pnvnonline@phunuvietnam.vn
Truyện ngắn: Bức ảnh cưới đẹp nhất

Tranh minh họa
Khi chạm tay vào những tờ tiền để vuốt cho nó thật thẳng thớm, trong đầu Hạnh hiện lên từng câu chuyện gắn với chúng. Rõ ràng, sinh động, tươi ròng như mới. Chẳng phải chị nhớ dai gì đâu, vì số tiền ít nên đếm đi đếm lại nhiều lần thành ra không thể quên được.
Một nửa xấp tiền là những tờ một ngàn, hai ngàn, năm ngàn. Đấy là tiền bán ve chai của bé Hoa. Mỗi ngày, sau giờ tan học, trong lúc chờ mẹ đến đón, con bé đi một vòng quanh các lớp nhặt giấy nháp, vỏ chai nước các bạn bỏ lại, cho vào cái túi đã để sẵn trong cặp, mang về dồn lại đến cuối tuần mang đi bán.
Tờ mười ngàn, hai mươi ngàn là tiền đi chợ còn dư của tuần nào được ai đó cho mớ rau, vài con cá khô. Năm chục ngàn là tiền dành dụm của tháng nào trong nhà không có ai bị đau đầu, cảm cúm, phải mua thuốc uống.
Tờ năm trăm ngàn duy nhất là phần thưởng cuộc thi vở sạch chữ đẹp, chị tính mua cho bé Hoa chiếc áo mới mà con không chịu, nhất quyết góp vào chiếc hộp để dành của mẹ. Mỗi đồng tiền này là niềm hạnh phúc của chị, niềm vui của bé Hoa, là nỗi vui sướng khi dự định của hai vợ chồng chị lại gần thêm một chút.
Cuối tháng trước, chị ghé qua hỏi, chủ cửa hàng báo giá tiền. Chị còn thiếu đúng hai trăm ngàn nữa. Vừa bằng số tiền hôm nay chị nhận tiền thưởng chuyên cần.
Số tiền chẳng đáng là bao so với nhiều người nhưng là bao nhiêu ngày chắt chiu của Hạnh. Cái nghèo bám theo chị từ lúc lọt lòng. Cha mất vì sập hầm lúc chị tròn ba tuổi. Đói ăn, đói mặc, nhìn con cái nheo nhóc, cha chị nghe theo lời rủ rê đi theo mấy ông cai đào vàng lên chốn rừng thiêng, nước độc nuôi giấc mộng đổi đời.
Hầm sập, cai bỏ trốn, mẹ Hạnh chẳng có tiền đưa chồng về nên đành nhờ mấy người thợ chôn ở bìa rừng nơi cha gặp nạn. Năm Hạnh tám tuổi, mẹ mất vì cháy nhà. Xà ngang đập xuống lúc mẹ đang che chở cho Hạnh. Anh em, chú bác bên nội bảo nhà không có con trai thờ cúng nên mảnh đất thuộc về con út của bác cả - người nhận trách nhiệm hương khói cho cha mẹ Hạnh.
Hạnh sống cùng bà ngoại từ ngày ấy cùng vết sẹo trên má không có tiền chữa trị thành điều gợi nhắc tuổi thơ mồ côi, buồn tủi mỗi lần soi gương.
Bà ngoại mất lúc Hạnh tròn mười bảy. Căn nhà và mảnh vườn thuộc về cậu. Mợ bảo Hạnh lớn rồi, tự tìm cách nuôi thân chứ cậu mợ cùng nghèo, còn phải nuôi con cái ăn học chứ không thể bao bọc Hạnh như bà ngoại được. Hạnh gói cả gia tài là mấy bộ quần áo cũ, lên thành phố tìm việc làm.
Hạnh chưa đủ mười tám, không có công ty nào nhận Hạnh vào làm công nhân. Những nơi tuyển người bán hàng, phục vụ lại chê vết sẹo của Hạnh sẽ dọa khách. Cứ tưởng chỉ còn cách quay về làng, có chết đói cũng được nằm trên mảnh đất quê nhà thì một quán ăn thiếu người rửa bát nhận Hạnh vào làm.
Cả ngày cúi đầu vào đám bát đũa đầy dầu mỡ trong góc bếp, chẳng ngó lên nhìn đến ai nên không lo dọa khách. Bà chủ thương tình, tối đến cho ở lại, quây cái bạt che lại một góc làm chỗ ngủ.
Con bé Hoa ngồi bên cạnh mẹ, háo hức nhìn mẹ đếm từng đồng tiền. Đến tờ cuối cùng, nó vừa tiếc rẻ, vừa vui sướng:
- Đếm mà nhanh hết quá mẹ nhỉ. Nhưng mà đã đủ số tiền mẹ cần chưa mẹ?
Chị xoa đầu, cúi xuống khẽ hôn lên mái tóc tơ của con. Anh Hiếu cũng dừng công việc dán bao bì lại, ngẩng đầu lên nhìn chị chờ đợi. Chị khẽ mỉm cười đáp lời con:
- Vừa đủ luôn, không thừa, không thiếu một ngàn con ạ.
Con bé Hoa nhảy cẫng lên, vỗ tay hoan hô. Ánh mắt anh Hiếu cũng lấp lánh niềm vui. Chị thoáng tần ngần, không biết có nên nói quyết định mình suy nghĩ mấy ngày nay cho hai bố con không.
Anh Hiếu và bé Hoa là món quà ông trời ưu ái dành cho chị. Ba con người được số phận sắp đặt trở thành một gia đình. Anh Hiếu cứu chị trong một đêm mùa Đông rét mướt, khi chị suýt bị mấy tên nghiện làm nhục.
Cả ngày cúi mặt xuống xô nước rửa bát đen ngòm lếnh láng dầu mỡ lại thêm vết sẹo sần sùi che hết một nửa khuôn mặt, người bình thường nhìn đã thấy sợ, nói gì đến động lòng. Chị cứ yên tâm mình sẽ an toàn, dẫu cái quán ọp ẹp nhưng cửa nẻo vẫn được khóa cẩn thận. Cả ngày ngồi rửa bát đến bợt cả tay, còng cả lưng, đêm đến chui vào góc bạt quây, ngả lưng xuống giấc ngủ ngay lập tức kéo đến.
Nhưng phòng người ngay chứ ai phòng người gian. Những người đàng hoàng chê Hạnh xấu xí, còn những kẻ từ lâu đã đánh mất bản tính thì nào quan tâm đến xấu đẹp. Chủ quán thấy Hạnh tuy xấu nhưng dáng người cao ráo, cân đối, đồng ý để những tên nghiện lảng vảng xung quanh đã nhòm ngó Hạnh giở trò đồi bại. Đêm ấy, chờ Hạnh ngủ say, bà ta quay lại mở khóa cửa.
Như thể số phận đã sắp đặt trước, hoặc ông trời không nỡ giáng xuống cuộc đời vốn đã đầy hẩm hiu của Hạnh bất cứ sự tủi nhục nào nữa nên anh Hiếu đi ngang qua lúc ấy. Nghe tiếng Hạnh kêu cứu, anh xông vào, cầm chiếc nạng gỗ quật túi bụi lên những kẻ cầm thú.
Dẫu đông hơn, nhưng sức khỏe của những tên nghiện đã bị làn khói trắng bào mòn, không thể chống chọi được chiếc nạng cứng rắn nện xuống từ đôi tay của người đàn ông hàng ngày đi bộ hàng mấy chục cây số để bán vé số.
Chúng kéo nhau bỏ đi, sau khi buông lời đe dọa cả chủ quán và Hạnh rằng sẽ không để yên vụ này. Chẳng cần lấy nốt số tiền công, Hạnh ôm quần áo theo anh Hiếu ngay trong đêm ấy. Hạnh đánh cược số phận vì nếu ở lại, chị sẽ không thoát khỏi những tên nghiện đã mất hết tính người.
Mười chín tuổi, Hạnh thành vợ anh Hiếu. Anh cũng phận côi cút, quê nhà chẳng còn ai, đất cát thì đã bán để chữa bệnh cho bố từ cái hồi anh mới lên mười. Bố mất, anh lại tàn tật sau một trận sốt hồi bé, mẹ không chịu nổi cực khổ bỏ đi lấy chồng. Anh lên phố, bán vé số mưu sinh tự nuôi thân.
Hai anh chị ở trong một phòng trọ nhỏ xíu giữa xóm lao động nghèo. Một người mang vết sẹo đáng sợ, một người không lành lặn cứ thế nương tựa vào nhau cho qua những tháng ngày nhọc nhằn, vất vả. Ít nhất họ không còn cô đơn, không còn phải một mình gặm nhấm những vết thương từ thời thơ ấu.
Hàng xóm cùng phận bán sức kiếm miếng ăn, thương anh chị thiệt thòi nên giới thiệu chị vào làm công nhân ở một xưởng may nhỏ. Tùng tiệm, chắt bóp rồi dần dần cũng sắm được vài món đồ phục vụ cuộc sống hàng ngày. Khi đã bớt nhọc nhằn, người ta thường mơ đến những điều đẹp đẽ hơn. Chị mơ một lần được mặc váy cưới.
Bé Hoa xuất hiện bất ngờ như một món quà vô giá.
Về với nhau mấy năm trời mà chưa có con, anh Hiếu nhận lý do về mình. Hồi nhỏ anh mắc quai bị, không kiêng khem cẩn thận nên bị biến chứng. Hạnh cũng nhận về mình. Có lẽ đám cháy năm nào đã để lại ảnh hưởng trong cơ thể chị.
Anh chị động viên nhau, con cái là trời cho. Mình nghèo quá, đẻ ra không lo được cũng tội. Nghĩ vậy, nhưng một sớm nghe tiếng trẻ con khóc, mở cửa thấy đứa bé đỏ hỏn nằm trong chiếc làn đặt trước cửa phòng trọ, Hạnh ôm mãi không muốn rời tay. Chắc cô công nhân nào lỡ làng, không nuôi nổi mà cũng không nỡ bỏ đã gửi cho anh chị với mong muốn con bé được làm người.
Hồi nhỏ, bé Hoa hay ốm vặt, dăm bữa, nửa tháng lại phải đi khám, lấy thuốc uống. Tiền lương công nhân may, tiền anh bán vé số cả tháng chỉ sau một trận con ốm là hết cả nhưng anh chị chưa bao giờ nghĩ con là gánh nặng. Phòng trọ có thêm con bé như có thêm sức sống.
Đi làm về, chỉ cần nghe tiếng con bi bô cười nói là anh chị như quên hết mọi mệt nhọc, lo lắng. Con bé cũng ngoan ngoãn, chăm chỉ, đi học về là thơm bố, thơm mẹ. Nó cứ hôn lên vết bỏng trên mặt chị, xoa chiếc chân bị liệt của bố để bố mẹ bớt đau.
Không còn khỏe mạnh như cái ngày cứu chị, anh Hiếu vẫn ngày ngày đi bán vé số, tối nhận thêm mấy việc thủ công về làm để dành tiền cho bé Hoa sau này đi học đại học.
Khi con bé hỏi sao không thấy ảnh cưới của bố mẹ, Hạnh trả lời, vì chờ có con để đủ cả gia đình, chị chợt mong có một tấm ảnh cưới để treo trong phòng trọ. Dẫu không đủ điều kiện, cũng chẳng còn họ hàng, người thân để tổ chức đám cưới nhưng chụp một tấm ảnh, Hạnh cũng coi như mình được mặc áo cưới.
Từ lúc bé Hoa mỗi ngày thơm lên vết bỏng để xoa dịu nỗi đau của mẹ, chị đã không còn mặc cảm và không nghĩ mình xấu xí, đáng sợ nữa. Tấm ảnh cưới có cả anh Hiếu, chị và bé Hoa sẽ là một kỷ niệm đẹp, lưu giữ những điều hạnh phúc Hạnh từng có.
Nhiều đêm chị suy nghĩ, nếu một ngày mẹ con bé khấm khá hơn, tìm về, muốn nhận lại con, chị sẽ để bé Hoa theo mẹ ruột để được ăn học đàng hoàng. Tấm ảnh sẽ giúp chị vượt qua những ngày không có con bé bên cạnh nếu điều đó xảy đến. Dĩ nhiên ý nghĩ thầm kín ấy, Hạnh chỉ giữ cho riêng mình.
Bé Hoa biết mong ước của mẹ, nó nhặt từng tờ giấy, từng tấm bìa, từng chai nước, nhịn từng cái bánh, cái kẹo để gom góp thêm cho mẹ. Nó cùng cha mẹ đếm từng ngày, để dành chiếc váy đẹp nhất không mang ra mặc giữ cho mới, chờ đến ngày chụp ảnh. Niềm mong mỏi của con bé có lẽ cũng chẳng kém chị bao nhiêu.
Chị nắm tay con, đáp lại ánh mắt long lanh của nó cùng khuôn mặt vui vẻ của chồng bằng một nụ cười nhẹ.
- Số tiền này một nửa là công góp của bé Hoa nên mẹ muốn hỏi ý kiến của hai cha con, mình đem ủng hộ tổ dân phố mua vở tặng học sinh ở vùng mới bị bão lũ có được không?
Anh Hiếu nhẹ nhàng bảo, số tiền này là hai mẹ con dành dụm được, anh không có ý kiến. Bé Hoa đưa hai tay ôm má, suy nghĩ. Một lúc, con mới vòng tay ôm vai mẹ:
- Con muốn cả nhà mình được chụp ảnh nhưng hôm nay ở trường, cô cho con xem phóng sự, thấy sách vở của các bạn bị lũ cuốn, con cũng thấy thương các bạn.
Nó nhăn trán suy nghĩ hệt như bà cụ non. Chợt nó reo lên một tiếng rồi chạy đến bàn học, hí hoáy. Mồ hôi lấm tấm trên trán cũng chẳng buồn đưa tay lau. Một lúc lâu sau, nó mang bức tranh mới vẽ xong mang ra khoe cha mẹ:
- Chưa có ảnh chụp thì mình treo "ảnh" con vẽ vậy. Mai con sẽ lấy bìa cứng làm khung, vẽ hoa trang trí để bố treo lên tường. Bố xem, con vẽ bố mặc áo vest có đẹp trai không, còn mẹ mặc váy y như hoàng hậu. Mẹ thích váy màu gì để con tô nào. Con sẽ là công chúa mặc váy hồng nhé.
Hạnh ôm con vào lòng. Những tiếng ríu rít của con nhòe đi trong nước mắt. Chị thấy anh Hiếu cũng lén đưa tay lên lau má dù miệng anh đang hé một nụ cười.