lợm và đầy cá tính. Nó hiểu và có quyền yêu ghét tất cả những gì nó nhìn nhận được bằng con mắt của chính mình. Có lúc, nó thấy thương cho mẹ khi cứ phải cam chịu một cách nhẫn nại, làm người níu giữ một đầu sợi dây ràng buộc bố vào gia đình. Nó nhận thấy rõ, nếu không phải là mẹ thì bố sẵn sàng vứt luôn cái mối nợ đời đó rồi. Mẹ kể về tình yêu của bố mẹ thời sinh viên đẹp đẽ lắm. Nó biết là bố vẫn giữ, nhưng chỉ là trong trang thơ thôi. Còn trong lòng, người ta không thể làm buồn lòng người mình yêu quý, chứ đừng nói gì tới việc thiếu quan tâm đến vậy.
Cái sợi dây trách nhiệm của bố theo thời gian cứ mòn dần, mòn dần. Mẹ cố chắp nối thế nào cũng không được. Cuối cùng, một ngày mùa đông, bố kéo cho sợi dây đứt hẳn rồi ra đi. Nó nhớ, có lần, trong một bài báo nào đó, bố đã nhắc tới gia đình như một bến đỗ đầy yêu thương mà bố luôn mong được ghé về. Nó thấy buồn cười, không hiểu sao lúc đó nó đã tin như vậy. Nó nhìn theo dáng bố đang khuất hẳn sau giậu râm bụt trước nhà, lại thấy thương cho mẹ hơn.
Nó vào đại học. Mẹ gói ghém đồ đạc cho nó. Lúc này đang là giữa thu, nắng trong và ngọt lịm như mật rải đầy cả khoảng sân trống. Thế mà mẹ vẫn không quên nhét vào cả cái áo, cái khăn lạnh chuyến công tác năm ngoái bố mua cho. Nó lôi trở lại, thấy hành trang của mình nhẹ nhàng, rảnh rang hẳn. Bắt gặp ánh mắt mẹ nhìn, nó lại nén thật chặt vào. Ít khi nó đành lòng nhìn mẹ buồn, nhất là kể từ ngày bố đi. Mẹ không quên dúi theo nó địa chỉ của bố ở thành phố, dặn nó nhất định phải đến và bắt nó phải hứa đi hứa lại điều đó. Mẹ bảo, dù sao đi nữa thì cũng là bố, chẳng ai có thể chọn người sinh ra mình, bởi thế càng phải yêu thương, kính trọng. Nó thấy sống mũi mình cay cay, mẹ chẳng bao giờ biết oán trách là gì, kể cả khi người ta bỏ mẹ mà đi như vậy.
Mẹ tiễn nó ra tận đường cái. Chiếc xe nán lại chờ, cái phút cuối bịn rịn ấy như níu giữ nó lại. Nó nhìn thấy dáng mẹ như gầy hơn, nụ cười khắc khoải hơn. Bé Hoài dắt cả con Tô đứng im nhìn theo, con Tô gục gặc đầu ư ử… Những tia nắng của buổi sớm mai trong trẻo chạy theo dọc đường dài.
Cuộc sống mới bắt đầu của nó nhiều mệt mỏi nhưng cũng lắm thú vị và mới mẻ. Nó ở trọ cùng Xuân, đứa bạn thân từ dạo phổ thông. Những buổi học và bao nhiêu việc lỉnh kỉnh khác chiếm của nó hầu hết thời gian. Nó không quên "nghĩa vụ" mẹ giao, nhưng ngần ngại khi có ý định tới. Cho mãi tới tận những ngày chớm đông mới tìm lại địa chỉ mẹ đưa cho. Nó sẽ không "vội" thế, nếu không phải vì lúc nào mẹ cũng nhắc mỗi lần ghi thư cho nó.
Người mở cửa đón nó là một cô gái, chắc cũng chỉ hơn nó vài ba tuổi. Nó ngỡ mình lầm địa chỉ, định quay ra. Cô gái nhìn nó dịu dàng:
- Em hỏi ai?
- Dạ… dạ hỏi…
- Anh Trân Châu hả? Anh ấy đi tối mới về. Em cần nhắn lại gì không?
Rõ ràng, tên bố nó thì nó không thể nghe nhầm. Nó hiểu ngay ra sự có mặt của cô gái. Đưa mắt lén nhìn vào căn nhà sang trọng, nó thấy quá xa lạ với "bến đỗ" trước đây của bố ở quê. Càng khác xa với gác trọ của nó và Xuân trong thành phố này, nơi chỉ cách đây mấy cây số.
Nó chạy như lao ra khỏi con hẻm nhỏ. Cô gái nhìn theo thoáng chút ngạc nhiên. Những cơn gió đầu mùa tê dại vô tình quất ngang ngực nó lạnh cóng. Những cơn gió gọi về nỗi niềm ngày cuối bố nó về, rồi đi, khuất mãi sau giậu râm bụt hoa tàn.
Đêm ấy, nó chỉ ôm Xuân mà khóc, chẳng thể nói gì, mặc cho Xuân gặng hỏi. Cũng chẳng phải vì xót xa tức giận, chỉ thấy thương cho mẹ nó. Nếu mẹ biết… Nhưng cũng chẳng để làm gì. Lại làm mẹ thêm đau lòng. Nó thấy như sụp đổ một điều gì đó, dẫu chưa bao giờ nó xây dựng điều gì quá cao siêu tốt đẹp về bố.
Chưa bao giờ nó có cảm giác trống trải đến vậy trong căn phòng chỉ ngót nghét 4 mét vuông. Xuân đã ngủ, khuôn mặt ửng hồng lên, chẳng biết có phải vì lạnh. Nó kéo tấm chăn đắp lại cẩn thận cho Xuân, tự dưng nghĩ tới anh chàng nhạc sĩ vẫn theo đuổi Xuân bấy lâu, mỗi lần gặp, nó chỉ gật đầu chào… chú! Xuân bảo, tình yêu chẳng bao giờ phân biệt tuổi tác, nhất là khi tiếp xúc với giới nghệ sĩ. Xuân gọi người đó bằng anh ngọt cả giọng. Nó thấy chờn chợn khi nghĩ về bố, chợt muốn giằng Xuân ra khỏi bàn tay lão kia. Nó thấy như có sự tương đồng giữa bố nó và anh chàng nghệ sĩ của Xuân.
Bố đến tìm nó. Cũng chẳng biết sao bố lại có địa chỉ. Bố nói như thanh minh:
- Bố vừa về nhà. Mẹ con bảo con ở đây… Vậy mà bố không biết…
Nó ngồi im. Không khí nặng nề. Im lặng đến nghe rõ tiếng mọt kêu từ tấm cửa gỗ. Nó nhìn bố soi mói như thầm giễu: "Hóa ra, bố vẫn còn coi đó là nhà cơ đấy!". Bố ngồi chắp tay, bẻ đốt kêu lóc cóc một cách vô vị, có vẻ như rất hối lỗi về sự "vô tâm" của mình. Nó vẫn ngồi như bất động. Sự im lặng lì lợm của nó chiến thắng tính kiên trì của bố. Nó như nghe giọng bố van lơn:
- Con đừng như vậy… Bố có lỗi… nhưng bố sẽ luôn quan tâm tới con và bé Hoài… Con sẽ qua ở chỗ bố chứ? Cũng rất gần đây…
Nó cười mỉa mai, tự nhủ với lòng sẽ chẳng bao giờ quay lại cái nơi đầy sang trọng và xa lạ đó nữa. Nó không phải là bố, dễ dàng dứt áo bỏ mẹ mà đi với những vẻ đẹp mới mẻ. Nó định nói gì đó. Lại thôi. Một người như bố sẽ rất nhạy cảm với sự im lặng. Đôi khi, chỉ im lặng thôi sẽ hơn tất cả những gì có thể giãi bày. Bố đẩy tấm cửa một cách mệt mỏi, nhìn nó cuống quýt:
- Con sẽ qua chỗ bố nhé! Chỉ thỉnh thoảng sang thôi bố cũng vui rồi.
- Tuần trước con có qua, nhưng bố không ở nhà…
Ánh mắt bố thoáng ngạc nhiên. Nó hiểu rõ vì sao. Bố lặng đi một lúc.
- Cô gái đó là đồng nghiệp của bố…
- Cô ấy trẻ quá…
Đoạn hội thoại vụn vặt mà chơi vơi. Nó hả hê khi thấy rõ bố trở nên rất khổ sở…
Thực ra, bố đâu cần phải nói dối nó như vậy. Bố là nghệ sĩ, và là người tự do rồi kia mà. Bố quay mặt đi, vẫn không giấu được nét buồn. Nó khép cửa lại. Cơn gió vô tình ném vào ô cửa cái lạnh u u của mùa đông. Nó co mình lại trong tấm áo bông to sụ, nhận ra dáng bố trông hao gầy thật buồn, dường như không cảm thấy những cơn gió như chực bủa vây lấy người đi đường.
Đêm đó, lần đầu tiên nó thấy khó ngủ khi nghĩ về bố. Nó trằn trọc mãi với câu nói của Xuân: "Hãy sống bao dung để có thể cảm thông với lỗi lầm của người khác. Đừng làm cuộc sống nặng nề hơn vì chuyện của quá khứ. Dù sao đó cũng là bố, ông ấy đáng thương hơn đáng trách".
Vẫn ngoài kia là những cơn gió mùa đông ngang cửa lạnh tê dại. Nhưng căn phòng nhỏ này kín gió lắm, nó thấy lòng mình bớt lạnh lẽo tự lúc nào…